Số trẻ đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội tăng gấp rưỡi trong mấy ngày qua, chủ yếu là do viêm đường hô hấp và tiêu chảy. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân chính là sự ấm lên của thời tiết.
Gần 11h30 ngày 24/3, trước cửa các phòng khám của Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đông nghẹt. Các dãy ghế kín người ngồi đợi, nhiều bà mẹ phải bế con đi đi lại lại, chờ đến lượt. Ở khu vực làm thủ tục xét nghiệm, các bậc phụ huynh chen nhau đóng tiền dù không hy vọng kịp làm trong buổi sáng.
11h30 trưa nay, trước cửa phòng khám của Bệnh viện Nhi trung ương vẫn rất đông người ngồi đợi. Ảnh: Hải Hà.
Chị Vinh (Sóc Sơn, Hà Nội) liên tục vỗ vào lưng đứa con gái 18 tháng tuổi. Em bé ho nhiều đến đỏ mặt tía tai, sau đó mệt lả nằm nép vào lòng mẹ. Chị Vinh cho biết, đã rất giữ gìn cho con nhưng không hiểu sao bé vẫn bị sổ mũi rồi ho, uống thuốc cảm mấy ngày không khỏi nên đưa đi khám.
Gần đó, một bé trai chừng 2 tuổi vừa uống mấy hớp sữa đã nôn hết ra quần mẹ và sàn bệnh viện. "Cháu viêm họng mấy hôm rồi, hễ ăn gì là nôn ra hết"- người mẹ than thở. Chị đoán rằng bé bị ốm do đêm cứ đạp chăn, bố mẹ chủ quan là trời ấm nên cũng không để ý đắp lại cho con.
Còn chị Hà (Thanh Trì, Hà Nội) thì lo tái người vì đứa con 9 tháng bị sốt rồi đi ngoài liên tục suốt từ trưa hôm qua: "Đông thế này, biết bao giờ mới khám được, con bé thì mệt lả" - chị xót xa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết số trẻ ốm đến khám tăng vọt trong mấy ngày qua. Mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 1.300-1.500 trẻ, thậm chí có hôm đến 1.600; trong khi trước đó con số này chỉ là 1.000-1.100 trẻ.
Khoảng 1/3 số bệnh nhân bị các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi - phế quản, amiđan... Khoa Hô hấp có 60 giường nhưng đang phải điều trị cho 130-140 cháu, nghĩa là có giường phải ghép ba. Các trường hợp tiêu chảy cũng tăng mạnh, chủ yếu là tiêu chảy do virus. Ngoài ra, theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, số trẻ bị viêm da, dị ứng, phát ban đến khám trong mấy ngày gần đây cũng nhiều hơn đáng kể so với trước.
Giải thích hiện tượng trên, bác sĩ Lộc cho biết, vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác bị kiềm chế trong một thời gian dài do trời lạnh nên khi thời tiết ấm lên, độ ẩm không khí cao, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, gây nên các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.
Còn bác sĩ Nhuận lưu ý đây là thời điểm rất nhiều loài cây ra hoa rầm rộ, các loài vật thay lông. Không khí nóng ẩm, chứa nhiều phấn hoa, lông mao, lông vũ và bụi dễ làm phát triển các bệnh dị ứng và phát ban.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh phải hết sức lưu ý đến sức khỏe của con trong giai đoạn giao mùa này. Thời tiết chưa ổn định, sáng lạnh, trưa nóng, chiều có khi lại rét; trong nhà ấm, ngoài trời lại lạnh. Cha mẹ nên linh hoạt mặc thêm hoặc cởi bớt đồ cho trẻ kịp thời, vì quá nóng hay quá lạnh đều có thể làm trẻ bị viêm phế quản.
"Sai lầm mà những người có con dưới 1 tuổi thường mắc là ủ con quá kỹ, khiến trẻ không chỉ bị viêm hô hấp do mồ hôi mà còn bị bệnh ngoài da" - bác sĩ Nhuận nói. Ông cho biết vừa khám cho một bệnh nhi, da bị viêm lở với rất nhiều nốt đỏ nhưng mẹ vẫn ủ rất nhiều lớp chăn, lại không cho tắm rửa vì nghĩ con bị sởi, cần kiêng gió kiêng nước.
Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh các bệnh ngoài da, nhưng vẫn phải dùng nước đủ ấm, phòng tắm kín gió. Nếu trẻ không khỏe, nên tắm nhanh.
Ngoài ra để con khỏe mạnh, cha mẹ nên chú ý vệ sinh ăn uống, tránh cho con ở lâu những chỗ quá đông người. Nếu con bị ho nhiều hay tiêu chảy, nên cho đi khám và tạm thời ngừng đi nhà trẻ để tránh lây cho các bạn.
( Theo VnExpress )