 |
Không những hát hay, có HS còn phát âm rất chuẩn từng từ tiếng Anh trong sách địa lý -Ảnh: HÀ THANH |
Nhiều phụ huynh đã phải đóng khoản học phí lớn, năn nỉ, thậm chí ăn vạ hiệu trưởng để đứa con chậm phát triển của mình được đến lớp học chữ.
Đằng sau những tiến bộ của các bé là lòng kiên trì sắt đá, là những giọt mồ hôi yêu thương của thầy cô và bản thân các em-những người mỗi khắc, mỗi ngày chỉ viết một ước mơ: được là người bình thường.
Do trí tuệ không phát triển như một trẻ bình thường, nên công việc giảng dạy các bé chậm phát triển rất nhọc nhằn. Các giáo viên lớp hội nhập vừa phải là giáo viên, bảo mẫu, y sĩ, vừa là cha mẹ và là bạn của các bé.
Ngoài tính khí khác thường, nhiều trẻ còn có những biểu hiện rất tiêu cực: ném dụng cụ học tập, bứt nút áo, đập đầu vào tường, bật ngửa ra phía sau, hành hung người khác... khi không vừa ý. Chẳng hạn bé B.H. đã cắn các bạn cùng lớp suốt một tuần đầu nhập học; bé Đ.K. rất hay đập đầu vào tường hoặc bật ngửa ra sau khi tức giận. Nhẹ nhàng hơn, bé A.K. “chỉ” viết hai chữ “không học” to tướng dưới tựa bài tiếng Việt ngày đầu đến lớp để... chào cô!
Trường tiểu học Trần Quốc Toản hiện giảng dạy hơn 100 trẻ chậm phát triển (mắc hội chứng Down, tự kỷ, chậm hiểu…). Tùy mức độ nặng nhẹ, các bé từ 6 - 15 tuổi sẽ được học nói, tự đi vệ sinh, xác định không gian, giải tỏa căng thẳng, tự chăm sóc cơ thể, cách hành xử với người xung quanh… Dần dà các bé còn được học đọc, viết, làm toán, vẽ...
Một số trường nhận dạy trẻ chậm phát triển ở TP.HCM:
- Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương
(APC, 34-36 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1).
- Trần Quốc Toản (292 Trần Phú, Q.5)
- Phú Thọ (322 Tôn Thất Hiệp, Q.11)
- Nguyễn Thiện Thuật (633/36 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3)
- Hồ Thị Kỷ (75B Lý Thái Tổ, Q.10)
- Hoàng Văn Thụ (55 Hoàng Việt, Q.Tân Bình). |
Tuy không giáo viên nào có thể cam kết một kết quả giảng dạy cụ thể bởi các em có mức độ chậm phát triển khác nhau, nhưng với lòng kiên trì và cố gắng của cả thầy lẫn trò, nhiều em đã có tiến bộ “kỳ diệu” trong mắt người xung quanh. Đ.K., B.H. không tự làm tổn thương mình, không cắn bạn nữa. “Bản đồ di động” Đ.H. luôn chạy đi rót nước uống cho cô vào giờ ra chơi. Các em đã rất hòa thuận với các bạn và biết thưa gửi người lớn...
Thậm chí năm học vừa qua có 74% học sinh chậm phát triển của Trường Trần Quốc Toản được lên lớp.
Từ những cố gắng chung ấy, tình cảm thầy trò cũng sâu đậm không ngờ. Bé A.K. thỏ thẻ: “Phải chi con được gặp thần đèn. Con ước ba điều: một là con được trở thành người bình thường, hai là cả nhà khỏe, ba là được học với cô Lan”. Suy nghĩ trong trẻo đó ý nghĩa hơn câu nói “con thương cô”.
Cô Phúc từng vui đến mất ngủ khi học trò mình làm tốt bài thi lên lớp. Học xong khoa giáo dục đặc biệt, cô Mai tìm đến nhiều trường xin giảng dạy tại các lớp hội nhập. Năm cô bảo mẫu Trường Trần Quốc Toản từng tự bỏ tiền đi học lớp nâng cao chuyên môn. Nhiều phụ huynh đã đến gặp các cô giáo và hiệu trưởng để nói lời cảm ơn trong nước mắt.
Mỗi ngày, mỗi giờ, học trò của các lớp học đặc biệt này đã đến lớp để nắn nót viết một ước mơ chung bé nhỏ: được bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Theo Tuổi Trẻ