Xã hội
   Trẻ mẫu giáo bỏ học để luyện chữ
 
16h30 chiều, trước cửa trường mầm non Việt Triều, quận Đống Đa, Hà Nội, hai ông bố còn đội nguyên hai chiếc mũ bảo hiểm vội vàng đút cháo trai cho hai cậu bé. Vừa cho con ăn, hai ông bố vừa thúc giục: "Ăn nhanh lên con rồi đi học, bố còn phải quay lại cơ quan rồi mới về đón con được".

Nhìn cảnh hai cậu bé phùng mang trợn mắt nuốt vội từng thìa cháo, bà bán hàng cám cảnh: "Gớm, bé tí thế kia mà học hành gì mà khổ thế!". Một ông bố phân bua: "Tháng 9 này là cháu vào lớp 1 rồi bác ạ. Không đi học trước thì làm sao theo kịp các bạn".

Những phụ huynh có cùng chung nỗi lo lắng như ông bố này hiện không phải hiếm. Do tâm lý muốn con học giỏi, bắt kịp chương trình lớp 1 mà nhiều người cho là "rất nhanh, khó hơn ngày xưa nhiều", nên nhiều cha mẹ ngay từ tháng 2 đã đôn đáo tìm lớp học viết, học đọc cho con. Theo tìm hiểu của Ngôi Sao, vào thời điểm này, khi không khí ở các lớp "tiền tiểu học" nóng lên thì cũng là thời điểm các lớp 5 tuổi ở nhiều trường mầm non bị giảm đáng kể sĩ số.

Tại lớp 5 tuổi của trường Mầm Non Ánh Sao, Cầu Giấy, Hà Nội, mặc dù các bé đã được các cô dạy tập tô, nhận biết mặt chữ nhưng dường như chừng đó chưa đủ làm cho các bậc phụ huynh yên tâm. Sĩ số lớp học có những hôm thiếu đến một phần tư, còn nghỉ vài em thì hầu như hôm nào cũng có. Tình hình diễn ra tương tự ở các trường mầm non khác, đặc biệt là các trường tư thục, nơi việc dạy cho trẻ làm quen với kiến thức lớp 1 có phần bị coi nhẹ hơn các trường công.

Theo cô Hà, cán bộ của trường, hầu hết các bé sau khi học xong lớp 5 tuổi sẽ được gia đình cho học thêm 2 tháng hè để biết viết chữ, biết đánh vần, chuẩn bị tháng 9 vào lớp 1. Tuy nhiên, một số gia đình nóng ruột hơn, cho con em đi học từ tháng 2 với hy vọng con mình sẽ theo được chương trình lớp 1, thậm chí "vượt trội" ngay từ đầu.


Nhiều bé chưa đến tuổi học lớp 1 đã đọc thông viết thạo. (Ảnh L.H.)

Đã gần một tháng nay, cứ chiều thứ 2, 4, 6 là bé Bông, đang học ở một trường mầm non tư thục ở quận Thanh Xuân, Hà Nội được bố mẹ xin cho nghỉ học ở lớp mẫu giáo lớn để đến học viết chữ ở nhà một cô giáo dạy tiểu học đã nghỉ hưu. Chương trình học của bé cũng là tập viết chữ, nhận mặt chữ, mặt số và đánh vần. Buổi học diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi, trong khi các bé học trong nhà thì ông, bà, bố mẹ nhiều bé ngồi ngay bên ngoài chờ để đón về.

Nhiều phụ huynh không thể bố trí thời gian đón con đi học trong giờ hành chính đành chọn những lớp học ngoài giờ. Anh Minh, kỹ sư xây dựng, cứ 4h30 chiều là tất tả từ cơ quan đến trường mẫu giáo đón con, cho con ăn tạm cái gì lót dạ rồi chở bé đến nhà cô giáo học chữ, sau đó lại về cơ quan làm việc tiếp. Chị Mai, vợ anh Minh, 5h30 tan sở nhưng cứ phải nán lại hoặc loăng quăng đi chợ mua bán gì đó chờ đến 6h30 đón con về. Về đến nhà đã tối mịt, lại cơm nước, tắm rửa, chị cũng không còn thời gian nào để kiểm tra xem con mình đã học được gì nữa.

