Giáo dục mầm non
   Đời sống giáo viên mầm non nông thôn hiện nay ra sao?
 
 
 Một góc sân chơi của Trường mầm non xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.
Nền giáo dục của chúng ta đã có hàng mấy mươi năm, cũng là từng ấy năm, ngành học mầm non được sinh ra và lớn lên. Vậy nhưng đến tận thời điểm này, mặc dù vẫn hiển hiện giữa các làng quê, câu hỏi trường mầm non và đời sống cô giáo mầm non nông thôn ai lo, vẫn đặt ra đầy bức xúc. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này tại một số trường mầm non nông thôn các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình...

Trường mầm non dân lập nông thôn: bình mới - rượu cũ?

Nói đến đời sống cô giáo mầm non ở nông thôn (bao hàm cả giáo viên mầm non miền núi thấp, miền núi cao không thuộc diện Chương trình 135), không thể không nói tới loại hình trường  mầm non ở nông thôn.Vì khác với ngành học phổ thông, lương bổng, thu nhập của cô giáo mầm non gắn với đặc thù loại hình trường mầm non như hình với bóng. Vì thế nếu như ngành học mầm non nói chung, loại hình trường mầm non nói riêng từng thời khắc đã trải qua không ít thăng trầm do sự biến động phức tạp của cơ chế quản lý kinh tế, thì đời sống cô giáo mầm non nông thôn cũng chìm nổi theo như thế.

Sau những năm tháng dài, có lúc ngành học mầm non (ở nông thôn) tan rã từng mảng, thì Quyết định 161 ngày 15-11-2002 của Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, đã làm xoay chuyển tình thế, với những định hướng rất rõ ràng cho giáo dục mầm non từng địa bàn, từng vùng, trong đó có giáo dục mầm non nông thôn, mà phổ biến là mô hình trường mầm non bán công.

Theo mô hình này, toàn bộ cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện do địa phương (UBND xã) lo, dân lo đóng góp (tiền học) trả lương cho cô giáo. Nhờ QÐ 161, trường mầm non nông thôn có điều kiện phát triển tốt,  đời sống giáo viên mầm non nông thôn đã ổn định hơn trước, dù còn khó khăn, do phụ thuộc vào đóng góp của dân, và sự hỗ trợ ít nhiều của UBND tỉnh. Nhưng mới đây, Nghị quyết 05 của Chính phủ về Ðẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, TDTT..., cùng với Luật Giáo dục (GD) 2005 quy định không còn loại hình giáo dục bán công, thì các trường mầm non bán công nông thôn đang đứng trước một thách thức lớn - "tồn tại hay không tồn tại". Vì sao?

Theo tinh thần Luật GD 2005, trường mầm non dân lập nông thôn, do cộng đồng dân cư ở làng, xã chăm lo. Nhưng, khái niệm cộng đồng dân cư ở làng, xã cụ thể là ai? Chính vì khái niệm không rõ đó, nên loại hình trường mầm non dân lập nông thôn, với số lượng hàng chục nghìn trường mầm non bán công đang trở thành thách đố. Nhất là với loại hình mới, trường mầm non sẽ toàn bộ do dân lo. Ðịnh hướng này vô hình trung "đẩy" các cấp quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện, các địa phương vào sự đối phó, hoặc rất băn khoăn, lúng túng. Phổ biến ở nhiều địa phương, đến bây giờ, các trường mầm non bán công nông thôn vẫn "án binh bất động". Khôn ngoan hơn, một số địa phương lập tức gọi các trường mầm non bán công trước đây thành trường mầm non dân lập nông thôn, một kiểu "bình mới" nhưng vẫn là "rượu cũ", bản chất loại hình trường vẫn không thay đổi.

Huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có 22 trường mầm non. Trừ một trường mầm non liên  cơ (công lập), còn lại 21 trường mầm non bán công, trực thuộc UBND các xã đầu tư và quản lý, phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo về chuyên môn, lương giáo viên trông vào mấy nguồn thu. Nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ 20% mức lương tối thiểu chung. Một nguồn nữa, do xã trả (từ nguồn thu học phí của học sinh), nhưng nguồn này phụ thuộc rất lớn vào từng xã, do mức sống của dân khác nhau, nên mức thu của giáo viên cũng không giống nhau, phổ biến từ 450 nghìn đến 550 nghìn đồng/người. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Quế Võ Nguyễn Công Oai, phòng đang xây dựng định mức chung của huyện, thống nhất nguồn thu các xã để lương giáo viên đồng đều hơn. Câu hỏi của chúng tôi đặt ra là việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công nông thôn sang loại hình mầm non dân lập nông thôn liệu có khả thi? Ông Nguyễn Công Oai cho biết:

- Nếu chuyển sang loại hình dân lập thì khó khăn đầu tiên là cơ chế, đòi hỏi từ  tỉnh đến huyện, xã phải hình thành, thống nhất được mô hình mầm non dân lập nông thôn. Ở TP Bắc Ninh, nguồn thu từ dân cao, nên chuyển  sang loại hình dân lập, lương giáo viên vẫn được bảo đảm, nhưng ở các xã vùng nông thôn thì rất khó!

