Giáo dục mầm non
   Nỗi niềm cô giáo mầm non
 
Giáo viên mầm non thực sự là một nghề vất vả với nhiều trách nhiệm nặng nề, vậy mấy ai hiểu cho nỗi niềm của những người làm nghề cao quý này.

Nghề nhiều áp lực
Để hàng ngày những em bé sáng sáng đến trường mầm non trong niềm vui, khi ra về khỏe mạnh xinh xắn cùng với cha mẹ, ông bà thì người giáo viên mầm non phải chịu rất nhiều áp lực. Theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành thì để hành nghề giáo viên mầm non phải đảm bảo một hệ thống các chuẩn trong 3 lĩnh vực: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức và kỹ năng sư phạm. Mỗi lĩnh vực lại gồm có 5 yêu cầu cụ thể được quy định rõ ràng.

Nhiều trường hợp khó xử đã xảy ra trong trường mầm non, khi phụ huynh cứ gọi cô giáo để đổ mọi trách nhiệm khi con cháu mình có biểu hiện gì bất thường. Một vết xước, hơi biếng ăn, các biểu hiện tâm lý khác như cáu kỉnh, hờn dỗi đều có thể là lý do khiến cho cô giáo gặp rắc rối với phụ huynh khó tính.

Cô hiệu trưởng trường mầm non trên phố Lò Đúc (cô không muốn nêu tên) nói: Người làm công tác giáo dục mầm non cứ như đi trên dây, luôn túc trực tâm lý lo lắng những điều bất ngờ có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Giáo viên phải đảm bảo an toàn cho trẻ tối đa, nhà trường phải liên tục bồi dưỡng các kiến thức phòng tránh tai nạn…

Ảnh minh họa

Hay những biến động của xã hội cũng tác động mạnh mẽ tới trường mầm non, như khủng hoảng sữa nhiễm độc, ngay lập tức các cô giáo phải có phản ứng kịp thời. Bão giá là tác động trực tiếp nhất tới việc chăm sóc bữa ăn của các bé, ngay khi thông tin nhà trường phải thu thêm phí bữa ăn từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng cho phù hợp với giá thực phẩm tăng trên thị trường, lập tức phụ huynh đã bàn tán xôn xao, đưa thắc mắc yêu cầu nhà trường giải thích.

Có nhiều trường tư lắp đặt camera để phục vụ phụ huynh quan tâm để ý con cái, nhưng theo tâm sự của một số giáo viên thì đó còn là nhằm theo dõi các cô “có làm gì con mình không?”.

Còn tại trường công lập, thì sự quá tải đang là vấn đề gây áp lực nhất đối với giáo viên, cứ một lớp, 2 cô giáo phải phụ trách 40, thậm chí 50 trẻ một lớp, mỗi ngày từ 9 – 10 tiếng. Mọi công việc từ soạn giáo án, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi quá trình học tập, lo nộp phiếu ăn cho học sinh các cô đều phải đảm nhận. Còn việc phải ở lại trường quá giờ, vì phụ huynh đến đón con muộn vốn thường xuyên trở thành chuyện bình thường.

Thụ hưởng không tương xứng
Công việc thì như thế nhưng lương của người giáo viên mầm non theo mặt bằng chung hiện nay không tương xứng với trách nhiệm và công sức mà họ đã bỏ ra. Theo như thông tin từ một số trường công lập thì lương giáo viên mầm non được trả theo mức lương cơ bản năm 2008 nhân với hệ số thâm niên, 1,8 đối với giáo viên tốt nghiệp Trung cấp; thấp nhất là 2,1 với giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng. Như vậy mức lương trung bình của giáo viên mầm non dao động từ 900.000 đồng đến 1, 2 triệu …Quả là quá thấp so với những biến động giá cả, lạm phát cùng vô vàn các nhu cầu cuộc sống thiết thân.

Dù nhận mức lương thuộc diện cao ngất ngưởng từ 1,5 triệu dến 2 triệu đồng/ tháng thì một cô giáo (chưa lập gia đình) cũng phản tằn tiện lắm mới tạm đủ chi trả các chi phí cho cuộc sống. Nhiều cô ngán ngẩm nảy sinh tâm lý bỏ việc, chuyển việc. Điều đó lại càng làm nguồn nhân lực giáo dục mầm non vốn đã không đủ đáp ứng lại càng thêm thiếu thốn.
Nảy sinh tiêu cực từ việc thu nhập thấp là điều không tránh khỏi, xuất hiện suy nghĩ cho rằng: giáo viên mầm non thu nhập không chỉ ở lương mà từ các khoản bồi dưỡng của phụ huynh. Thực trạng nhận phong bì của cha mẹ học sinh đã xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội và ảnh hưởng uy tín giáo dục…Nhưng theo như tâm sự của một thành viên trên diễn đàn mamnon.com thì nhiều lúc các vị cha mẹ lại chủ động đưa phong bì cho giáo viên với suy nghĩ: “Như vậy con mình sẽ được quan tâm chăm sóc tốt hơn".

