Giáo dục mầm non
   Trẻ thơ cõng nặng gánh học
 
Đã có em không học trước chương trình khi vào lớp 1 bị cô giáo mỉa mai, phê bình - Ảnh: Đ.N.T
17 giờ trẻ lớp lá tan học. Ba mẹ đón ngay tại cổng trường cho ăn uống qua quýt rồi đưa thẳng đến các lớp học thêm: ngoại ngữ, toán, viết chữ... Chuyện có thật đang diễn ra hằng ngày, nhiều đứa trẻ mới ở bậc mầm non đã... cõng nặng gánh học.

Học trước chương trình
Một giáo viên của trường Tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) nói: "Nếu gia đình không cho trẻ đi học trước để làm quen với đọc, viết thì khi vào lớp 1 chúng tôi sẽ rất khổ. Chúng tôi không thể có thời gian và sức lực để uốn nắn cho từng cháu được".

Cha mẹ chạy theo trào lưu...
Ở Hà Nội, các trường mầm non đã tỏ ra rất nhạy bén trước trào lưu này, nhất là khối trường tư thục. Hè nào cũng vậy, nhiều trường mầm non đã chủ động thông báo: phụ huynh nào có nhu cầu cho con học đọc, học viết thì đăng ký để nhà trường mời giáo viên của trường tiểu học sang dạy.

Một phụ huynh từng có con học tại trường Mầm non tư thục Minh Hải cho biết: hè vừa qua khi thấy nhà trường thông báo như vậy, tôi cũng như hầu hết phụ huynh khác đều đăng ký cho con tham gia những lớp học này. Ngoài học phí và các khoản khác vẫn nộp cho nhà trường, trong vòng 2 tháng, mỗi học sinh phải đóng một khoản kinh phí là 620.000 đồng để học đọc, học viết do giáo viên trường Tiểu học Lê Ngọc Hân trực tiếp về giảng dạy.

Liệu những giờ học có còn hào hứng khi trẻ đã được học trước chương trình?
(ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, các bậc phụ huynh còn tìm đến những cô giáo ở trường tiểu học mà con họ sẽ học để xin cô dạy trước vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Thậm chí có những phụ huynh còn lo lắng đến mức cho con nghỉ hẳn một năm học ở trường mẫu giáo để học cô giáo trường tiểu học trọn vẹn chương trình lớp 1 khi cháu mới 5 tuổi.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: "Tôi đã có chỉ đạo riêng về vấn đề này đến các trường tiểu học trên địa bàn thành phố: phải dạy theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT và tuyệt đối không vì những em học trước mà làm ảnh hưởng đến những em khác". Theo ông Tiến, năm học trước một giáo viên trường Tiểu học Phương Mai (Q.Đống Đa) đã bị cắt thi đua và cảnh cáo trước toàn ngành giáo dục quận vì phát hiện cầm đèn chạy… trước chương trình. "Năm nay nếu phát hiện trường hợp nào tương tự, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và cảnh cáo trước toàn ngành để răn đe", ông Tiến quả quyết.

Trẻ thơ oằn mình vì học
Cậu con trai mới bước vào học lớp lá được hơn 1 tháng mà chị L.V.Q, nhà ở đường Bùi Hữu Nghĩa, P.7, Q.5, TP.HCM đã sốt sắng đi tìm lớp học thêm cho con mình. Chị cho biết: "Rút kinh nghiệm từ đứa con gái đầu lòng, không cho cháu đi học trước nên khi vào học lớp 1 cứ bị cô giáo phàn nàn là cháu viết chậm, xấu... Nên đến đứa thứ hai tôi phải lo thu xếp ngay từ bây giờ".

Còn anh H.H.G, nhà ở đường Lương Hữu Khánh, Q.1, nói: "Trong khu vực nhà tôi ở, có mấy gia đình đều có con sang năm vào lớp 1 nên thống nhất ý kiến là cùng tìm cô giáo có kỹ năng vững vàng trong việc dạy học sinh lớp một. Mỗi tuần 3 buổi cô sẽ đến nhà một cháu trong số đó để dạy viết, làm toán. Còn về tiếng Anh, tôi cho cháu đến trung tâm học để tiện cho việc giao tiếp"…

Vì vậy sẽ không khó hiểu nếu chúng ta bắt gặp cảnh tượng, chiều tan lớp, có bé được ba mẹ đón về cho ăn uống qua quýt bánh ngọt hay hộp xôi ngay khi đang ngồi trên xe rồi đưa đến lớp học thêm, bữa thì học ngoại ngữ, bữa thì học toán, viết chữ...

