Liên tiếp 10 trường hợp bị tử vong sau khi tiêm chủng mở rộng từ tháng 4/2007 đến nay mà mới đây nhất, ngày 18.3, tại BV Từ Dũ (TP HCM) một bé gái sơ sinh một ngày tuổi sau khi tiêm vắc-xin Engerix B (Cty GlaxoSmith-Kline Bỉ sản xuất) phòng viêm gan B có biểu hiện bất thường:
Tím tái, mạch đập nhanh khiếnkhông ít người dân hoang mang và quyết định không đưa trẻ đi tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, còn nhân viên y tế tỏ ra lo ngại. Ngay trên địa bàn Hà Nội, số trẻ đi tiêm vắc-xin trong 2 tháng qua cũng đã giảm đến gần 40%.
Tại hội thảo khoa học an toàn tiêm chủng vắc-xin tổ chức vào hôm qua 20/3, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương (VSDTTƯ) xung quanh vấn đề này.
+ Ông có thể cho biết chất lượng vắc-xin và kỹ thuật tiêm chủng của nhân viên y tế ở những ca xảy ra tai biến vừa rồi?
- Kết quả điều tra chuyên môn của Hội đồng khoa học cho thấy, không phát hiện bất cứ sai sót gì trong khâu bảo quản vắc-xin, chất lượng vắc-xin hay kỹ thuật tiêm vắc-xin của nhân viên y tế. Đây là những ca tai biến khó tránh khỏi do nguyên nhân từ yếu tố cơ địa của các trẻ hoặc bệnh nhi mắc bệnh bẩm sinh, mắc nhiều triệu chứng bệnh cùng lúc. Ngay như ca tai biến ngày 18/3 ở BV Từ Dũ (TP HCM) sau khi tiêm vắc-xin Engerix B (Cty GlaxoSmith-Kline do Bỉ sản xuất), cháu có biểu hiện bất thường: tím tái, mạch đập nhanh. Theo chẩn đoán ban đầu, có thể bệnh nhi bị suy hô hấp do chậm hấp thu dịch phổi trùng khớp với thời điểm vừa tiêm vắc-xin. Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, tiêm vắc-xin luôn có một tỷ lệ tai biến nhất định chứ không thể đảm bảo an toàn được 100%. Tỷ lệ tai biến khi tiêm vắc-xin là 1-2 phần triệu, lại rơi vào khả năng trùng hợp ngẫu nhiên. Tại Việt Nam, tỷ lệ tai biến khi triển khai tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn nằm trong mức chấp nhận được và không có gì đáng lo ngại.
+ Sau khi Bộ Y tế yêu cầu ngừng sử dụng những lô vắc-xin nghi tai biến , Viện có kế hoạch nhập vắc-xin mới không?
- Đúng là Bộ Y tế đã ký quyết định tạm ngừng toàn bộ lô vắc-xin gây tai biến để điều tra, xác định nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân. Và hiện tại, Viện VSDTTƯ đã nhập được 2,1 triệu liều vắc-xin thay thế loại vắc-xin trước đây. Loại vắc-xin mới này đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn và đang phân phối cho các tỉnh trong toàn quốc. Hiện những tỉnh nào có đủ vắc-xin và các điều kiện cần thiết thì sẽ tiến hành cho người dân đi tiêm vắc-xin một cách bình thường. Tuy nhiên, với số lượng vắc-xin này vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu tiêm vắc-xin của người dân, đặc biệt các tỉnh ở phía Nam.
+ Hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra e dè khi đưa con đi tiêm chủng, ông có lời khuyên gì đối với họ?
+ Sự cố phản ứng sau tiêm chủng là điều không tránh khỏi đối với bất kỳ loại vắc-xin, sinh phẩm hay thuốc nào. Nhưng rõ ràng, những ca tử vong vừa qua không phải do tiêm vắc-xin. Vì vậy, tôi khuyên tất cả các bà mẹ nên đưa con đến tiêm tại các cơ sở tiêm chủng thuộc Chương trình TCMR quốc gia, cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, định kỳ. Chúng tôi cũng cam kết đẩy mạnh hơn nữa chất lượng dịch vụ tiêm chủng để bảo đảm tất cả các loại vắc-xin đến được với trẻ em. Trẻ nên tiêm vắc-xin trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, dựa trên một cơ sở khoa học là trẻ em được tiêm càng sớm thì khả năng đứa trẻ đó đáp ứng miễn dịch, tạo kháng thể phòng viêm gan B càng tốt.
+ Nhưng cũng có những chống chỉ định khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, thưa ông?
- Về mặt lý thuyết, vắc-xin viêm gan B chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng hoặc trẻ đang trong thời gian bị ốm. Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ, y tá trước khi tiêm phải cẩn thận trong việc khám xét tình trạng sức khỏe của trẻ.
( Theo KTĐT )
200.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ
Các phản ứng sau tiêm chủng đã làm giảm tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi xuống còn 81,2% năm 2007, giảm mạnh so với năm 2006 với 95,7% trẻ được tiêm chủng đầy đủ. So với năm 2006, đã có trên 200.000 trẻ không được tiêm chủng đầy đủ.
Ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư kiêm trưởng Ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng, cho biết trong hội thảo ngày 20-3 về an toàn tiêm chủng.
Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng, từ tháng 4-2007 đến nay đã có 12 trường hợp trẻ em tử vong liên quan đến tiêm chủng. Chương trình tiêm chủng mở rộng điều tra và cho rằng phần lớn trong số các ca tử vong này là do sốc phản vệ, do cơ địa, do trùng hợp với bệnh sẵn có ở trẻ, có trường hợp không rõ nguyên nhân, nhưng đều "không nghĩ hoặc ít nghĩ đến chất lượng văcxin, quá trình vận chuyển, bảo quản văcxin, sử dụng bơm kim tiêm hoặc tiêm chủng".
Tham dự hội thảo, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN Jean Marc Olivé cho biết ngay sau khi có trường hợp tai biến cần thông tin rộng rãi, điều tra đánh giá nguyên nhân đúng qui trình, tránh ảnh hướng xấu đến chương trình tiêm chủng vì việc giảm tỉ lệ trẻ được tiêm chủng có thể làm dịch bệnh bùng phát. |
( Theo Tuổi Trẻ )