Giáo dục mầm non
   Hà Nội: Giáo viên mầm non “phát khóc” vì lương
 
Những ngày qua, báo Dân trí nhận được phản ánh của phụ huynh về việc trường Mầm non Tứ Liên và Quảng An (quận Tây Hồ) thu thêm tiền “hỗ trợ bán trú” không có trong quy định. Tuy nhiên, qua tìm hiểu mới thấy, đời sống của giáo viên mầm non khốn khó quá.

Thu thêm để hỗ trợ cho đời sống giáo viên
Theo ý kiến của một số phụ huynh gửi đến báo Dân trí, mỗi tháng học sinh Trường Mầm non Quảng An và Mầm non Tứ Liên đã đóng 25.000đ tiền bán trú. Thế nhưng, trường lại thu thêm 50.000đ hàng tháng về khoản “hỗ trợ bán trú” nữa. Khoản thu này lại không có hoá đơn đỏ…

Giải thích về khoản thu trên, cô Nguyễn Thị Mến, hiệu trưởng Trường Mầm non Tứ Liên cho biết: Theo quy định 73 của TP Hà Nội ban hành từ năm 2000, mức thu “hỗ trợ bán trú” là 25.000đ/học sinh/tháng. Đến bây giờ đã gần 8 năm, giá cả “trượt” quá nhiều rồi. Bên cạnh đó lương giáo viên mầm non lại rất thấp (người cao nhất trong trường cũng chỉ được hơn 1.000.000đ, thấp thì 700.000đ/tháng) nên không đảm bảo đời sống.

Trước khó khăn đó, Hội phụ huynh nhà trường đã họp và đề xuất đóng thêm 50.000đ/tháng để bồi dưỡng cho các cô. Trường không quy định khoản thu này và cũng không có ai quy định khoản thu này. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến đề xuất thu 50.000đ của Hội phụ huynh, nhà trường cũng đã thoả thuận và có văn bản gửi lên UBND phường xin ý kiến và được đồng ý. Trường cũng đã báo cáo với Phòng Giáo dục quận về việc này.

“Mỗi lớp có 40 cháu và 4 cô giáo, thu thêm được 2 triệu đồng nhưng các cô không được hưởng hết mà còn chia cả cho những người nấu bếp, bảo vệ, hành chính, kế toán… Do khoản thu này không nằm trong quy định của nhà nước nên chúng tôi không thu bằng biên lai đỏ mà sử dụng biên lai của Sở GD-ĐT ban hành về thu tiền ăn của các cháu. Không chỉ riêng trường chúng tôi làm việc này mà có rất nhiều trường trong thành phố đã thực hiện thu việc này rồi” - cô Mến cho biết.

Đồng cảnh với trường Tứ Liên, cô Đoàn Thị Bình, hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng An giải thích: “Khoản thu 50.000đ hỗ trợ bán trú đã có sự thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh thông cảm với đời sống của cán bộ, giáo viên trong trường nên đưa ra khoản thu thêm để hỗ trợ một phần khó khăn của đời sống giáo viên.

Trường tôi, các cô nhà bếp lương chỉ 500-700.000đ/tháng thôi. Các giáo viên thì hơn 1 triệu mà đi từ sáng tới tối, rất vất vả. Các cô làm ngày 11 tiếng mà lương chỉ được hơn 1 triệu, không đủ xăng xe, tiền sinh hoạt cho gia đình. Việc thu này, trường cũng đã có văn bản gửi lên UBND phường và phòng để xin ý kiến và được đồng ý thì chúng tôi mới tiến hành thực hiện”.

Lương thấp, không tuyển nổi giáo viên
Cô Mến buồn rầu nói, với mức lương giáo viên mầm non thấp như hiện nay nên nhiều năm nay trường không tuyển nổi giáo viên. Hiện tại trường có 400 học sinh mà chỉ có hơn 20 giáo viên phụ trách. Đã không tuyển đủ giáo viên lại còn phải chứng kiến cảnh nhiều giáo viên xin thôi việc để ra làm ngoài.