Chị Mai tâm sự: "Thấy con các đồng nghiệp tôi chưa đi học đã biết đọc biết viết thành thạo, trong khi con mình chưa biết gì, tôi rất lo. Ở lớp các cháu cũng được học chữ cái nhưng mà chỉ là làm quen thôi. Tôi sợ cháu vào tiểu học sẽ bị tụt lại so với các bạn nên đành phải cho cháu đi học trước, chứ học thế này cũng mệt mỏi lắm".

Tại TP HCM, tình trạng phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm lớp cho các bé lớp lá học trước khi vào lên lớp một cũng sôi động không kém.

Cứ mỗi 5h30 chiều các ngày 2, 4, 6, chị Nguyễn Thu Vân, quận Phú Nhuận mải mốt đón con gái đang học mầm non là bé Kin, rồi lại chạy xe hết tốc lực để kịp đưa cháu tới địa điểm luyện vào lớp 1. Bé đang học tại mầm non công lập, nhưng trường chỉ dạy đúng khung chương trình Bộ GD&ĐT đã quy định, nên chị Vân phải tìm cho con một lớp học do các cô giáo mở tại gia, học sau giờ chính khóa, hoặc vào thứ bảy, chủ nhật.

Chị Bùi Thị Lan, quận Tân Bình cũng đã tìm được lớp học trước cho con trai ngay từ sau Tết. Cu Bi con trai chị đang học lớp lá tại một trường mầm non tư thục, gần nhà. Tan học, những bé được bố mẹ đăng ký học lớp này sẽ ở lại học thêm với cô giáo ngay tại lớp.

Chị cho biết, khi đứa con đầu vào lớp một, vợ chồng chị cũng kiên quyết không cho con học trước, nhưng kết quả là bé Bim, chị của cu Bi, không theo kịp các bạn vì quá nửa học sinh trong lớp đã học kiến thức lớp một từ mầm non.

"Sau đó, tôi phải thuê gia sư kèm riêng cho chị cu Bi mất cả năm trời. Rút kinh nghiệm, nên tôi quyết định cho cháu đi học trước. Hơn nữa, ở trường mẫu giáo, các cháu chỉ được dạy đọc chữ cái, nhưng giữa kỳ I của lớp một, học sinh đã phải tập chép, viết câu dạng chính tả, không học trước thì theo sao nổi", chị Lan giãi bày.

Hầu hết các phụ huynh Tại TP HCM khi được hỏi đều cho rằng, bị áp lực khi thấy các trẻ cùng tuổi với con mình mà đã biết làm toán, biết đọc viết chữ, nên cũng tìm lớp cho con học trước.

Nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh, các lớp dạy trước kiến thức, luyện chữ cho trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp một cũng nở rộ. Trong đó, những lớp do các giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, hoặc còn đang dạy mở tại gia thường thu hút lượng học sinh tương đối lớn. Các lớp này thường đông học sinh, khuôn viên lại chật hẹp, với mức học phí thương đối thấp, dao động 200.000-300.000 đồng, tùy số buổi và tiếng tăm của giáo viên.

"Nhu cầu cho con đi học trước kiến thức lớp một của phụ huynh rất cao. Vào thứ bảy, chủ nhật, tôi thường chạy sô 4-5 điểm, mỗi điểm dạy khoảng 2 tiếng", cô Nguyễn Thị Minh, giáo viên tiểu học tham gia dạy thêm cho trẻ mầm non, chia sẻ.

Không ít hiệu trưởng Mầm non cũng cho biết, các trường không dám dạy vượt khung chương trình Bộ GD&ĐT đã quy định, tuy nhiên, nhiều phụ huynh quá nôn nóng muốn con mình bắt nhịp nhanh với chương trình tiểu học, muốn con học trước, nên trường phải "chiều". "Tổ chức dạy thêm ngoài chương trình thường phải làm lén, thanh tra Phòng giáo dục mà biết được thì phiền lắm. Nhưng không mở lớp học, phụ huynh mang con đi gửi chỗ khác thì chúng tôi mất trò", chị Hiền, một giáo viên mầm non tư thục, than thở. Các lớp học "lén" như vậy thường tổ chức tại nhà riêng của giáo viên. Còn tại nhiều mầm non tư thục, trẻ ở lại học ngay tại trường, sau giờ chính khóa.

