Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, từng dắt tay bồng bế học sinh lên núi xuống hầm tránh bom đạn... Nhiều người được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua nhiều năm liền trong hòa bình... Vậy mà không hiểu sao đùng một cái, họ bị sa thải một cách tàn nhẫn với lý do “không có năng lực, không bằng cấp”... Với cuộc sống cực khổ, thiếu thốn trăm bề, họ đã nước mắt ngắn dài cầu cứu nhiều nơi nhưng chưa được cơ quan chức năng nào xem xét.
|
Bảy cô giáo bị buộc thôi việc một cách tàn nhẫn |
CỐNG HIẾN 30 NĂM, NHẬN ĐƯỢC... BỨC XÚC
Đầu tháng 12-2001, cô Hòa và cô Thu, Hiệu trưởng của hai trường mầm non Phú Gia và Hương Vĩnh, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh ra thông báo cho các cô Dương Thị Tam, Lê Thị Tùy, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Cảnh (giáo viên Trường Mầm non Phú Gia), các cô Lê Thị Hồng, Trần Thị Thảo, Ngô Thị Hương (giáo viên Trường Mầm non Hương Vĩnh) cho nghỉ việc mặc dù họ chưa đến tuổi hưu. Tiếp đến, đầu năm 2002, Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê đã cắt mọi chế độ đối với bảy giáo viên này và buộc nghỉ dạy trước tuổi một cách khó hiểu. Sau đó lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện cùng với hiệu trưởng của hai trường mầm non trên đã đến tận nhà của những giáo viên này thông báo lên nhận tiền trợ cấp. 30 năm công tác, mỗi năm chỉ nhận được 80.000 đồng (30 năm là 2.400.000 đồng) với một câu giải thích là “chế độ nghỉ chờ đợi”. Không có một quyết định hay một văn bản chính thức nào, họ bị đuổi khỏi bục giảng một cách tàn nhẫn với hai bàn tay trắng, chút quyền lợi nhỏ nhoi nhất là BHYT cũng không có.
Theo ông Lê Ngọc Minh - Trưởng phòng GD-ĐT của huyện thì bảy giáo viên nói trên được liệt kê vào danh sách những người không có bằng cấp, không có năng lực, những giáo viên ngoài biên chế được hưởng chế độ trợ cấp một lần (80.000 đồng/năm) do danh sách của trường đề xuất lên phòng xem xét và duyệt đúng quy định (?). Chưa hết, các giáo viên ký nhận tiền là bảng danh sách “nhận tiền trợ cấp” dành cho những giáo viên có trên 30 năm công tác trong ngành nhưng khi nhận tiền ký xong các cô này lại bị liệt vào danh sách là những đối tượng không bằng cấp và chỉ có vài năm giảng dạy. Để hợp thức hóa “danh sách” này, họ đã đưa chữ ký của người này ráp vào người kia một cách lộ liễu. Điển hình: cô Lưu Thị Vân thì ký là Lưu Anh Thảo, cô Trần Thị Thảo được ký là Tam, Phan Thị Nhượng thì ký là Dương Hồng Th...
Thay mặt cho các cô giáo - nạn nhân, cô Trần Thị Thảo bức xúc: 30 năm cống hiến trong nghề, liên tục từ thời chiến tranh gian khổ, bàn ghế, phòng học không có, phải đi mượn từng nhà dân để các em có chỗ ngồi, chỗ học, mỗi tháng chỉ được 6kg thóc nhưng chúng tôi vẫn bám trụ. Hy vọng khi chiến ranh kết thúc sẽ có một tương lai tốt đẹp cho nền giáo dục, cho học sinh, cho cả bản thân mình. Vậy mà đùng một cái bị buộc thôi việc một cách vô lý. Chúng tôi cả bảy người ai cũng có đầy đủ hai văn bằng sơ và trung cấp của Trường Mầm non miền xuôi Nghệ Tĩnh trước đây và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh cấp thì sao lại nói là không có bằng cấp? Nếu vậy 30 năm qua, ngành giáo dục đã nhắm mắt cho chúng tôi làm “chui” hay sao? Còn năng lực giáo viên thì đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, không lẽ là giả? Đã bảy năm trôi qua nhưng tôi vẫn không tin đó là sự thật”.
NHỮNG HOÀN CẢNH ĐÁNG THƯƠNG
Làm giáo viên mầm non ở vùng sâu vùng xa thì khác gì “đốn củi giữa thành phố” nên hoàn cảnh ai cũng nghèo. Tất cả cuộc sống trong gia đình đều trông chờ vào những đồng lương, phụ cấp ít ỏi. Vậy mà đột nhiên trở về với hai bàn tay trắng thì làm sao không bức xúc. Mỗi người một gánh nặng. Cô Trần Thị Tam có chồng bị bệnh liệt giường nằm một chỗ, con dại, bố mẹ già... Cuộc sống của gia đình đè nặng lên đôi vai. Cô Trần Thị Xuân trước đây cũng tham gia kháng chiến, sinh được bảy đứa con thì tất cả lại mang di chứng chất độc da cam từ mẹ. Chồng mất sớm, một mình cô bươn chải nuôi con tật nguyền, khiến ai cũng xót xa. Cô Lê Thị Hồng cũng không khá gì hơn khi phải nuôi sáu đứa con, chồng quanh năm đi làm thuê, do hoàn cảnh khó khăn lại thường xuyên bị đau ốm, không việc làm, cuộc sống vốn đã thiếu thốn trăm bề nay lại bức xúc sinh bệnh nên càng bi đát hơn. Cô Ngô Thị Hương phải nuôi 5 năm đứa con với mẹ già 90 tuổi.
Đã bảy năm trôi qua, họ đã gõ hết cửa cơ quan này đến cơ quan khác nhưng nỗi bức xúc vẫn không được giải quyết. Một đời người cống hiến cho giáo dục nay lại bị đối xử một cách thậm tệ, vu oan là không có bằng cấp để đuổi khỏi bục giảng vừa là nghề nghiệp, vừa là công việc để nuôi sống cả gia đình, hỏi làm sao mà không uất ức cho được? Người đồng ý thì cho nhận được ít tiền, người không đồng ý thì cũng bị đuổi ra khỏi trường. Đã vậy, khi chúng tôi đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo Phòng giáo dục huyện Hương Khê về vấn đề này thì họ lại đổ lỗi cho nhau. Ông Lê Ngọc Minh cho biết: vụ này do cô Doãn - Phó phòng trực tiếp ký và giải quyết, tôi không làm việc này nên không có trách nhiệm. Nếu lúc đó tôi làm chắc chắn tôi sẽ xem xét kỹ chứ không để xảy ra sự việc rắc rối như trên. Tôi sẽ cố gắng gửi công văn cho chính quyền xin giải quyết chế độ cho các cô. May ra...”.
Có thể thấy rằng, trách nhiệm không những thuộc về hiệu trưởng của hai trường mầm non Phú Gia và Hương Vĩnh mà còn là trách nhiệm của Phòng GD-ĐT huyện cũng như Sở GD-ĐT Hà Tĩnh. Cần phải xử lý thích đáng những biểu hiện tiêu cực trong vụ việc này. Đã gần tám năm trôi qua, bảy cô giáo nói trên vẫn đang bức xúc mong chờ hồi âm từ lãnh đạo của chính quyền, ngành giáo dục Hà Tĩnh cũng như Bộ Giáo dục - đào tạo.
( Theo CATPHCM )