- Vậy theo hướng  nào thì phù hợp? - Chúng tôi hỏi.

-  Ở vùng nông thôn, vẫn phải duy trì loại hình mầm non bán công như hiện nay, có sự "bảo trợ" của Nhà nước. Còn nếu chỉ do dân đóng góp, dân sẽ không kham nổi!

Cũng câu hỏi ấy, Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Ninh Ðặng Văn Hướng trả lời:

- Hiện giáo dục Bắc Ninh vẫn chờ chính sách chung, chứ tỉnh vẫn muốn ổn định như hiện nay. Phổ biến tên gọi giờ đã thành trường mầm non dân lập nông thôn, nhưng loại hình trường vẫn như cũ. Theo Giám đốc Hướng, vùng thuận lợi, có thể chuyển sang loại hình trường tư thục. Còn vùng nông thôn phổ biến nên chuyển sang công lập hết. Bởi có những xã, đến UBND còn chưa có tiền để trả lương cho cán bộ, nói gì đến giáo dục mầm non.

Cũng theo Giám đốc Hướng, trước khi có QÐ 161, các trường mầm non ở nông thôn đã gọi là trường dân lập. Sau khi QÐ 161 ra đời, các trường lập tức được gọi là trường bán công. Nay, với sự chuyển đổi theo Luật GD 2005, lập tức các trường lại được gọi là trường dân lập. Mới hay chỉ có "vật đổi sao dời" bằng văn bản, còn thực tiễn vẫn y nguyên.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Sóc Sơn, một huyện khó khăn của Hà Nội, có 25 trường mầm non nông thôn, mức sống giáo viên phổ biến 450 nghìn đồng/tháng/cô, thì cho rằng:

-  Nên chuyển các trường THPT sang dân lập và tư thục. Nhà nước dùng ngân sách "dôi dư" ấy đầu tư và chuyển hết các trường mầm non thành công lập để phát triển cho có chất lượng hơn, vì nan giải nhất hiện nay vẫn là chính sách với giáo viên mầm non nông thôn. Do các trường mầm non nông thôn thực chất vẫn là loại hình trường ngoài công lập, nên nhiều nơi có tâm lý phó mặc trường mầm non cho các xã, hợp tác xã lo, và các trường mầm non bị "buông". Nếu cứ phó mặc cho các địa phương mà ta gọi là "xã hội hóa giáo dục" thì ngành học này rất khó có chất lượng!.

Hòa Bình, tỉnh miền núi thấp, có 110 trường mầm non bán công phải chuyển sang dân lập. Trưởng phòng Mầm non của Sở Giáo dục và Ðào tạo Hòa Bình Trần Thị Bắc bộc bạch:

- Khó nhất là cơ chế quản lý và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Theo NQ 05, kinh phí đầu tư sẽ do đơn vị thành lập trường mầm non dân lập quyết định. Nhưng mặt khác, theo tinh thần Luật GD 2005, thì đơn vị thành lập trường mầm non dân lập ở đây là cộng đồng dân cư nông thôn. Vậy, cộng đồng dân cư nông thôn  là gì, hoàn toàn không xác định được. Và, cộng đồng dân cư này chịu trách nhiệm đầu  tư cơ sở vật chất như thế nào? Nếu chuyển sang trường mầm non dân lập, lương giáo viên cũng sẽ do dân nuôi, thì  số lương bình quân 450 nghìn đồng/giáo viên mầm non hiện nay (do tỉnh hỗ trợ  thông qua chế độ hợp đồng) có bị cắt không?. Bà Trần Thị Bắc cũng kiến nghị:

- Cần có sự  nghiên cứu và sửa Luật GD 2005, vì mầm non nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng lại không phải là bậc học bắt buộc, nên rất khó vận động nhân dân đưa con em đến trường. Mặt khác, nếu là trường mầm non dân lập, càng khó huy động học  sinh hơn, vì dân phải đóng học phí cao hơn. Duy trì loại hình  bán công như hiện nay sẽ giảm được nhiều khó khăn, vì loại hình này còn có sự hỗ trợ phần nào của Nhà nước.