Một chuyện có thật đã xảy ra do chính phụ huynh N.T.T.T, nhà ở Q.Bình Thạnh, kể lại rằng: "Muốn cho con vào lớp 1 chương trình tăng cường ngoại ngữ, nên tôi đã đăng ký cho cháu học ngoại ngữ tại một trung tâm gần nhà. Chiều tối nào cũng chở cháu đến lớp, 2 giờ sau quay lại đón. Vậy mà một hôm, trung tâm điện đến nhà hỏi thăm sao nửa tháng nay cháu không đi học, gia đình mới tá hỏa. Hỏi thì cháu nói rằng mệt và không muốn học nên đã trốn vào nhà vệ sinh của trung tâm".

Chỉ là sự ngụy biện…
"Dạy trước chương trình là trái với quy định của Bộ GD-ĐT. Lấy lý do chương trình nặng buộc phụ huynh phải cho con mình đi học trước chỉ là một sự ngụy biện cho năng lực hạn chế của giáo viên.

Cũng không loại trừ khả năng đây là một cách giáo viên tạo sức ép để gia đình buộc phải cho con đi học thêm ở những lớp học do chính giáo viên ấy tổ chức để thu lợi nhuận". (ông Phạm Ngọc Định - Phó vụ trưởng Vụ GD Tiểu học - Bộ GD-ĐT)

Viết sớm trẻ dễ bị cong ta
"Ở lớp lá, trẻ sẽ được làm quen với chữ viết, toán học, hoạt động âm nhạc, tạo hình, khám phá thử nghiệm... để vào lớp 1 học các môn khoa học và nghệ thuật. Về kỹ năng học tập, trẻ làm quen với giấy bút, với 24 chữ cái qua cách thức nhận biết, tập tô, tập vẽ các đường nét cơ bản nhưng không tập viết trên tập ô ly.

Những quy định về chương trình như trên xuất phát từ chính quá trình phát triển thể chất của trẻ. Khi dưới 6 tuổi, khả năng phối hợp giữa mắt và tay của trẻ chưa nhịp nhàng, nhanh nhẹn. Ngoài ra, nếu cho các em viết trên giấy ô ly lúc này sẽ không tốt, dễ dẫn đến trẻ bị cong tay...

Và đó cũng chính là lý do tại sao trường tiểu học quy định trẻ vào học lớp 1 lúc 6 tuổi". (bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM)

Sợ bị cô giáo phê bình
Do không đi học trước chương trình nên một số học sinh đã bị cô giáo mỉa mai: "Trong khi cả lớp thi viết nhanh thì những bạn này lại thi viết chậm" (?!).

Chị Hoàng Minh, một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Đống Đa, Hà Nội đã tỏ ra rất bất bình khi ngay buổi họp phụ huynh đầu năm, khoảng 2 tuần học sau khi khai giảng, cô giáo chủ nhiệm lớp đã đứng trước đông đảo phụ huynh phê bình cháu này viết chậm, cháu kia đọc chưa nhanh…

Học sinh một trường mầm non trong giờ học làm quen với chữ viết - Ảnh: B.Thanh

Chị Hoàng Minh bức xúc: "2 tuần học đầu tiên với một đứa trẻ thì theo quy định là các cháu chỉ làm quen với các chữ cái, tập viết những nét chữ đầu tiên vậy mà cô giáo đã phê bình cháu viết chưa nhanh, đọc chưa thạo thì tôi không hiểu nhiệm vụ của các cô giáo dạy lớp 1 là gì?"

Ở một trường tiểu học khác, buổi họp phụ huynh đầu tiên của lớp 1A, lớp được coi là lớp "chọn" của trường, một số học sinh do không đi học trước chương trình nên đã bị cô giáo mỉa mai. Vậy là những đứa trẻ không bị bố mẹ bắt đi học trước chương trình lại trở thành những học sinh lạc lõng trong tập thể lớp mà có hơn 90% các em học trước những gì mà lẽ ra chỉ khi vào lớp 1 các cháu mới phải học.