Một xu hướng là các cô giáo hiện đang công tác tại trường công, sinh viên sư phạm mẫu giáo muốn xin vào làm tại các trường tư thục bởi mức lương cao hơn hẳn. Thông tin từ cô Hương quản lý trường mẫu giáo tư thục Thiên Thần Nhỏ cho biết thì: lương khởi điểm của giáo viên đã là 1,5 triệu/ tháng, tất nhiên khâu tuyển dụng cũng rất khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng.

Tháng 9 năm 2008, một tin vui với công chức nói chung và giáo viên mầm non nói riêng: sẽ được trợ cấp thêm 270.000 đồng/ tháng nếu mức lương dưới 1,6 triệu. Mặc dù chưa thể gọi là đủ nhưng đối với người giáo viên thì “Thêm đồng nào vẫn quý đồng ấy”.

"Thụ hưởng gắn liền với công sức” là một tiêu chí công bằng xã hội, nhưng xem ra đối với nghề giáo viên mầm non thì công sức bỏ ra nhiều nhưng thụ hưởng vẫn còn chưa tương xứng…

Theo aFamily
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Giáo viên Mầm Non cần được quan tâm hơn.
Ngày gửi: 10/12/2008 11:28:47 AM

Tôi cũng là một giáo viên Mầm Non. Tôi thấy giáo viên Mầm Non thật là vất vả mà chưa được xã hội coi trọng và quan tâm lắm. Tôi thấy thật sự buồn vì trách nhiệm nhiều và nhiều áp lực mà lương lại thấp không đủ chi tiêu. Thời gian đi làm chiếm khá nhiều, một người có gia đình như tôi không có thời gian để đưa đón con đi học. Tôi mong xã hội cần quan tâm giúp đỡ với ngành Mầm Non hiều hơn nữa để đời sống giáo viên đỡ vất vả và yên tâm với nghề.


guest
Tại sao nghành học Mầm Non không kém phần quan trọng vậy mà.........
Ngày gửi: 10/13/2008 11:59:52 PM


Cực và nhiều và vô số điều mà nói hoài cũng không hết về công việc của giáo viên Mầm Non, công việc thì quan trọng, không chỉ giáo dục mà còn cả chăm sóc , vất vả và nhiều áp lực nhưng tại sao lương bậc Mầm Non lại không tương xứng, tôi cảm thấy buồn và mệt mỏi cùng cực khi chẳng giúp gì được cho gia đình mặc dù vẫn sống độc thân, và nuôi sống mình ư? có thể nói vừa đủ chi tiêu cho việc ăn uống và xăng đi đến trường, ngoài ra thì hết rồi, chỉ vậy thôi........có lẽ chuẩn bị thôi việc.



guest

Tôi muốn bỏ nghề
Ngày gửi: 10/14/2008 6:33:03 PM

Trước đây tôi đã vô cùng yêu nghề,mục tiêu tôi đặt ra cho mình đó là phải trở thành một cô giáo Mầm Non, nhưng giờ đây khi đã đạt được điều đó rồi, sau 6 năm làm việc điều mà tôi ao ước lớn nhất bây giờ là được làm qua nghề khác. Quá nhiều áp lực, tôi luôn bị căng thẳng, trở nên hay cáu gắt...có ai giống tôi không?


guest
Tôi mệt mỏi.
Ngày gửi: 10/15/2008 7:22:19 PM


Tôi thấy suốt ngày mệt mỏi và chán nản với công việc lắm rồi nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề không có thời gian dành cho riêng mình mà lương thi không đủ áp lực quá nhiều tôi trở nên cáu gắt và nhiều luc căng thảng thần kinh vô cùng.



guest

Thật sự mệt mỏi
Ngày gửi: 10/15/2008 9:33:45 PM

Đọc những dòng chữ nói về nghề giáo viên Mầm Non, tôi thấy thật sự buồn và mệt mỏi. Thật sự không có câu văn, từ ngữ nào diễn tả hết được những vất vả của nghề. Chúng tôi mang danh co giáo nhưng thật ra là những osin cấp cao, chỉ hơn người ta ở cái bằng sư phạm. Yêu trẻ và bước vào nghề bằng sự đam mê nhưng cuối cùng sau 3 năm đi làm tôi đã mất hết nhiệt huyết ban đầu, đi làm có chăng cũng chỉ là trách nhiệm. Không ai hiểu từ gia đình, bạn bè rồi xã hội. Nhiều lúc muốn bỏ hết nhưng còn cuộc sống. Không biết cố gắng tới chừng nào nữa đây...


