Giáo dục mầm non
   Hà Nội: mầm non chất lượng cao... mới chỉ cao học phí
 
Những chỗ chơi chật chội - Ảnh: Trịnh Vĩnh Hà
Sau cảnh xếp hàng từ 2-3g sáng nộp đơn xin học cho con vào các trường mầm non công lập, nhiều phụ huynh bắt đầu cuộc săn lùng trường mầm non tư thục chất lượng cao để tìm cho con một chỗ học yên tâm.

Nhưng dù nộp đơn được vào các trường chất lượng công lập hay tư thục thì nỗi lo vẫn còn nguyên vẹn bởi nhiều lẽ.

Những trường công có học phí tăng gấp đôi
Năm 2007, Sở GD-ĐT Hà Nội dự định chọn một số trường mầm non thuộc hàng mạnh nhất của Hà Nội để thực hiện tự chủ tài chính. Theo đó, các trường này sẽ được phép tăng gấp ba lần học phí để đảm bảo giáo dục chất lượng cao. Và một trong những tiêu chí của chất lượng cao là phải giảm sĩ số trẻ/lớp ở mức đáng kể. Đề án này vấp phải phản ứng của nhiều bậc cha mẹ học sinh khi mỗi tháng thay vì đóng học phí 200.000 đồng/trẻ/tháng, họ phải đóng 600.000 đồng/trẻ/tháng, có trường dự kiến thu học phí 700.000 - 800.000 đồng/trẻ/tháng.

Trong khi “chất lượng cao” chưa nhìn thấy đâu, việc tăng học phí bất thành vào đầu năm học trước đã được một số trường trên thực hiện vào năm học này với mức thu thấp hơn dự kiến một chút, khoảng 500.000 đồng/trẻ/tháng. Học phí tăng nhưng trường vẫn không có nhiều chuyển biến như đã được đề ra trong đề án.

Một bà mẹ có con học Trường mầm non Việt Triều, Hà Nội cho biết: học phí đã tăng từ 200.000 đồng/trẻ/tháng (năm học trước) lên 500.000 đồng/trẻ/tháng vào đầu năm học mới này. Việc tăng học phí và cam kết chất lượng giữa nhà trường với cha mẹ học sinh cũng không được trao đổi cụ thể, thuyết phục.

Cụ thể với mức học phí “chất lượng cao” trên, sĩ số dưới 30 trẻ/lớp, nhưng thực chất sĩ số các lớp mẫu giáo của trường này vẫn ở mức khoảng 60 trẻ/lớp. Những gia đình có mức thu nhập bình thường sẽ rất vất vả để trả mức học phí hằng tháng trên cộng với tiền ăn 12.000 đồng/ngày và nhiều khoản thu khác.

Khảo sát tại nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội có mức học phí đã được đẩy lên “sàn 400.000 - 500.000 đồng/trẻ/tháng”, tình trạng chung là sĩ số đều ở mức 60-70 trẻ/lớp, như trường mầm non A, mầm non B, Việt Bun...

Chị Ngọc có con vừa chuyển từ trường công sang tư thục cho biết: "Lần đầu tiên đi học con tôi đã bị sốc nặng. Với trên 70 học sinh/lớp, các cô giáo không có thời gian quan tâm đến từng cháu. Nhiều cháu muốn đi vệ sinh nhưng không dám nói với cô giáo. Con tôi cũng vậy, có hôm nhịn tiểu về nhà mới đi. Để xin vào trường công, tôi phải nhờ vả và xếp hàng từ 1g sáng. Nhưng bây giờ đành phải chuyển sang trường tư".

Những trường công được xem là “mạnh” của Hà Nội, những trường nâng học phí với mác “chất lượng” thực chất đều đang là những trường quá tải học sinh. Và nếu phụ huynh xem chuyện “quá tải” là yếu tố không thể chấp nhận được về mặt chất lượng thì phải đi tìm phương án khác.