Việc cho con em mình đi học trước chương trình vài năm trở lại đây đã trở thành trào lưu, bất chấp khuyến cáo của các nhà quản lý giáo dục, nhà tâm lý giáo dục về những tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình. Nhất là đối với các em mới vào lớp 1, khi đó các em sẽ sinh bệnh chủ quan, không hứng thú học tập. Thế nhưng, những tâm sự của phụ huynh nói trên cho thấy rằng, phụ huynh khó có thể cưỡng lại việc chạy theo trào lưu này, nếu không muốn con mình sẽ bị cô giáo nói nặng nhẹ, phê bình trước cả lớp.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Các trường tiểu học phải dạy theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT, tức là bắt đầu từ bài đường nét đầu tiên hướng dẫn các em viết chữ, chứ đó không thuộc trách nhiệm của giáo viên mầm non mà đòi hỏi các em biết viết thành thạo. Nếu có hiện tượng cô giáo phân loại học sinh và hay phàn nàn học sinh chưa biết viết thì cha mẹ phản ánh ngay với hiệu trưởng hoặc với Sở GD-ĐT để kịp thời chấn chỉnh và xử lý".

Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia khảo sát khả năng học ngoại ngữ cho học sinh lớp 1, một giáo viên của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cho biết: "Việc cha mẹ chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho con em mình là tốt nhưng không nên vượt ngưỡng khả năng tiếp thu dẫn đến quá tải cho trẻ". Hiện nay, một số trường mầm non tại Q.1 đã thực hiện chương trình tiếng Anh như một hoạt động ngoại khóa. Những trường này kết hợp với một số trung tâm giảng dạy ngoại ngữ có uy tín để có thể sử dụng và kiểm định chương trình phù hợp với lứa tuổi.

Theo Thanh Niên

Dạy chữ trước khi vào lớp 1: Luyện hay không, đều khổ!

Nhiều em quên cả dáng ngồi chuẩn, cứ cúi gằm mặt xuống bàn để viết. Ảnh: H.L
Để tự tin hơn khi vào lớp 1, nhiều phụ huynh đã cho con luyện chữ trước lúc đến trường. Việc làm này đôi khi khiến cả phụ huynh và học sinh rơi vào hoàn cảnh khó.

Úp mặt vào tường vì... chưa thạo chữ!
Ngày 3/10, anh Nguyễn Ngọc T (khu đô thị Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đã phản ánh bức xúc liên quan đến chuyện con của chị gái anh bị cô giáo bắt úp mặt vào tường trong nhiều buổi học, vì cháu chưa biết viết chữ thành thạo như các bạn khác.

Theo anh T, trước khi cho con vào lớp 1 gia đình chị anh không cho con luyện chữ trước. Tuy nhiên, khi cháu học được khoảng vài tháng, gia đình hoảng hốt vì chẳng hiểu sao cháu nằng nặc không chịu đến lớp. Tìm hiểu ra, mới hay do cháu chưa biết viết trước khi vào lớp 1, nên buổi học nào cô giáo cũng bắt úp mặt vào tường vì không theo kịp các bạn. Từ đó, mỗi buổi đến trường với cháu như một cực hình. Cuối cùng gia đình phải xin chuyển trường cho cháu.

Chị Thang Thị Hạnh có con từng học Trường tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước khi cho cháu vào lớp 1, anh chị không nghĩ đến việc cho đi luyện chữ thêm. Sau vài tháng học, con trai anh chị tự nhiên sợ đến trường vì cô giáo bảo cháu học kém, không biết viết. Kết cục, học kì 1 của năm đó, cháu không đạt học sinh giỏi nên gia đình cấp tập đưa cháu luyện chữ thêm ở ngoài cho an tâm.

Chị Nguyễn Lan Hương có con học tại một trường điểm của TP HCM cũng bức xúc gửi ý kiến đến một số diễn đàn về việc con mình thường không tự tin, không muốn đi học do không học chữ trước khi vào lớp 1.

Khi cháu học lớp “chồi”, chị Hương tham khảo ý kiến cô hiệu trưởng thì được khuyên không nên cho cháu đi học trước. Tuy nhiên, chị vẫn dạy cháu đọc, viết A, B, C và cháu có thể đọc báo. Thế nhưng ngay trong tuần đầu tiên đi học lớp 1, cháu phải viết rõ ràng các chữ cái và số cô giáo đọc. Tuần thứ hai cháu phải viết các từ. Đến tuần thứ tư thì cháu phải viết chính tả cả một câu dài... dẫn đến hậu quả con chị Hương sợ học, vì ở lớp cô giáo quát, về nhà bố mẹ lại thúc vì sợ chậm so với các bạn.