“Việc có thêm chút đóng góp của phụ huynh này động viên cho các cô yên tâm công tác chứ đời sống các cô khổ quá. Có người chồng không có công ăn việc làm, 2 con trong tuổi đi học, cả nhà chỉ trông chờ vào hơn 1 triệu tiền lương của các cô thì làm sao đủ sống. Trong khi đó, ngoài giờ làm ở lớp, tối về các cô còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. Chúng tôi biết là những khoản thu này không đúng với Nhà nước nhưng cũng cho phép là có thoả thuận để thực hiện việc xã hội hoá giáo dục” - cô Mến cho hay.

Được biết, không chỉ Trường Mầm non Tứ Liên không tuyển nổi giáo viên mà rất nhiều trường mầm non khác trong quận Tây Hồ cũng cùng “cảnh ngộ”.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng An, cô Đoàn Thị Bình kiến nghị: Lương giáo viên mầm non thấp quá. Thành phố nên cho thu tăng mức tiền bán trú lên để hỗ trợ thêm vì hiện nay với mức thu 25.000đ/cháu/tháng cho cả tháng trời chăm sóc các cháu thì quá thấp, trong khi đó, chỉ riêng tiền gửi xe bây giờ cũng 3.000-5.000/chiếc.

Trao đổi với Dân trí về việc các trường thu thêm của mỗi cháu 50.000đ/tháng để hỗ trợ giáo viên, ông Hoàng Văn Sơn - Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ cho rằng: “Đây là mức thu hợp lý và đã có sự thoả thuận giữa từng phụ huynh với từng lớp học. Việc thu này, các trường đảm bảo theo quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm dân chủ, công khai. Theo đó, các gia đình chính sách, gia đình khó khăn không có điều kiện đóng góp thì nhà trường vẫn phải thực hiện theo nghĩa vụ của mình”.

“Hiện nay, các trường thực hiện việc thu này cũng đã báo cáo với Phòng Giáo dục và Phòng cũng đã báo cáo lên UBND quận. Được biết, tháng 11 này, Bộ GD-ĐT hứa có văn bản điều chỉnh mức thu hợp lý cho bậc giáo viên mầm non”, ông Sơn thông tin.

Đây là một tin vui đối với giáo viên mầm non, giúp họ có thêm điều kiện toàn tâm hơn cho việc chăm sóc các cháu.

Theo Dân Trí
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Nhận xét về tình hình giáo viên mầm non ngày nay
Ngày gửi: 10/11/2008 7:47:54 AM

Tôi đang là một sinh viên của Đại Học Sư Phạm Mầm Non, tôi có một số ý kiến: xu thế hiện nay theo tôi thấy giáo viên Mầm Non thật vất vả khó nhọc. Vậy mà lương Mầm Non rất thấp, cô giáo Mầm Non không được đề cao lắm. Tôi thấy như vậy là rất mất công bằng đối với giáo viên Mầm Non. Tôi là một sinh viên chính quy, chúng tôi phải học và thi rất vất vả. Vậy mà không giống như những giáo viên học trung cấp Mầm Non rồi học lên Đại Học. Những cô giáo đó học và thi không có vất vả gì, học tại chức rất nhàn. Lớp tôi có 62 bạn, năm nay chúng tôi học theo chương trình tín chỉ, chương trình học tự học nhiều.
Nhưng học xong khi chúng tôi ra trường thì lớp học tại chức lại rất nhiều. Chúng tôi rất đáng buồn, khi sau này ra không xin được việc. Học Mầm Non đã rất vất vả rồi, dạy Mầm Non còn vất vả hơn và lương rất thấp và những cô giáo Mầm Non chưa được xã hội và mọi người đề cao. Đó là những gì tôi muốn nói và muốn chia sẻ cùng tất cả mọi người.



guest
Thực trạng giáo viên hiện nay.
Ngày gửi: 10/11/2008 10:36:44 AM


Tôi thấy ý kiến của bạn là rất đúng, bản thân tôi cũng là một giáo viên Mầm Non đã tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được việc làm ở quê như mong muốn do giáo viên tại chức quá đông. Nguyên vọng của tôi bây giờ là tìm được việc làm phù hợp với khả năng, kiến thức cũng như những gì đã được học. Đó cũng là tất cả những gì tôi muốn bày tỏ cùng các bạn.



