Đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối trong trường mầm non
|
Phần lớn các trường đều đưa vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. (Ảnh: Chí Cường) |
Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhất mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm nhất, chiếm 57.6% các ca bệnh trên toàn quốc. Trước tình hình đó, nhiều gia đình hoang mang muốn cho con nghỉ học vì sợ lây bệnh.
Vẫn còn tâm lý e ngại
Cháu Nguyễn Thảo Nguyên 3 tuổi học trường mầm non thuộc quận Hoàng Mai đã được mẹ cho nghỉ học từ hơn 1 tuần nay vì lo sợ dịch tiêu chảy cấp. Bà nội được đưa từ Thanh Hoá lên, trông cháu thời dịch bệnh.
Chị Lê Thanh Hà, mẹ cháu cho biết, không phải không tin tưởng nhà trường trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng môi trường mẫu giáo đông, các cháu nhỏ lại dễ truyền bệnh cho nhau do sức đề kháng kém. Nên thôi, cẩn tắc vô áy náy, cứ nhờ bà lên trông cháu một thời gian cho yên tâm.
Bà cụ ngoài 70, ở quê ra được con dâu “tập huấn” khẩn cấp những biện pháp phòng ngừa trong ăn uống của hai bà cháu như ăn chín uống sôi, rửa tay xà phòng trước khi ăn. Những món khoái khẩu của Thảo Nguyên như tôm cua cá bị mẹ cắt luôn. Hai bà cháu chỉ quanh quẩn với thịt bò, thịt lợn.
Trước kia sáng nào Thảo Nguyên cũng được bố mẹ cho đi ăn phở buổi sáng. Giờ thì dẹp cả phở, không cơm hàng cháo chợ gì hết. Sáng sáng chỉ có món cháo mẹ nấu sẵn, con bé cứ thế mà “giã”. Hàng ngày, chị Hà liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về dịch bệnh để chuẩn bị cho con đi học lại, vì bà cũng không thể ở lâu.
Không chỉ có trường hợp của cháu Thảo Nguyên rất nhiều gia đình trong thời gian dịch tiêu chảy cấp diễn ra đã ngay lập tức cho con nghỉ học. Nhất là trong thời gian đầu, khi cơ quan chức năng còn đang xác định bệnh do vi khuẩn hay virus, mọi người càng lo ngại sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Đến khi ngành y tế xác định bệnh do vi khuẩn và có thể phòng bệnh bằng việc giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, nhiều bậc cha mẹ mới yên tâm cho con tiếp tục đến trường. Nhưng vẫn còn một số cha mẹ kỹ tính, quyết tâm đợi hết dịch mới cho con quay lại trường.
Thực đơn thời dịch bệnh
Cô Nguyễn Phương Chi, Hiệu trưởng trường mẫu giáo bán công Bách Khoa (quận Hà Bà Trưng) cho biết: “Tâm lý sợ dịch của một số các bậc phụ huynh là có thật. Tuy nhiên, tại Trường mầm non Bách Khoa, do các cô giáo đều được tập huấn và tuyên truyền cách phòng dịch cho các bậc phụ huynh học sinh nên tâm lý chung đã tạm thời yên tâm. Số lượng học sinh của trường trong những tuần qua vì thế không có biến động. Các cháu vẫn đến trường đều đặn, đầy đủ. Trước tình hình dịch khá nghiêm trọng trên địa bàn quận nên nhà trường cũng kiểm tra gắt gao hơn nguồn thực phẩm của các cháu, mặc dù nguồn cung cấp thực phẩm của trường đã được ký hợp đồng từ đầu năm và đã có cam kết đảm bảo chất lượng”.
Những bữa ăn phụ của các cháu trước kia thường là bún, phở thì nay được thay bằng cơm, xôi, cháo. Tất cả các loại hoa quả đều bị loại khỏi thực đơn, chỉ còn duy nhất là chuối. Trước khi ăn, các cô pha loãng xà phòng vào xô nhỏ và cho các cháu rửa tay. Bát, thìa được đun sôi, khăn mặt được hấp kỹ. Cô Chi cho biết: “Từ ngày có dịch bệnh, nhà trường tăng cường kiểm tra gắt gao vấn đề giữ gìn vệ sinh cho các cháu, nên hiện nhà trường không có cháu nào mắc bệnh dịch trong thời gian qua, dù địa bàn quận là điểm nóng của thủ đô trong đợt dịch bệnh nguy hiểm này”.
Tại trường mầm non 10/10 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - cũng có những hoạt động tương tự. Cha mẹ học sinh được đọc những khuyến cáo và cách phòng tránh bệnh trên những bản tin của trường. Những bữa phụ trước kia như bánh gatô, giờ được thay bằng cơm và cháo. Tại Trường mầm non Chim Non (quận Hai Bà Trưng), các cháu phải rửa tay bằng nước muối ấm trước khi ăn, hoa quả cũng chỉ có chuối và thức ăn được chế biến kỹ tại nhà bếp của trường, được lãnh đạo nhà trường kiểm tra nghiêm túc.
Do được tuyên truyền, tập huấn và thực hiện các biện pháp phòng dịch tại chỗ, nên hầu hết các trường mầm non trên địa bàn quận Hoàng Mai cũng như Hai Bà Trưng (địa phương được coi là có số bệnh nhân nhập viện nhiều nhất của Hà Nội) đều khẳng định, số lượng các cháu đến trường trong những tuần có dịch bệnh vẫn đảm bảo.
Thực tế tại các trường mầm non như Hoa Mai, Tân Mai, Mai Động, Hoàng Văn Thụ... việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cháu được thực hiện ở mức nghiêm ngặt, nên đã tạo sự yên tâm cho các bậc phụ huynh tiếp tục đưa con đến trường. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội, chưa có bệnh nhi nào mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương: Không nên hoảng hốt cho con nghỉ học
Trong thời gian dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang có nhiều chuyển biến
tốt do ngành y tế có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống và điều
trị, các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoảng hốt mà phải cho các
cháu nghỉ học.
Hiện nay, công tác phòng, chống dịch đã được triển khai và phổ biến đến
tận y tế cấp cơ sở cũng như ngành giáo dục. Các trường học đều có phòng
y tế và các cán bộ, giáo viên đều được tập huấn kỹ về công tác phòng
ngừa và kỹ năng giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cháu. Do đó,
các bậc cha mẹ nên yên tâm và tin tưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành y tế vẫn phải nhấn mạnh đến cha mẹ và các
thầy cô giáo, nhà trường phải tuyệt đối tuân thủ nhưng khuyến cáo của
ngành y tế để phòng bệnh cho các cháu, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các
cháu mỗi khi đến lớp, đến trường.
|
( Theo GĐXH )
|