Với chị Hương, năm học lớp 1 của con mình là một trận “động đất” mà đến giờ vẫn đang phải giải quyết hậu quả...

Hại nhiều hơn lợi
Việc gia đình mời thầy luyện chữ cho trẻ khi chưa vào lớp 1 chủ yếu do tâm lý sợ con tụt hậu, không theo kịp các bạn. Theo một số nhà tâm lý giáo dục, không nên dạy chữ quá nhiều trước khi trẻ bước vào lớp 1, vì hại nhiều hơn lợi.

Ngày 4/10, chị Nguyễn Thị Anh T, hội trưởng hội phụ huynh khối 1, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho PV Báo GĐ&XH biết, chị phải đến nhà một phụ huynh tìm hiểu việc một học sinh trong khối lớp dứt khoát không chịu đi học.

Cháu kể lại với chị T, cháu không muốn đi học vì sợ bị cô giáo phạt do viết chậm và sai nét chữ. Chị T đã lấy vở học thêm hai tháng hè của cháu, so với nét chữ học tại trường hai tháng qua mới tá hoả, vì cô giáo dạy thêm trước đó đã... luyện sai hoàn toàn nét chữ. Như vậy, đáng ra cháu bé biết viết chữ đúng, thế mà bị nhồi nhét toàn chữ sai nên phải đánh vật ra... sửa lại.

Trên diễn đàn của trang web “Vì trẻ thơ”, bà mẹ có nick name “Miss Khuê” cho biết, theo kinh nghiệm, nếu cho trẻ học thêm trước khi vào lớp 1 sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chán học ở lớp do đã biết trước, nên hay nghịch việc riêng trong giờ học.

TS Nguyễn Công Khanh, Trường mầm non Hoàng Gia (Phố Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội) khẳng định: Việc học trước như vậy hại nhiều hơn lợi.

Theo TS Khanh, ở đa số trẻ em, trước khi tròn 6 tuổi khả năng tâm vận động chưa thật chín muồi, nên việc cầm bút tô, viết chữ theo những dòng kẻ ô ly khoảng 20 phút trở lên là quá sức. Sự vất vả trong quá trình luyện chữ - nhất là khi trẻ chưa đến trường sẽ dẫn đến tâm lý tự ti, chán học và nặng hơn là sợ học.

Theo TS Khanh, mới đây tại Trung Quốc đã cấm việc ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Mỗi tối, trẻ chỉ được phép học bài trong 1 giờ đồng hồ và miễn tất cả bài tập viết về nhà, do đất nước này hiện có 28% số trẻ em vào lớp 1 bị cận thị.

Vì thế, tốt hơn hết gia đình nên bắt đầu huấn luyện kĩ năng tập viết cho các em từ học kì 2 của lớp 1, không nên nhồi nhét quá nhiều và gây áp lực khiến trẻ sợ học.

Theo GiaDinh.net
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


hoadiendien

Chương Trình Học Lớp 1.
Ngày gửi: 10/7/2008 2:24:09 PM

Tôi thật sự rất khó hiểu về chương trình Giáo Dục của mình bây giờ như thế nào nữa? Các vị lãnh đạo của các nghành Sở Giáo Dục và các chuyên viên tâm lý thì cứ gào lên rằng " không nên cho các cháu học chữ trước khi vào lớp 1" đã có những bậc phụ huynh thật ngây thơ khi tin vào điều đó. Tôi là những người trong số đó: tôi đã không cho cháu đi học thêm chữ trước nhưng hỡi ôi. Khi vào lớp 1 cháu không thể học được gì? Vì sao: vì ngay cả chương trình sách giáo khoa cũng không có trang nào gọi là rèn chữ, dạy chữ cho các cháu mới , chưa biết chữ. Cô giáo thì không có thời gian để mà kèm riêng cháu nào mà chỉ chăm chăm chạy theo chương trình. Vậy cho tôi hỏi các vị soan sách giáo khoa lớp 1 là : sao không ghi vào trang đầu tiên của sách và công bố thẳng với tất cả các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớo 1 rằng phải cho các cháu học chữ trước đi đã rồi hãy vào lớp 1. Như thế có phải tốt hơn không? Chứ như bây giờ cứ mập mờ , rối rắm cho phụ huynh không biết đường đâu mà biết , mà dạy, mà cho các cháu học. Toàn " Nói 1 đàng làm 1 nẻo". Không có trách nhiệm gì cả. Chỉ tội cho các cháu là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề về tâm lý trong năm học đầu tiên. Kế đến là cha mẹ các cháu và cuối cùng là cô giáo chủ nhiệm. Tôi chỉ tha thiết mong rằng các vị lãnh đạo hãy có lương tâm, trách nhiệm hơn 1 chút trong phương pháp giáo dục dạy chữ cho các cháu để cha mẹ có thể an tâm hơn vào hệ thống giáo dục của đất nước.