guest

Học tại chức .
Ngày gửi: 10/11/2008 11:13:11 AM

Bạn ơi bạn đừng lo không có việc làm, việc thì đang cần bạn, chỉ sợ khi ra trường bạn có việc làm rồi, bạn lại có suy nghĩ khác thôi. Chúc bạn thành công trong việc học tập để sau này ra trường làm việc cho thật tốt giống như bạn đang mơ ước. Người vừa đi học vừa đi làm thì bạn cho là nhàn, nhưng bạn có thấy là từ trung cấp trở lên đại học đã mất bao nhiêu năm học tập chưa? Tất cả là 6 năm, còn bạn từ PTTH lên thẳng đại học là 4 năm thôi, đừng nghĩ bao giờ mình là người thua thiệt, chỉ khi nào bạn giống như họ bạn sẽ thấy những người tại chức đó ra sao thôi, họ rất vất vả và mệt mỏi khi đối đầu với nhiều áp lực và bài vở .


guest
Trả lời nhận xét
Ngày gửi: 10/11/2008 7:48:32 PM


Bạn có căn cứ gì hay dựa vào đâu mà nói học tại chức nhàn hơn chính quy vậy? Bạn nghĩ là chỉ có học chính quy mới phải học còn học tại chức chỉ chơi không sao? Nếu bạn thi đầu vào tại chức mà không đậu thì liệu có được học không? Khi học chính quy thì chỉ có một việc là học còn tại chức họ vừa phải học vừa phải thi như chính quy mà họ còn phải lo việc trường việc lớp, việc thanh tra dự giờ...như vậy có nhàn hay không hả bạn? Nếu bạn là sinh viên tôi khuyên bạn hãy nghĩ đến việc học xong làm ở đâu và mức lương là bao nhiêu? Chứ đừng so sánh học hệ nào nhàn hơn hay khổ hơn vì học nhàn thì liệu có kiến thức trong đầu không bạn? Tại sao mới là sinh viên mà bạn thích "phát biểu liều"vậy?



guest

Lương trả theo năng lực.
Ngày gửi: 10/12/2008 8:43:20 PM

Tôi cũng không đồng ý với ý kiến của bạn. Thực ra các bạn học chính quy nhưng khi đi làm kinh nghiệm mới quan trọng nhất bạn ạ. Tôi cũng học chính quy nên tôi cũng nghĩ mình được học nhiều hơn nên khi đi làm sẽ làm tốt hơn. Nhưng khi đi làm rồi tôi phải học hỏi rất nhiều từ các cô đi trước. Học là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác bạn ạ.
Chính những người đã làm rồi khi học học lên họ sẽ có nhiều hiểu biết và kiến thức. đừng nghĩ chính quy hay tại chức mà hãy nghĩ bạn sẽ làm tốt và mức lương sẽ trả theo năng lực của bạn. Chúc bạn may mắn và thành đạt.



guest
Cần chú ý quan tâm đến chế độ cho giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 10/13/2008 12:50:38 PM


Những giáo viên mầm non là những người chịu rất nhiều áp lực. Hàng ngày họ không những phải chăm sóc giáo dục trẻ mà họ còn phải chịu trách nhiệm về an toàn tính mạng cho trẻ. Một ngày làm việc của họ khép kín thời gian từ 6h30 đến 17h mà chế độ tiền lương, phụ cấp của họ lại quá thấp. Bên cạnh đó họ lại chịu áp lực từ chính phụ huynh học sinh về yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Nhà nước đặt ra cho các cấp học khác là dạy theo giờ, theo tiết, áp lực chăm sóc của họ không nặng như Mầm Non mà đồng lương của họ lại cao hơn, họ có thời gian lo cho gia đình và làm thêm được kinh tế hơn. Còn những người giáo viên Mầm Non phải làm căng thẳng ở tại trường lớp, tham gia làm đồ dùng đồ chơi tự tạo để dạy trẻ, giáo án thì thay đổi liên tục, họ cảm thấy rất mệt mỏi về công sức bỏ ra mà sự quan tâm đến họ thật là nhỏ nho. Luật bảo vệ giáo dục trẻ em đang được sửa đổi đáp ứng quyền lợi chăm sóc, quyền được hưởng mọi lợi ích, được chăm sóc cao hơn vậy sao những người làm luật lại không hề quan tâm chế độ, bảo hộ cho những người làm việc trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ mầm non như những giáo viên Mầm Non. Câu hỏi đặt ra cho những nhà quản lý là cần quan tâm, bảo đảm chế độ cho giáo viên mầm non để họ chuyên tâm cho công việc, không phải lo cân đo đong đếm với số tiền lương it ỏi và thời gian khép kín như hiện nay.