Và những trường chất lượng cao tự phong
Năm nay, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tăng hơn gấp đôi số trường mầm non, gồm 300 trường công lập, 461 trường ngoài công lập và 269.212 trẻ đến trường.

Tuy vậy, mạng lưới trường công lập quá khiêm tốn khiến áp lực vào trường công luôn căng thẳng và có đến 60% nhu cầu gửi con của người dân trông đợi vào các trường tư thục và nhóm trẻ gia đình.
Chỉ với trên 20 trường tư thục treo biển "chất lượng cao” vào khoảng ba năm trước, hiện ở Hà Nội đã có cả trăm trường mầm non “chất lượng cao”. Không có sự công nhận nào của cơ quan chuyên môn về tiêu chí để được gọi là “trường chất lượng cao” hay trường “quốc tế”. Đại đa số trường tư thục treo biển chất lượng cao đều là tự phong. Và mức học phí cũng tha hồ leo thang, từ vài triệu đồng đến khoảng 1.000 USD.

Những trường tư thục tự xưng “chất lượng cao” lứa đầu tiên ở Hà Nội thu hút nhiều người gửi trẻ với ưu điểm mỗi lớp chỉ 10-15 trẻ, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, chương trình học tập phù hợp, có các dịch vụ kèm theo chu đáo: đưa đón trẻ bằng ôtô, trông trẻ muộn đến tối đa 21g... Nhưng qua nhiều năm, chất lượng càng ngày càng tụt lùi, trong khi học phí vẫn tăng dần đều.

Vietkids là một trường tư thục ở Hà Nội thuộc lứa đầu tiên đó. Nhưng sau vài năm tạo tên hiệu, những ưu việt trên bị bào mòn. Với mức học phí gần 2 triệu đồng/tháng, chi phí dịch vụ khác, nhưng nhiều bậc cha mẹ than phiền con trẻ vẫn phải học ở những lớp có sĩ số tăng dần từ 15 đến 20 rồi 30..., diện tích phòng học, phòng chơi chật hẹp, chất lượng bữa ăn co hẹp dần... Theo đại diện trường này, chỉ tính một trong ba cơ sở của Vietkids tại phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) với diện tích trên 550m2, trường đã nhận khoảng 200 trẻ. Như vậy trung bình mỗi trẻ/2,8m2 sử dụng. So với điều lệ trường mầm non hiện hành, tỉ lệ trên còn dưới chuẩn, trong khi đây là một trường chất lượng cao.

Tại Hà Nội, Minh Hải cũng là một trường tư thục được nhiều người biết. Nhưng cha mẹ học sinh đang bắt đầu nghi ngại với mức học phí tăng lên cả triệu đồng/tháng, chưa kể khoản thu khác, nhiều trẻ vẫn phải học trong những lớp chật chội, quá tải. Trường mầm non dân lập Lê Quý Đôn (Từ Liêm) nâng học phí lên 1 triệu đồng/tháng, các khoản tiền ngoài học phí cũng tăng so với năm trước, tổng số tiền phải nộp đến trên 2 triệu đồng/tháng, trong đó có những khoản không cần thiết như tiền dã ngoại 300.000 đồng/tháng/cháu. Tiền trường tăng, nhưng theo cha mẹ học sinh gửi con ở đây, chất lượng không thay đổi.

Trường quốc tế VIP Hà Nội gồm cả bậc học mầm non và tiểu học, chỉ cần ghi danh cho con học đã mất 300 USD (không hoàn lại nếu không học), ngoài ra trong các khoản tiền thu theo ngoại tệ còn có phí xây dựng trường 100 USD, học phí tiểu học 165 USD/tháng, học phí mẫu giáo 100 USD/tháng (thu theo quý), phí hồ sơ (làm hồ sơ nhập học) 5 USD. Các khoản tiền được thu theo tiền đồng gồm tiền ăn 20.000 đồng/học sinh/bữa, đồng phục mùa đông 150.000 đồng/học sinh, đồng phục mùa hè 95.000 đồng/học sinh, thẻ học sinh 24.000 đồng. Thẻ phụ huynh 18.000 đồng/người, tiền mua nội san 200.000 đồng/học sinh, ngoài ra còn tiền bảo hiểm, sách vở đồng bộ, xe buýt đưa đón...