hailuasg
Mặc cua cua máy / Mặc cáy cáy đào
Ngày gửi: 10/7/2008 7:04:39 PM


Kính thưa toàn thể phụ huynh,

1. Có bao nhiêu văn bản, công văn hay quyết định được công bố một cách nghiêm túc và đại chúng nghiêm cấm việc các trường chạy trước chương trình ?

2. Giáo án mà các cô giáo lớp 1 dạy như bài báo đã nêu là do ai duyệt, ai dự giờ ? Có theo đúng định hướng của bộ giáo dục đào tạo ?

3. Có bao nhiêu trường và bao nhiêu thầy cô bị xử phạt vì vi phạm về việc dạy trẻ trước chương trình ? Mức xử phạt là như thế nào ?

4. Đã có ban thanh tra tất cả các trường về giáo án, về việc chạy trước chương trình của tất cả các trường không ? Nếu có thì họ đã làm gì và làm như thế nào ?

5. Tất cả quý phụ huynh đưa con đến trường là do yêu cầu bức bách phải làm hay chỉ là do nóng lòng muốn con hay chữ hoặc chỉ sợ con mình thua con người khác ?

6. Quý vị phụ huynh có dành thời giờ xem sách giáo khoa của con cái mình viết gì hay không ? Các vị đã có phản ứng như thế nào nếu thấy những điều bất hợp lý ?

7. Các vị phụ huynh bao giờ bỏ chút thời gian để xem qua chương trình đào tạo của thế giới và có sự so sánh với giáo dục Việt Nam chưa ?

Nếu các câu hỏi trên được trả lời thỏa đáng, tôi tin là mọi người sẽ không còn vấn đề gì thắc mắc nữa.

Trân trọng,
Hailua SG




guest

Học sớm, học ép, tác hại khôn lường
Ngày gửi: 10/13/2008 2:19:44 PM

Tôi chỉ muốn chia xẻ câu chuyện gia đình tôi với hy vọng các bậc phụ huynh khác có thể tránh được bài học đáng buồn:
Con trai tôi mới vừa tròn 4 tuổi nhưng do sức ép của ba cháu, chúng tôi đã cho cháu học đàn piano từ gần nửa năm nay với hy vọng nhạc sẽ giúp cháu tư duy tốt hơn. Cháu ít nói, ngọng ngịu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt và đang đi học lớp mẫu giáo của một trường quốc tế tại Hà Nội. Gần đây, ba cháu muốn cháu học thêm tập đọc tập Viết cả tiếng Việt vì sợ mất gốc do tại trường của cháu, ngôn ngữ chính là tiếng Anh.
Chương trình học ở trường của cháu thì không phải lo, cháu rất vui, thích đi học, thích giao tiếp với các bạn cùng tuổi. Mỗi buổi sáng, tôi đưa cháu vào lớp, cháu chỉ kịp nói "bye, mommy" và lao vào chơi với các bạn. Từ khi chuyển sang trường này, chúng tôi thấy cháu mạnh dạn hoạt bát hơn và nói nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, cháu không thích học piano. Mỗi lần cháu học (tuần 3 lần, mỗi lần 45'), tôi lại phải ngồi cùng cháu vì cứ vài phút, cháu lại muốn đi làm việc khác. Cứ vài hôm, cháu lại bị ba mẹ phạt đứng góc vì không chịu học. Mỗi giờ học, tôi có cảm giác như cả cháu lẫn tôi đều bị tra tấn nhưng ba cháu nói rằng trẻ con nếu cứ theo ý nó thì chẳng bao giờ nó học gì cả. Chồng tôi học piano 4 năm nhưng lúc học cũng không thích thú gì, chỉ đến giờ mới đánh giá cao việc học đó. Dần dần, tôi nhận thấy cháu rất hay cáu bẳn, không ưng chuyện gì là hét lên, khóc lóc và một lần đã đập đầu xuống sàn nhà phản đối. Cháu bị xước trán do đập vào cạnh gỗ lát sàn nhưng điều làm tôi lo lắng hơn cả là cách mà cháu xử lý những vấn đề gặp phải.
Kể từ ngày đó, chúng tôi đã chấm dứt việc học piano tại nhà của cháu mà chỉ đưa cháu tới học lớp piano do trường cháu tổ chức, 1 tuần 1 lần. Được học cùng bạn với cường độ giảm và phương pháp học vui hơn đã làm cháu thay đổi, trở lại thành đứa trẻ dễ mến trước kia. Còn việc học tiếng Việt, tôi cũng nghĩ là quá sớm nên chỉ đề nghị cô giáo tới chơi và dạy theo chương trình mầm non của Việt Nam mà thôi.
Là cha mẹ, ai cũng hy vọng con mình sẽ thành công trong cuộc sống và để đạt tới thành công đó, chúng ta dồn hết sức vào đầu tư cho con học hành. Tuy nhiên, học quá sớm, quá nặng sẽ gây ra những hậu quả khó lường trước ở trẻ. Rất mong nhiều bậc phụ huynh sẽ không phải trải qua bài học của chúng tôi.