Ở cấp cơ sở, cô giáo Nhâm Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Cao Sơn thuộc xã Cao Sơn, huyện vùng cao Ðà Bắc (Hòa Bình), xã vừa ra khỏi "diện" Chương trình 135, nhưng còn đầy rẫy khó khăn, lo lắng:

- Chuyển trường từ mầm non bán công sang dân lập là rất khó. Vì ở xã này, thu 8.000 đồng học phí còn được, nhưng những nơi khó khăn chỉ thu được 5.000 đồng/cháu/tháng. Thực tế, nhà trường cũng chỉ thu được 80% số học phí. Có xóm, nếu trường nuôi cho học sinh ăn thì người dân cho con đi học, còn phải đóng góp thì thôi. Không có nguồn nào ngoài nguồn dân nuôi, lấy đâu để đạt mức 450 nghìn đồng (như hỗ trợ của tỉnh) hiện nay. Nếu cơ sở vật chất xuống cấp, là trường dân lập, kinh phí cũng sẽ do dân, thì lấy đâu để sửa chữa. Xã tuy vừa thoát khỏi diện Chương trình 135, nhưng hộ giàu nhất, một năm cũng chỉ tính có bao nhiêu tấn ngô, còn lại tới 53% số hộ nghèo (theo tiêu chí mới).

Cần xem lại chủ trương chuyển đổi các trường mầm non bán công nông thôn sang mầm non dân lập nông thôn. Nếu vẫn giữ nguyên những quy định của Luật GD 2005 thì sẽ dẫn đến việc các địa phương thực hiện một cách đối phó, hình thức.

 Đến nay, Hà Nội chưa chuyển đổi được loại hình giáo dục mầm non từ bán công sang dân lập (vùng nông thôn) vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Hà Nội có 120 trường mầm non nông thôn trong diện này. Nhưng chuyển sang dân lập  như tinh thần Luật GD 2005 là rất khó khăn.

Vì khái niệm cộng đồng dân cư là không rõ ràng, do ai (thôn, bản, ấp) thành lập? Loại hình mầm non bán công cũng là ngoài công lập, vậy có nhất thiết giáo dục mầm non nông thôn không còn bán công? Chúng tôi mong muốn Nhà nước sửa đổi Luật GD 2005, vì giáo dục mầm non nông thôn rất đặc thù. Nếu chúng ta chuyển từ mầm non bán công sang mầm non dân lập (nông thôn) rất có thể sẽ khiến giáo dục mầm non  quay lại 20 năm trước đây với một loạt “xã trắng”. Bài học này đã từng xảy ra.

Lan Hương: Trưởng phòng GDMN - Sở GD và ĐT Hà Nội

 Khó khăn nhất của việc chuyển đổi loại hình từ mầm non bán công sang mầm non dân lập ở nông thôn là phải xác định được hai vấn đề: 1) Ai là người đầu tư, quản lý cơ sở vật chất nhà trường. 2) Chế độ trả lương cho giáo viên.

Thực tiễn các trường mầm non gọi là dân lập ở nông thôn hiện nay vẫn là bán công. Vì kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đều do ngân sách Nhà nước, lương giáo viên do dân đóng tiền (học phí). Loại hình này (mầm non bán công) nên được đánh giá kỹ lưỡng ưu thế của nó vì sự phù hợp thực tiễn ở vùng nông thôn. Ưu việt nhất là vùng thành phố, thị xã nên phát triển mạnh loại hình tư thục; vùng nông thôn, vùng khó khăn là loại hình mầm non công lập. Nếu không, cần chấp nhận loại hình bán công như hiện nay. Muốn phát triển giáo dục vững chắc, ngành học mầm non phải được đầu tư thỏa đáng, nhưng hiện nay chúng ta chưa đặt giáo dục mầm non đúng vị trí của nó.

Nguyễn Đức Bưởi: Phó giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Ninh

(Còn nữa)

( Theo Báo Nhân Dân )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TPHCM: Hội thảo chuyên đề về thiết bị giáo dục và phát triển tư duy cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (3/11)
 Tuyển giáo viên phổ thông: Tiến sĩ được ưu tiên (31/10)
 Xã hội hóa giáo dục ở TP HCM bị 'vấp' (30/10)
 Buổi họp giao ban đầu năm với các chủ trường mầm non tư thục (29/10)
  Lễ tổng kết và trao giải trưởng (26/10)
 Trường Mầm non bán công Hướng Dương: ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy (25/10)
 MN 19/5: Chuyên đề “Xây dựng phòng dạy tiết cá nhân” cho trẻ học hòa nhập tại trường Mầm Non. (24/10)
 Tổ chức và hoạt động của công đoàn trường học ngoài công lập: Vẫn lúng túng tìm hướng đi (24/10)
 Tiền Giang : Khánh thành trường mẫu giáo Hùng Vương (23/10)
 Chuyển đổi loại hình mầm non: Phải phù hợp với thực tế (20/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i