Không phải ai cũng có tiền gửi con vào trường VIP. Nhưng trong số những người phải bỏ cuộc sau khi gửi con một vài tháng có những người không phải lý do tài chính. Chị Nguyễn Hồng Liên, nhà ở phố Thái Hà, Hà Nội, cho biết: có hai con gửi vào VIP, một con học tiểu học, một học mẫu giáo. Nhưng mới vào năm học ít bữa phải cho nghỉ vì thấy chất lượng của VIP không như quảng cáo, cũng không tương xứng với tiền phụ huynh trả. Đơn cử như thỏa thuận phòng học có điều hòa, nhưng khi bất ngờ đến kiểm tra thì thấy lớp học chỉ có một quạt cây nhỏ. Bữa ăn của trẻ cũng không có gì là “chất lượng cao” so với mức tiền 20.000 đồng/trẻ bữa trưa và bữa phụ). Chị Liên bức xúc: so với trường bình thường thì trường VIP rộng rãi, ít học sinh. Nhưng với tiền trường ở mức “quốc tế” vẫn chưa tương xứng.

Hà Nội còn không ít trường vừa mở ra đã treo biển “chất lượng cao”, nhưng chất lượng thực thế nào chỉ người đã gửi con vào trường mới biết. Một phụ huynh có con học ở một trường tư mang tên “Mặt trời bé” ở quận Hoàng Mai, có mức thu 1,7 triệu đồng/trẻ/tháng cho biết: trong thông báo với cha mẹ học sinh, các con được uống sữa anfa A+, nhưng phụ huynh học sinh không bao giờ nhìn thấy nhân viên của trường pha sữa. Sữa thường được pha sẵn trong những xô không sạch sẽ lắm, cha mẹ học sinh không được phép tham quan bếp ăn. Theo quy chế trường mầm non, những trường chất lượng cao như “Mặt trời bé” còn xa mới đạt tiêu chuẩn khi trường không hề được thiết kế cho trẻ mầm non, nhiều nơi cửa ra vào, hành lang, cầu thang, nhà vệ sinh không an toàn cho trẻ...

Tình trạng phổ biến là các trường “chất lượng cao” thường thuê nhà dân, diện tích chật chội, thiếu sáng, đặc biệt không phù hợp để trông giữ trẻ. Có lớp học nằm ngay sát đường đi. Ngày nào trẻ cũng phải chứng kiến cảnh tắc đường, bụi, khói xăng...

Những trường mầm non như trên hiện vẫn mang danh "chất lượng cao" để thu của cha mẹ học sinh ít nhất 2-3 triệu đồng/tháng. “Chất lượng cao” tự phong thực chất chỉ cao học phí. Và tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu vẫn buông lỏng quản lý và không có tiêu chí rõ ràng về trường “chất lượng cao”.

Theo Tuổi Trẻ
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đề nghị giải quyết ngay chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non (9/10)
 Hà Nội: Giáo viên mầm non “phát khóc” vì lương (9/10)
 Nỗi niềm cô giáo mầm non (8/10)
 Trẻ thơ cõng nặng gánh học (7/10)
 Nhọc nhằn cơ sở mầm non (8/10)
 Bộ Giáo dục tuyển nữ thứ trưởng (7/10)
 Tự nguyện hay "ép" tự nguyện? (6/10)
 Chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ Mẫu Giáo ( 3 đến 6 tuổi ) (3/10)
 Nhiều trường mầm non chưa công bố chất lượng sữa (2/10)
 Đừng “mua” cô giáo mầm non (1/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i