guest
Học sớm, học ép, tác hại khôn lường
Ngày gửi: 10/14/2008 9:56:07 AM


Tôi chỉ muốn chia xẻ câu chuyện gia đình tôi với hy vọng các bậc phụ huynh khác có thể tránh được bài học đáng buồn:

Con trai tôi mới vừa tròn 4 tuổi nhưng do sức ép của ba cháu, chúng tôi đã cho cháu học đàn piano từ gần nửa năm nay với hy vọng nhạc sẽ giúp cháu tư duy tốt hơn. Cháu ít nói, ngọng ngịu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt và đang đi học lớp mẫu giáo của một trường quốc tế tại Hà Nội. Gần đây, ba cháu muốn cháu học thêm tập đọc tập Viết cả tiếng Việt vì sợ mất gốc do tại trường của cháu, ngôn ngữ chính là tiếng Anh.

Chương trình học ở trường của cháu thì không phải lo, cháu rất vui, thích đi học, thích giao tiếp với các bạn cùng tuổi. Mỗi buổi sáng, tôi đưa cháu vào lớp, cháu chỉ kịp nói "bye, mommy" và lao vào chơi với các bạn. Từ khi chuyển sang trường này, chúng tôi thấy cháu mạnh dạn hoạt bát hơn và nói nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, cháu không thích học piano. Mỗi lần cháu học (tuần 3 lần, mỗi lần 45'), tôi lại phải ngồi cùng cháu vì cứ vài phút, cháu lại muốn đi làm việc khác. Cứ vài hôm, cháu lại bị ba mẹ phạt đứng góc vì không chịu học. Mỗi giờ học, tôi có cảm giác như cả cháu lẫn tôi đều bị tra tấn nhưng ba cháu nói rằng trẻ con nếu cứ theo ý nó thì chẳng bao giờ nó học gì cả. Chồng tôi học piano 4 năm nhưng lúc học cũng không thích thú gì, chỉ đến giờ mới đánh giá cao việc học đó. Dần dần, tôi nhận thấy cháu rất hay cáu bẳn, không ưng chuyện gì là hét lên, khóc lóc và một lần đã đập đầu xuống sàn nhà phản đối. Cháu bị xước trán do đập vào cạnh gỗ lát sàn nhưng điều làm tôi lo lắng hơn cả là cách mà cháu xử lý những vấn đề gặp phải.

Kể từ ngày đó, chúng tôi đã chấm dứt việc học piano tại nhà của cháu mà chỉ đưa cháu tới học lớp piano do trường cháu tổ chức, 1 tuần 1 lần. Được học cùng bạn với cường độ giảm và phương pháp học vui hơn đã làm cháu thay đổi, trở lại thành đứa trẻ dễ mến trước kia. Còn việc học tiếng Việt, tôi cũng nghĩ là quá sớm nên chỉ đề nghị cô giáo tới chơi và dạy theo chương trình mầm non của Việt Nam mà thôi.

