|
Cần đưa trẻ tới bác sĩ nếu có những dấu hiệu khác thường về đường hô hấp. (Ảnh: Cương Huyền)
|
Những ngày gần đây, số trẻ em được cha mẹ đưa đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa nhi tăng vọt, trong đó chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp: viêm mũi, họng, tai.
Nhiễm lạnh vì... mặc ấm
BS Nguyễn Thắng, khoa Hồi sức- cấp cứu BV Nhi TƯ cho biết: Thời tiết nồm, chuyển mùa là nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị viêm đường hô hấp. Một trong những nguyên nhân nữa khiến trẻ bị ho, sốt, viêm họng trong những ngày này chính là do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ.
Theo BS Thắng, thời tiết nồm như hiện nay dễ dẫn đến hiện tượng buổi sáng trời lạnh, trưa nắng ấm và chiều chuyển lạnh. Nếu trẻ mặc quá ấm sẽ dẫn đến trường hợp mồ hôi toát ra nhiều, không thoát khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
Bởi vậy, buổi sáng trước khi đưa con đi nhà trẻ, các bậc cha mẹ phải luôn chú ý đến trang phục của con.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Trường Mầm non tư thục Hoa Sen (phố Hoàng Hoa Thám - Hà Nội) thì trang phục tốt nhất cho trẻ là cha mẹ nên mặc áo mỏng vừa phải, thấm mồ hôi ở bên trong, một áo khoác nhẹ mặc bên ngoài. Buổi trưa nắng ấm, cô giáo có thể bỏ bớt áo khoác ngoài cho trẻ.
Với những trẻ em dưới 2 tuổi chưa đi nhà trẻ, các bậc cha mẹ cũng lưu ý thường xuyên đặt tay vào lưng trẻ để kiểm tra việc toát mồ hôi ở lưng. Nếu thấy da bé ướt hoặc dính tay cần phải dùng khăn bông khô để lau sạch, thay áo mỏng hơn, đề phòng trẻ nhiễm lạnh dẫn tới viêm phổi. Ngoài ra, không khí ẩm ướt trong nhà cũng rất dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp.
Tính riêng sáng 6/4, Khoa khám bệnh - BV Nhi TƯ đã đón tiếp hơn 300 lượt bệnh nhi đến khám. Tương tự, Khoa Nhi, BV Xanh Pôn, Hà Nội cũng đã đón tiếp hơn 100 lượt bệnh nhân nhi. |
Bởi vậy, BS Thắng khuyên buổi sáng, trời mưa phùn, các bậc cha mẹ nên đóng cửa để ngăn không khí ẩm ướt ở bên ngoài vào. Nhưng khi trời nắng, hoặc có gió thì nên mở cửa để không khí trong nhà được thông thoáng.
Trong trường hợp không có nắng, gió, các bậc cha mẹ cũng nên lấy khăn bông khô để thấm “mồ hôi” dưới nền nhà và bật quạt nhẹ để nền nhà được khô ráo. Động tác này còn giúp cho trẻ không bị trơn ngã trong khi di chuyển.
Viêm họng vì răng bẩn
Trẻ em rất dễ bị viêm họng nếu răng, lợi không được vệ sinh sạch sẽ, nhất là trong những ngày trời nồm như hiện nay sức đề kháng của trẻ kém, cơ thể nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết.
Cần đưa trẻ đi cấp cứu khi có các dấu hiệu
- Có sắc tím tái khắp mặt, miệng và lưỡi.
- Đang thở nhịp rất mau
- Thở nghe rất mạnh, ở cuối phòng có thể nghe thấy tiếng thở
- Có vẻ gắng sức lắm mới thở được
- Lơ mơ một cách bất thường
- Không nói hoặc phát âm như thường lệ được. |
BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Viện trưởng BV Nhi TƯ khuyến cáo: Cha mẹ nên cho trẻ vệ sinh răng miệng trước, sau khi đi ngủ (kèm theo súc miệng bằng nước muối loãng) và sau các bữa ăn. Về mùa lạnh, nên súc miệng nước muối ấm. Với trẻ nhỏ chưa thể tự súc miệng được, cha mẹ có thể dùng một chiếc khăn xô sạch nhúng vào nước muối ấm nhẹ nhàng lau kẽ răng, lợi, lưỡi cho trẻ.
Tuy nhiên, với những trẻ quá bé, BS Lộc cảnh báo tuyệt đối không được vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay sau khi ăn, do cấu tạo dạ dày và thực quản của trẻ thẳng nên dễ bị nôn, trớ thức ăn. Ngoài ra, buổi tối khi đi ngủ, nên quàng cho trẻ khăn mỏng kín cổ và ngực. Không mở toang cửa sổ tránh gió lùa. Và buổi sáng sớm, nếu trẻ muốn uống nước thì nên cho trẻ uống nước ấm.
Cha mẹ không tự “kê” thuốc cho con
Nhiều gia đình (đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đường đi lại khó khăn, xa phòng khám, xa bệnh viện) khi thấy con có những dấu hiệu ho, sốt như những lần ốm trước thường tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giống như đơn thuốc trước cho con uống.
BS Hoàng Minh Thu, Trưởng phòng Khám nhi, BV XanhPôn cảnh báo: Việc tự cho trẻ uống thuốc dễ khiến trẻ nhờn thuốc, giảm hiệu quả điều trị. BS Lộc cũng cho hay trẻ còn có thể bị biến chứng sang các bệnh như viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản, phổi... làm việc điều trị càng trở nên phức tạp và tốn kém. Bởi vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, thở nhanh, bú kém (với trẻ còn bú mẹ) cần đưa ngay đến bác sĩ.
( Theo Giađình.net )