guest

Nhận xét về giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 10/13/2008 4:57:33 PM

Bạn ơi, vào ngành Mầm Non niềm vui của cáccô Mầm Non là gì? Đó là các cô được tiếp xúc với trẻ từ 10 - 12 tiếng/ngày cho nên dù lưong bèo bọt cô nào cũng thấy tươi trẻ, chăm sóc con lại khéo léo, tính tình nhu mì vì chăm trẻ Mầm Non không cho phép bạn được nóng nảy nhưng cũng không ít nỗi buồn. Bạn là sinh viên khoa Mầm Non của một trường Đại Học chính quy? Bạn đã phải trải qua các kỳ thi thật là nghiệt ngã: 1/35 - 40 thí sinh dự thi đó. Nếu bạn sáng suốt hơn, bạn có thể chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 của một trong những trường Đại Học dân lập. Nhưng nghiệt ngã thay có thể gia đình bạn không đủ khả năng nuôi bạn ở trường dân lập hoặc bạn có lòng yêu mến trẻ. Ấy vậy khi ra trường bạn tự đi xin việc lại bị các nhà lãnh đạo chê là ít thực tiễn. Nếu bạn có cơ hội may mắn được biên chế thì hãy lên miền núi xa xôi để cấm bạn không có lối về vì nhà nước ta đang thực hiện làm chế độ gì hưởng chế độ đó. Trong ngành và xã hội quan niệm rằng: " Có dốt mới vào Mầm Non", trong số đó có một số người thực tiễn và sự xã giao lại giỏi hơn bạn nhiều vì bạn là " gà công nghiệp". Nếu số gà công nghiệp ít ỏi này mà có đất cho nó chạy nhảy thì tri thức cùng với sự rèn luyện mình để có kinh nghiệm thực tiễn thì chắc chắn chất lượng của ngành học Mầm Non khác xa ngày nay. Còn việc tranh luận việc học tại chức với chính quy hệ nào nhàn hơn. Tôi cũng là một trong những giáo viên được cử đi học tại chưc nhưng tôi cũng phải thú nhận rằng học tại chức vất vả về thời gian, tiền của. Nhưng sẽ không bị áp lực như các bạn vì chúng tôi những ngày nghỉ có thể thuê người học hộ, cứ làm hồ sơ là trúng tuyển vì đào tạo liên doanh liên kết mà. Thậm chí đi học không phải cấp trên xét và cử đi, chỉ làm một phép tính là xin đi học tại chức được vì các nhà lãnh đạo có mất gì đâu?. Đi học giáo viên tự túc về thời gian và tiền bac lại được mang tiếng là nâng trình độ chuẩn và trên chuẩn tốt. Vì vậy mới có chuyện một nhà cao đẳng giới thiệu: " Nhà sàn của Bác đó là do một kỹ sư hàng đầu cuaủa Liên Xô thiết kế". Nếu cứ hình dung cả ngành học chỉ có trình độ tại chức mà không có trình độ chính quy như các bạn thì chỉ 5 năm nữa chất lượng của ngành Mầm Non sẽ đi về đâu? Tôi mong muốn các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chế độ cính sách hãy cứu lấy ngành học bằng chế độ ưu ãi cho họ tốt hơn.