Là cha mẹ, ai cũng hy vọng con mình sẽ thành công trong cuộc sống và để đạt tới thành công đó, chúng ta dồn hết sức vào đầu tư cho con học hành. Tuy nhiên, học quá sớm, quá nặng sẽ gây ra những hậu quả khó lường trước ở trẻ. Rất mong nhiều bậc phụ huynh sẽ không phải trải qua bài học của chúng tôi.




guest

Học sớm, học ép, tác hại khôn lường
Ngày gửi: 10/15/2008 9:09:26 AM

Tôi chỉ muốn chia xẻ câu chuyện gia đình tôi với hy vọng các bậc phụ huynh khác có thể tránh được bài học đáng buồn:

Con trai tôi mới vừa tròn 4 tuổi nhưng do sức ép của ba cháu, chúng tôi đã cho cháu học đàn piano từ gần nửa năm nay với hy vọng nhạc sẽ giúp cháu tư duy tốt hơn. Cháu ít nói, ngọng ngịu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt và đang đi học lớp mẫu giáo của một trường quốc tế tại Hà Nội. Gần đây, ba cháu muốn cháu học thêm tập đọc tập Viết cả tiếng Việt vì sợ mất gốc do tại trường của cháu, ngôn ngữ chính là tiếng Anh.

Chương trình học ở trường của cháu thì không phải lo, cháu rất vui, thích đi học, thích giao tiếp với các bạn cùng tuổi. Mỗi buổi sáng, tôi đưa cháu vào lớp, cháu chỉ kịp nói "bye, mommy" và lao vào chơi với các bạn. Từ khi chuyển sang trường này, chúng tôi thấy cháu mạnh dạn hoạt bát hơn và nói nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, cháu không thích học piano. Mỗi lần cháu học (tuần 3 lần, mỗi lần 45'), tôi lại phải ngồi cùng cháu vì cứ vài phút, cháu lại muốn đi làm việc khác. Cứ vài hôm, cháu lại bị ba mẹ phạt đứng góc vì không chịu học. Mỗi giờ học, tôi có cảm giác như cả cháu lẫn tôi đều bị tra tấn nhưng ba cháu nói rằng trẻ con nếu cứ theo ý nó thì chẳng bao giờ nó học gì cả. Chồng tôi học piano 4 năm nhưng lúc học cũng không thích thú gì, chỉ đến giờ mới đánh giá cao việc học đó. Dần dần, tôi nhận thấy cháu rất hay cáu bẳn, không ưng chuyện gì là hét lên, khóc lóc và một lần đã đập đầu xuống sàn nhà phản đối. Cháu bị xước trán do đập vào cạnh gỗ lát sàn nhưng điều làm tôi lo lắng hơn cả là cách mà cháu xử lý những vấn đề gặp phải.

Kể từ ngày đó, chúng tôi đã chấm dứt việc học piano tại nhà của cháu mà chỉ đưa cháu tới học lớp piano do trường cháu tổ chức, 1 tuần 1 lần. Được học cùng bạn với cường độ giảm và phương pháp học vui hơn đã làm cháu thay đổi, trở lại thành đứa trẻ dễ mến trước kia. Còn việc học tiếng Việt, tôi cũng nghĩ là quá sớm nên chỉ đề nghị cô giáo tới chơi và dạy theo chương trình mầm non của Việt Nam mà thôi.

Là cha mẹ, ai cũng hy vọng con mình sẽ thành công trong cuộc sống và để đạt tới thành công đó, chúng ta dồn hết sức vào đầu tư cho con học hành. Tuy nhiên, học quá sớm, quá nặng sẽ gây ra những hậu quả khó lường trước ở trẻ. Rất mong nhiều bậc phụ huynh sẽ không phải trải qua bài học của chúng tôi.



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nhọc nhằn cơ sở mầm non (8/10)
 Bộ Giáo dục tuyển nữ thứ trưởng (7/10)
 Tự nguyện hay "ép" tự nguyện? (6/10)
 Chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ Mẫu Giáo ( 3 đến 6 tuổi ) (3/10)
 Nhiều trường mầm non chưa công bố chất lượng sữa (2/10)
 Đừng “mua” cô giáo mầm non (1/10)
 Thực hiện phương hướng nhiệm vụ GDMN năm học 2008-2009 (1/10)
 Ðiều kiện thành lập trường mầm non tư thục (30/9)
 Mầm non An Giang, từng bước công nghệ hóa giáo dục. (29/9)
 Sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong trường mầm non: Không để trẻ thiệt thòi ! (26/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i