Chi phí quá cao, vượt khả năng của nhiều gia đình, theo các chuyên gia ngành giáo dục, là nguyên nhân chính khiến 2 mục tiêu xã hội hóa là chuyển đổi 80% nhà trẻ, 70% trường mẫu giáo sang tư thục, dân lập, khó có thể thực hiện được.
Tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện xã hội hóa giáo dục của TP HCM sáng 29/10, đại diện một số phòng giáo dục phân tích, nhu cầu học mầm non tại thành phố là rất lớn, mặt bằng kinh tế chung tương đối cao so với các địa phương, nhưng cũng chỉ một bộ phận nhỏ dân cư "chịu" được chi phí ở các trường tư thục, dân lập.
Ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP HCM, cho biết, với cách thực hiện xã hội hóa giáo dục của thành phố hiện nay, nếu tính tỷ lệ đầu tư ngân sách, xã hội hóa khu vực mầm non đã đạt chỉ tiêu 70%, nhưng số trường ngoài công lập thì chỉ ở mức 39,5%. Ngành giáo dục thành phố kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ xã hội hóa theo quy định của Chính phủ xuống thấp hơn, ở mức 60% nhà trẻ, 50% trường mẫu giáo sẽ trở thành tư thục, dân lập.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Lê Hiếu Đằng cho rằng, chủ trương chuyển đổi 70% nhà trẻ, 80% mẫu giáo công lập sang mô hình tư thục, dân lập như định hướng của Chính phủ không khả thi. "Đại bộ phận người dân Việt Nam nghèo, ngành giáo dục phải duy trì hệ thống trường công để phục vụ số đông nhân dân", ông Đằng gay gắt phản đối.
Theo ông, dù xã hội hóa phát triển đến đâu thì trách nhiệm nhà nước vẫn phải đi đầu. Riêng đối với bậc mầm non, tiểu học, không nên để tư nhân làm hết, nhà nước cần lo cho học sinh các cấp này.
|
Xã hội hóa giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh mầm non. Ảnh: L.H. |
Mô hình chuyển đổi các trường công lập sang tự chủ tài chính tại TP HCM cũng được Sở Giáo dục TP HCM đánh giá là đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai.
Người đứng đầu Sở Giáo dục đào tạo thành phố thừa nhận, nhiều trường bán công TP HCM vốn là công lập, hoặc do tư nhân và các tổ chức tôn giáo hiến tặng sau giải phóng, nên khó chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, là trường đầu tiên được chuyển đổi từ công lập sang tự chủ tài chính 2 năm nay. Hàng năm, trường được đầu tư ngân sách như các trường phổ thông khác, song lại thu học phí theo mức thỏa thuận với phụ huynh. Song mức học phí 850.000-900.000 đồng mỗi học sinh tùy khối lớp, được dư luận cho rằng trường chỉ dành cho con nhà giàu.
Trên thực tế mô hình tự hạch toán tài chính này khi Sở Giáo dục triển khai đã vấp nhiều ý kiến phản đối của dư luận lẫn nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân. Ông Lê Hiếu Đằng nói, cũng là trường công lập, cơ sở vật chất của nhà nước, nhưng THPT Lê Quý Đôn thu học phí quá cao so với thu nhập của công nhân viên là không hợp lý. Giáo dục công lập phải tạo điều kiện công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân. Ai có tiền xin mời vào các trường tư thục, quốc tế.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, khó nhân rộng mô hình trường công lập tự chủ tài chính, do mức thu học phí cao.
Theo ông Huỳnh Công Minh, mô hình chuyển đổi sang tư thục, dân lập khó thực hiện tại TP HCM. Cho nên ngành giáo dục thành phố sẽ nhân rộng hình thức trường công lập chuyển sang tự chủ tài chính. Các trường này vẫn có đầu tư của nhà nước, nhưng được thu học phí theo thỏa thuận với phụ huynh để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Dự kiến từ nay đến 2010, khoảng 10 trường công lập tại TP HCM sẽ chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính như Lê Quý Đôn.
( Theo VnExpress )