Việc học trước chương trình có thật cần thiết và nhiều ưu việt hay không hiện chưa có một nghiên cứu chuyên ngành nào chứng minh được, nhưng điều thấy rõ là nó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và cả sức khỏe của các bé và phụ huynh.

Bà Thu, ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, chiều chiều đưa cháu đi học rồi ngồi chờ hết một tiếng rưỡi rồi đón cháu về, cho biết: "May mà tôi đã nghỉ hưu nên có thời gian đưa đón cháu học vào buổi chiều chứ nhiều nhà không có người, các cháu bé phải học hết buổi ở lớp mẫu giáo rồi mới được đưa đi học tiếp, về nhà thì đã 7h tối, rất mệt mỏi. Cháu tôi học ở lớp mẫu giáo từ sáng đến chiều, cũng muốn về nhà nhưng bị bố mẹ nó bắt đi học nên hôm nào cũng khóc mếu, có hôm về nhà mệt quá lăn ra ngủ luôn, chẳng cơm cháo gì nữa".

Trao đổi với Ngôi Sao, ông Nguyễn Nghĩa Dũng, Hiệu trưởng tiểu học Trần Quốc Tuấn, TP HCM cũng thừa nhận không ít giáo viên lớp một thích dạy các học sinh đã đọc thông viết thạo. Cá biệt có những giáo viên công khai chê các cháu chưa biết đọc, biết viết, ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Tuy nhiên không phải giáo viên lớp 1 nào cũng thích lớp có nhiều trẻ học trước, vì các em này thường ỷ mình biết rồi, chủ quan không nghe cô giảng, dẫn đến thói quen thiếu tập trung kéo dài.

Ông Dũng cũng cho rằng, tại các lớp học trước chương trình thường chật hẹp, giáo viên lại chỉ chú trọng việc nhồi nhét để trẻ mau biết đọc, biết viết nhằm đáp ứng nguyện vọng của gia đình nên nhiều trẻ ngồi sai tư thế, cầm bút không chuẩn... nhưng thường bị bỏ qua.

Đồng quan điểm trên, cô Oanh, cán bộ trường Mầm Non A, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nói: "Ở lớp 5 tuổi, các cháu cũng bắt đầu được dạy chữ cái, số, tập tô, tập viết... Chuẩn bị như vậy là đủ để các bé làm quen với chương trình lớp 1. Việc học trước ở các cơ sở tư nhân không những không tốt cho các bé mà còn ảnh hưởng rất lớn nếu như các cô dạy trước không dạy đúng cách giáo dục lớp 1 hiện thời, khi vào lớp các bé sẽ bị bối rối trước cách học chuẩn".

Hầu hết các nhà giáo dục có chuyên môn và cập nhật được cách học hiện thời đều khuyên phụ huynh không nên vì nôn nóng mà cho con đi học trước kiến thức. Thực tế cho thấy các em học trước chỉ nhanh hơn các bạn đồng khóa trong nửa năm đầu lớp một, còn sau đó, lực học sẽ phát triển theo đúng khả năng thực của mỗi học sinh.

( Theo Ngôi Sao.Net )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Có cha, con sẽ thông minh hơn (21/3)
 Sân chơi tập thể bị chiếm dụng : Ai hưởng lợi, trẻ em chơi ở chỗ nào? (21/3)
 "Sĩ tử mầm non" (20/3)
 Triển lãm ảnh Trẻ em chụp trẻ em (20/3)
 Một địa chỉ khám và chữa răng miễn phí (20/3)
 Ngày uống sữa miễn phí đầu tiên ở Hà Nội (20/3)
 Trẻ em TPHCM “khát” khu vui chơi (19/3)
 Trẻ dưới 6 tuổi cấp cứu tại bệnh viện tư vẫn chưa được miễn phí (19/3)
 Tháng ba, trẻ dễ mắc bệnh gì? (19/3)
 Từ 17-3: TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình (19/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i