guest
Tâm sự giáo viên.
Ngày gửi: 10/16/2008 11:50:27 AM


Chương trình học Mầm Non hiện nay là chương trình mới nhưng thực tế không thấy mới chút nào. Mà chỉ thấy giáo viên " cắm đầu - cắm cổ" vào giáo án, vào việc làm đồ dùng đồ chơi, đồ dùng dạy học. Nhà nước mình cần quan tâm đến chế độ cho giáo viên Mầm Non để phù hợp với mức sống hiện nay cũng như tạo điều kiện giúp giáo viên tích cực với nghề hơn vì ông cha ta có câu " có thực mới vực được đạo".



guest

Học chính quy với học tại chức thì sao ?
Ngày gửi: 10/16/2008 10:53:54 PM

Dù cho học chính quy hay học tại chức đều chung một mục đích "dù học tập ở hình thức nào cũng chỉ để phục vụ cho các cháu mà thôi". Học chính quy ra mà cũng nhiều bạn có được bao nhiêu kiến thức nuôi dạy cháu? Phải rèn luyện, phải thực tế bằng công việc hàng ngày, bạn nói đúng đấy "học tại chức nhàn hơn" nhàn hơn thật đấy vì sao thế bạn có biết không? Vì những người học tại chức là những GV đã phải lăn lộn vời nghề GV MN rồi, thầy cô dạy lớp tại chức qua hiểu điều này nên bài tập đưa ra yêu cầu khác với SV, có chắc rằng những bài tập của học viên tai chức mà bạn là SV chính quy có làm được không? Tôi đơn cử một ví dụ nhỏ nhé " Thực tế đơn vị nơi bạn đang công tác đang gặp khó kăn gì trong việc thực hiện CT GD MN mới. Theo bạn cần quan tâm đến vấn đề gì ? " Bạn có trả lời được không nếu như bạn chưa từng đi làm? chưa từng phải nghiên cứu và áp dụng CT này vào việc CS-ND-GD các cháu. Hãy đến với nghề bắng tất cả tấm lòng, nghề GVMN là cực lắm đấy nhưng khi bạn có gia đình, cốn rồi bạn sẽ hiểu nhiều điều mà tôi không thể kể hết ra đây được. Tôi rất tự hào về nghề mà tôi đã chọn, tự mình tạo cho mình một giá trị nhân cách để không ai coi thường nghề của mình cả cho dù nghề này nghèo thật.


guest
Nữa!
Ngày gửi: 10/16/2008 10:59:51 PM


Bạn hãy coi lại chương trình giáo dục áp dụng của đơn vị mình nhé. Tôi là một GV MN cũng đang mày mò thực hiện theo CT GD MN mới, hãy mở những suy nghĩ của mình ra đi, bỏ hết cái cũ đi, trường tôi thực hiện chuyên đề "dạy học đơn giản với đồ dùng đơn giản " nhưng mang tính hiệu quả cao, bạn sẽ thấy đỡ mệt chân tay hơn rất nhiều. Chủ yếu dạy trẻ kỹ năng sống , các cách giải quyết tình huống có thực trong đời sống hàng ngày, đồ dùng dạy học là vật thật rất dễ tìm " hãy vận động phụ huynh cho mượn hoc xong lại đem về, cháu rất thích mà phụ huynh cũng rất thích". Bạn hãy thử xem nhé. Chúc bạn thành công trong công việc và bớt lo lắng chút nhé. Mình còn là người phụ nữ của gia đình nữa mà.



guest

Trao đổi.
Ngày gửi: 10/21/2008 1:37:08 PM

Tôi là một giáo viên Mầm Non. Tôi đã đi làm được 4 năm nhưng năm nay tôi mới dạy chương trình GDMN mới. Tôi thấy khá khó khăn trong việc sọan bài cũng như làm đồ dùng dạy học. Nhân tiện thấy bạn nói về đơn vị mình thực hiện chuyên đề "dạy học đơn giản với đồ dùng đơn giản", tôi muốn trao đổi với ban để đỡ thấy khó khăn trong giảng dạy. Bởi vì đk tôi con còn nhỏ, cháu mới được 10thang tuổi, tôi ko có nhiều thời gian chăm sóc con. Xin hãy liên lạc với tôi:0948075416. Xin cảm ơn.