guest
Suy nghĩ của những sinh viên chúng tôi.
Ngày gửi: 10/16/2008 8:52:26 AM


Hiện chúng tôi đang là sinh viên, mà bất cứ lúc nào gặp các cô giáo Mầm Non ai cũng kêu là vất vả nhưng tiền lương thì ít ỏi. Nếu ai cũng thấy chán nản và mệt mỏi thì sẽ không có ai dạy dỗ và nuôi dưỡng trẻ thơ. Hi vọng là xã hội phát triển và ngành Giáo Dục cao quý sẽ được nhà nước coi trọng và được quan tâm nhiều hơn.



guest

Kính gửi ông Bộ trưởng Bộ GD
Ngày gửi: 10/16/2008 2:51:09 PM

Tôi là GVMN, trước và sau này vẫn luôn tự hào về điều đó. Nhưng có lẽ tôi sẽ bỏ nghề trong vòng 1 - 2 năm tới. Vì sao ư? vì cái nghề này bạc bẽo kinh khủng. Tiền lương không đủ sống, nay kiểm tra, mai kiểm tra. Kiểm tra học kỳ vừa xong thì lại thông báo rằng sẽ có kiểm tra đột xuất, kiểm tra cấp Quận vừa xong thì lại lo cho kiểm tra cấp Thành phố đang đến gần. Một năm có 10 tháng đi dạy thì trung bình mỗi tháng kiểm tra 1 lần, nội dung kiểm tra thì vô bờ bến: nề nếp học sinh, thói quen vệ sinh của trẻ, kiểm tra môi trường lớp, kiểm tra chất lượng học sinh, sổ sách của cô và trẻ vv...vv. Nói đến sổ sách thì còn kinh hoàng hơn, 5- 6 đầu sổ dành cho cô, 3-4 đầu vở cho học sinh, thời gian chăm sóc các cháu thì chiếm gần hết cả một ngày, lấy đâu ra thời gian làm sổ, chưa nói tới việc phải gồng mình làm những việc không tên trong trường MN. Thế mà khi chúng tôi phải ở lại muộn để làm thêm những việc mà nếu có học sinh ở bên cạnh thì sẽ chẳng làm được gì, chúng tôi đã nhận được một lời "động viên": Tôi có cần các cô ở lại muộn đâu", thế thì tôi xin hỏi ông Nguyễn Thiện Nhân rằng: tôi đang hy sinh cho lý tưởng gì? đang làm việc tốt cho ai? Phụ huynh thì nay đòi hỏi cái này, mai đòi hỏi cái kia, ai cũng muốn con mình được chăm sóc tốt nhất nên đã có một vài người có quà tặng riêng cho các cô, liệu chúng tôi có cần hành động này không nếu như lương của chúng tôi là 5-10 triệu một tháng?Bỏ ra tâm huyết cả đời để yêu thương chăm sóc các bé, thế mà chúng tôi nhận lại được gì từ xã hội? từ những người mà khi chúng tôi nghỉ một ngày để họp Chuyên môn, đã kêu lên rằng: ôi, nó nghỉ ở nhà thì tôi chết? Vậy thì có phải vô hình chung, phụ huynh đã đẩy chúng tôi đến gần cái chết?????
Người ta nói rằng: có cho thì có nhận, vậy mà chỉ từ mấy "con sâu làm rầu nồi canh" của GDMN, chúng tôi đã thành "sâu" hết.
Chúng tôi kiệt quệ quá rồi, hãy làm gì để nâng chúng tôi đứng dậy đi?????



guest
Tôi thấy mệt mỏi.
Ngày gửi: 10/18/2008 1:55:17 PM


Là một giáo viên Mầm Non trung thành với nghề đã 10 năm, nhưng tôi thấy công việc của người giáo viên Mầm Non ngày càng đòi hỏi cao, trong khi tiền lương nhận được không tương xứng. Một ngày các cô phải có mặt ở trường từ 6h30 đến 17h, nếu ngày nào 6h35 mới có mặt thì tháng đó bị trừ lương vì đi trễ. Ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án trên vi tính(vì không biết Phòng Giáo Dục hay hiệu trưởng bắt phải soạn trên vi tính)trong khi nhà tôi lại không có máy,m à sổ bé ngoan thì bắt viết tay trọng tâm năm học, rồi hàng tuần thì phải rửa đồ chơi một lần, hàng tháng thì chà nhà,từng khe gạch phải sạch...rồi về vấn đề thanh tra, kiểm tra của trường và của Phòng Giáo Dục, vì cơ sở vật chất của trường chật hẹp , 1 lớp dến 40 bé vừa học, chơi, ngủ trong lớp mà khi bị dự giờ ăn thì phải tổ chức cuốn chiếu, trong khi chỗ chơi còn không đủ thì làm sao tôi có thể vừa cho bé chơi vừa bày bàn ghế. Vừa cho bé dọn góc, vừa chia cơm cho bé, vì lúc này cô kia coi bé vệ sinh cá nhân trước khi ăn. Xin phản ánh dùm tôi.



guest

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo Dục.
Ngày gửi: 10/19/2008 7:39:29 AM

Hãy cho tất cả những ai là cô giáo Mầm Non vào biên chế nhà nước, để được tất cả mọi người được biên chế của nhà nước. Đừng phân biệt, tuyển dụng biên chế hay không, các cô chưa biên chế cũng là đang hợp đồng, họ cũng làm việc vô cùng cực khổ. Ai hiểu cho họ đây? Tại sao ông Bộ trưởng không đặt câu hỏi: TẠi sao giáo viên bỏ việc quá nhiều? Nào phải không yêu nghề? Vì sao chúng tôi phải bỏ việc?


guest
Nỗi niềm này ai thấu
Ngày gửi: 10/21/2008 10:11:12 PM


Có nói cũng chỉ chị em mình hiểu mà thôi. Nhưng cũng thấy được giải tỏa tâm trạng khi đọc những dòng tâm sự này.



guest

Hãy quan tâm đến GVMN
Ngày gửi: 10/23/2008 10:07:34 PM

Tôi là một người được đào tạo rất cơ bản về ngành học này, hiện giờ tôi đang công tác tại một tỉnh miền núi vô cùng khó khăn. Không nói chăc các bạn cũng đã biết, nỗi vất vả của cô giáo mầm non như thế nào. Tôi chỉ muốn nói một điều rằng Đảng nhà nước hãy quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn nữa, chúng tôi cần sự sẻ chia của toàn xã hội.


guest
Chúng tôi vô cùng mệt mỏi và kiệt quệ.
Ngày gửi: 10/26/2008 12:15:15 PM


Mỗi sáng thức dậy đi dạy là chúng tôi lại thấy tâm trạnh nặng nề. Do là "Áp lực và áp lực", thời gian chăm sóc trẻ kín chổ, rồi sổ sách, giáo án, v.v...làm chúng tôi bù đầu (mà BGH quy định giáo án phải soạn trước một tuần). Chúng tôi phải thức đêm thức hôm để làm đúng theo quy định. Có lúc đi dạy mà đầu óc như búa bổ vì thức đêm quá nhiều. Có nói như thế nào thìo sức người cũng có hạn mà công việc thì quá nhiều, chúng tôi rất tâm huyết với nghề nhưng BGH chẳng cảm thông mà suốt ngày cứ đe dọa sẽ cho nghỉ dạy vài người có như thế mới "SỢ" Hiệu trưởng. Không biết ông Bộ Trưởng BGD có chỉ đạo cho BGH làm việc này không? Trong khi thành phố chúng ta thực trạng giáo viên bỏ nghề đến mức báo động mà Hiệu trưởng trường tôi lại thích cho giáo viên nghỉ dạy trong thời điểm này. Theo các bạn thì chúng tôi có nên tâm huyết với nghề nữa hay không khi mà ngày nào cũng bị BGH có những lời lẽ như vậy???