guest
Trao đổi
Ngày gửi: 10/24/2008 8:13:02 AM


Tôi phụ trách chuyên môn của trường MN, thấy GV vất vả trong việc soạn giảng trong việc áp dụng chương trình MN mới. Tôi rất thích quan điểm của bạn. " Dạy học đơn giản,đồ dùng đơn giản " nhưng áp dụng như thế nào cho phù hợp, xin bạn "Bật mí" cho tôi vài thông tin bổ ích với nhé. Tôi đợi tin.Xin cảm ơn.



Hong_Thu

Hãy hiểu công việc của chúng tôi
Ngày gửi: 10/25/2008 8:52:44 PM

Mãi cho đến hôm nay, tôi – cũng là 1 giáo viên MN mới có cơ hội được đọc, và hiểu được suy nghĩ của các bậc phụ huynh về nghề nghiệp của chúng tôi và thực trạng của bậc học Mầm non hiện nay.
Tôi thật sự rất xúc động trước phần lớn sự cảm thông của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi cũng rất băn khoăn bởi 1 số suy nghĩ khác của các bậc cha mẹ….
Bản thân tôi – 1 giáo viên trẻ mới chỉ có 5 năm trong nghề, nhưng tôi thấy thấm thía những vất vả của nghề giáo viên MN này.
Trước tiên, tôi mong các bậc phụ huynh và tất cả mọi người trong xã hội hãy nhìn những giáo viên Mầm non như chúng tôi bằng thực chất công việc. Công việc của chúng tôi không phải là : “ Chỉ đón các con vào lớp, cho hát múa, đọc thơ vài bài, 1 buổi 2 bữa ăn ( ăn trưa, ăn quà chiều), rồi chơi đồ chơi, xem hoạt hình là hết ngày.”
Không phải vậy! Khác với các bậc học khác ( 1 buổi học , học theo các tiết học, có nghỉ giữa giờ…trường nào học 2 buổi thì có bán trú…), bậc học Mầm non là tổ chức các hoạt động trong ngày liên tiếp từ sáng đến chiều bao gồm cả chăm sóc giáo dục trẻ:
- Thể dục sáng
- Hoạt động chung hay Hoạt động có chủ đích ( giờ học ).
- Hoạt động ngoài trời ( HĐ có mục đích quan sát, trò chuyện về sự vật hiện tuợng – chơi trò chơi vận động tập thể - chơi đồ chơi trong sân trường).
- Hoạt động góc : trẻ được vào góc chơi, nhận góc chơi của mình theo ý thích. Ở góc chơi trẻ được chơi đóng vai như người lớn ( làm bác sĩ, kỹ sư xây dựng, họa sĩ, nấu bếp, làm các bài tập phát triển tư duy, chơi vi tính có phần mềm thông minh…).
- Ăn trưa ( GV phải thật chú ý đến với những con học sinh ăn chậm, lười ăn. Làm thế nào để các con ăn hết khẩu phần ăn của mình..).
- Ngủ trưa ( chú ý nhưng con học sinh nào khó ngủ, hay đi vệ sinh..)
- Chiều ngủ dậy : Vệ sinh cá nhân , ăn quà chiều, làm quen với bài mới hôm sau hoặc ôn lại bài hôm đó đã học.
Đó là những hoạt động đối với trẻ mà 1 ngày ở trường MN chúng tôi phải tổ chức.
Bên cạnh đó, là sổ sách soạn bài, sổ sách theo dõi tình hình của lớp, của cá nhân trẻ… Những loại sổ sách này hầu như toàn tranh thủ lúc trưa hoặc mang về nhà. Đặc biệt là sổ soạn bài, chúng tôi phải soạn cụ thể ghi rõ từng ngày, học gì, tiến hành dạy học như thế nào( gọi chung là giáo án), tổ chức hoạt động ngoài trời? hoạt động chiều không trùng lặp.. Chắc hẳn có phụ huynh sẽ hỏi giáo án các cô soạn từ năm trước chỉ việc bỏ ra sử dụng. Không, bởi giáo án của giáo viên mầm non phải cụ thể từng ngày rõ ràng.
Còn về tiết học, môn học: Ở trường tiểu học có các môn học như toán, văn, vẽ, âm nhạc, tự nhiên xã hội ( tìm hiểu các hiện tượng sự vật xung quanh…)
Thì ở trường Mầm non cũng có các môn học tương tự nhưng ở mức độ “làm quen”.
Môn học :
- Toán :
*Ở trường MN :là môn học Làm quen với biểu tượng sơ đẳng về toán(- Trẻ được học đếm trong phạm vi 10, thêm ( + ), bớt ( - ) trong phạm vi 10.
- Trẻ học được cách nhận xét, so sánh chiều cao, chiều dài, độ lớn để hình thành các biểu tượng sơ đẳng về toán ( ngắn hơn - dài hơn, ngắn nhất -dài
nhất, to hơn - nhỏ hơn, cao hơn - thấp hơn, ít hơn - nhiều hơn …)
*Ở trường tiểu học là môn toán(- Học các phép tính ( cộng, trừ)
So sánh các số lớn hơn nhỏ hơn…
- Học các nhận xét, so sánh, đo …( ít hơn – nhiều hơn …) nhưng ở mức độ cao hơn…)
Môn Văn:
* Ở trường MN : là Làm quen với văn học ( - Trẻ cũng được làm quen với các bài thơ, câu truyện …để trẻ có cảm nhận về văn học và bước đầu rèn trẻ cách ghi nhớ, suy nghĩ trả lời câu hỏi dựa trên bài thơ, tình tiết câu truyện đã học.)
* Ở trường tiểu học : là tiếng việt - tập viết - ngữ pháp
- Môn vẽ:
* Ở trường MN là Tạo hình ( - Trẻ cũng được làm quen với các bài thơ, câu truyện …để trẻ có cảm nhận về văn học và bước đầu rèn trẻ cách ghi nhớ, suy nghĩ trả lời câu hỏi dựa trên bài thơ, tình tiết câu truyện đã học.)
*Ở trường tiểu học : Mỹ thuật
- Trẻ được vẽ theo mẫu, cắt, gấp, xé dán, vẽ tranh theo đề tài… ở mức độ cao hơn
- Môi trường học tập:
* Ở trường MN : ( - Lớp học, được trang trí thay đổi thường xuyên theo chủ đề, chủ điểm.
- Cô giáo chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học của cô và của trẻ. ( Tùy vào hình thức dẫn dắt vào bài mà mỗi cô giáo ở mỗi lớp, mỗi trường có sự chuẩn bị khác nhau. Chỉ có phương pháp để tiến hành dạy là giống nhau)  Đây cũng là 1 trong những tiêu chí để đánh giá giáo viên dạy giỏi.
- Trẻ được luyện tập các kỹ năng kiến thức dưới dạng trò chơi .
* Ở trường tiểu học : - Lớp học có bàn ghế.
- Học sinh mang đầy đủ sách vở soạn sẵn từ ở nhà.
- Cô giáo dẫn dắt và vào thẳng bài dạy theo môn học, tiết học.
- Khi luyện tập, cô giáo giao bài tập cho trẻ.
……………………………………………………………………………….
Ở trên là ví dụ cơ bản về các môn học ở trường mầm non. Thử hỏi, nếu từ nhỏ trẻ không được “ làm quen” với những kỹ năng, kiến thức sơ đẳng đó thì liệu trẻ có “tự tin” khi bước vào trường tiểu học?
( Có 1 số từ ngữ không đúng chuyên nghành, mong bàn đọc thông cảm)

Tất cả, những điều tôi viết, tuy hơi dài dòng nhưng là những công việc mà giáo viên mầm non nào cũng phải thực hiện.
Tôi chỉ mong các bậc phụ huynh hiểu và có cái nhìn khác về giáo viên mầm non.
Về bản thân tôi, tôi vào nghề giáo viên mầm non, đơn giản là vì tôi rất quý trẻ con. Có thể tôi là con một nên về mặt nào đó rất thích chơi với trẻ con.
Khi còn là sinh viên, tôi cũng tranh thủ đi làm thêm. Tôi làm nhân viên tiếp thị ở siêu thị, 1 ngày làm việc 6h/40.000đồng ( cách đây 7 năm), trừ những hôm phải học buổi chiều, tôi thu nhập được khoảng 900.000đồng/tháng.
Khi đi thực tập tại trường mầm non, tôi đã nhận thức được sự vất vả của giáo viên mầm non. Ở tuổi tôi lúc đó ( 21 tuổi) tôi hoàn toàn có thể cố gắng theo học 1 ngành nghề khác. Nhưng tôi vẫn chọn nghề GV Mầm non.
- Năm đầu tiên đi làm ( năm 2004) tôi được ký hợp đồng cấp Quận ( từ tháng 9 đến tháng 12 và từ Tháng 1 năm sau đó đến tháng 5 và 3 tháng hè 6,7,8 không được lương ) với mức lương hơn400.000đồng ( hệ số lương 1,86 x 250.000đ và trừ đi 15% bảo hiểm)
- Năm thứ 2 tôi được hơn 500.000đ ( vẫn không được lương 3 tháng hè vì là hợp đồng ngắn hạn)
- Năm thứ 3 tôi được hơn 600.000đ ( vẫn không được lương 3 tháng hè vì là hợp đồng ngắn hạn)
- Năm thứ 4 khi chưa thi công chức tôi được khoảng 800.000đ và khi thi công chức rồi lương tôi hiện ngay là hơn 1.000.000đ.
Với quãng thời gian như vậy, tiền lương như vậy, cuộc sống cơ chế thị trường như vậy, giá cả như vậy, thiết nghĩ, nếu không có lòng yêu nghề liệu tôi có thể tiếp tục…
Bản thân tôi, với mức lương như vậy, từ năm thứ 4, buổi tối, khi đi làm về, tôi còn làm thêm ( làm thu ngân ) đến hơn 22h30 mới về đến nhà. Và chỉ với mức thu nhập thêm là 800.000đ.
Tổng thu nhập của tôi gần 2.000.000 / tháng ( nhưng với thời gian làm việc từ 7h sáng đến tận tối mịt ) quả thật tôi thấy vất vả quá.
Trong khi đó, khi so sánh với lương thử việc của các nghành nghề khác, cũng như vậy thậm chí còn hơn, nhưng thời gian làm việc trong giờ hành chính. Tôi thấy nản quả.
Tất cả nhưng suy nghĩ của tôi gửi đến các bậc phụ huynh chỉ mong được sự cảm thông trước thực trạng chung của giáo viên mầm non.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn .



guest
YÊU TRẺ NHƯNG KO CÓ SỨC
Ngày gửi: 8/18/2015 1:32:21 AM


Là gvmn mình cũng buồn bởi lẻ nơi mình dạy phụ huynh nghèo , cháu rất tội nghiệp
mình muốn làm gì đó thật nhiều cho cá cháu ,nhưng lương quá thấp gánh nặng cơm áo khiến mình lực bất tòng tâm , muốn bỏ tiền để đầu tư cho trẻ nhưng cũng không có , hi vọng gvmn sẽ được hỗ trợ xứng đáng với cái khổ hiện nay thì mình mừng biết bao



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nỗi niềm cô giáo mầm non (8/10)
 Trẻ thơ cõng nặng gánh học (7/10)
 Nhọc nhằn cơ sở mầm non (8/10)
 Bộ Giáo dục tuyển nữ thứ trưởng (7/10)
 Tự nguyện hay "ép" tự nguyện? (6/10)
 Chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ Mẫu Giáo ( 3 đến 6 tuổi ) (3/10)
 Nhiều trường mầm non chưa công bố chất lượng sữa (2/10)
 Đừng “mua” cô giáo mầm non (1/10)
 Thực hiện phương hướng nhiệm vụ GDMN năm học 2008-2009 (1/10)
 Ðiều kiện thành lập trường mầm non tư thục (30/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i