guest

Hy vọng đổi mới
Ngày gửi: 10/28/2008 7:03:29 PM

Đọc bài viết này, tôi cũng là GVMN cũng có những bâng khuâng,những chua xót cho ngành MN thực trạng ngày nay. Theo tôi thì Bộ cần có những thay đổi kịp thời hơn về thời gian làm việc, về phụ cấp thêm giờ cho GVMN, giảm tối đa việc kiểm tra, thanh tra hãy cho chúng tôi có thời gian và đừng gây áp lực khi chúng tôi làm việc quá sức của mình 10g đến 12g mỗi ngày, ngoài ra còn chịu áp lực từ phụ huynh nếu chẵng mai xãy ra sự cố. Và một đề nghị về chuyên môn cho các cấp lãnh đạo xem xét việc dự giờ, thao giảng, chuyên đề hãy cho chúng tôi sự thanh thản sau khi lên tiết dạy đừng quá chi li từng câu nói của cô, đừng để tiết dạy của chúng tôi lên bàn mổ vì chúng tôi lên tiết dạy cháu chỉ có từ 15 phút cho Mầm và 30 phút cho Lá vậy mà khi họp rút kinh nghiệm thì từ 30 phút đến 60 phút một sự lãng phí thời gian và bản thân chúng tôi cũng quá ngao ngán với những buổi rút kinh nghiệm ấy, chính vì thế mà chúng tôi thường nói với nhau rằng là chúng tôi đang dạy đại học mầm non cái gì cũng đem ra góp ý(đối tượng của tôi là trẻ mầm non) các chị thì đòi hỏi phải cái này cái khác. Vì thế chúng tôi rất căng thẳng khi có các cuộc kiểm tra, dự giờ, phải nghiên cứu,phải đổi mới. Kính mong những dòng tâm sự của GVMN được các vị lãnh đạo quan tâm và giải quyết nhanh chóng


guest
Gửi các vị Lãnh đạo ngành Giáo dục, nhất là GDMN
Ngày gửi: 11/2/2008 10:33:53 PM


Đọc 1 chùm bài viết về GVMN tôi vô cùng bức xúc. Tôi không hiểu khi đọc được những dòng chữ này ông có bức xúc như chúng tôi không? Ông đã có những hành động hay biện pháp nào giải quyết giúp GVMN chưa? Hay ông chưa từng ngó ngàng đến những lời kêu cứu của GVMN? Chứng kiến cảnh các cô ngày ngày bò ra đất làm đồ dùng đồ chơi (vì nhà trường bắt phải có sản phẩm của cháu) mà không được sử dụng đồ có sẵn; quần lúc nào cũng sắn như đi cấy, lúc nào cũng tất bật đi sớm (6h30 đã có mặt đến tận 17h có khi muộn hơn mới về) mà tôi không sao kìm nén được nỗi bức xúc. Tôi thấy các cô không việc gì mà không làm như: chuyên gia về máy tính (soạn giáo án điện tử, thiết kế trò chơi cho tiết học trên máy tính, ...); thợ vẽ, thợ mộc (sửa các bàn ghế hỏng), thợ sơn (sơn giá đồ chơi..); kế toán (cộng chia xuất ăn của cháu...)...còn rất rất nhiều các nghề khác nữa mà xin mời ông phải trực tiếp vi hành để được mắt thấy tai nghe thì ông mới hiểu được. Lại còn áp lực của BGH, cấp trên nay kiểm tra, mai thanh tra...mà mỗi lần kiểm tra đâu có đơn giản bởi mỗi lần như vậy các cô lại tiêu tốn tiền của, công sức của gia đình có cô còn bị gia đình chồng nghi ngờ này nọ vì cũng như ông thôi không biết được nỗi vất vả của họ... Để nói ra thì còn rất nhiều nỗi khốn khổ... Nhưng họ chỉ được nhận lại 1 đồng lương ít ỏi, không thể chi phí cho cuộc sống của chính mình (chưa nói đến con). Thêm đó trách nhiệm của họ quá nặng từ phía PH; hơi 1 tý là PH ăn vạ này nọ, con họ ngủ sớm hay muộn họ cũng nói, con họ không đi vệ sinh ở lớp (hay ở nhà) họ cũng thắc mắc... Tại sao các cô giáo MN vất vả hơn các cô giáo tiểu và trung học rất nhiều về cả chăm sóc, dạy dỗ và trách nhiệm mà họ lại bị đối xử như vậy ... Còn rất nhiều bức xúc nữa nhưng tôi chỉ sơ qua mong rằng ông hãy đọc hoặc những ai giúp việc cho ông hãy đọc cho ông biết để có giải pháp kịp thời, nếu không thì nguy to, các GVMN không còn yêu nghề mến trẻ nữa bởi vật chất quyết định ý thức kính thưa ông.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trẻ thơ cõng nặng gánh học (7/10)
 Nhọc nhằn cơ sở mầm non (8/10)
 Bộ Giáo dục tuyển nữ thứ trưởng (7/10)
 Tự nguyện hay "ép" tự nguyện? (6/10)
 Chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ Mẫu Giáo ( 3 đến 6 tuổi ) (3/10)
 Nhiều trường mầm non chưa công bố chất lượng sữa (2/10)
 Đừng “mua” cô giáo mầm non (1/10)
 Thực hiện phương hướng nhiệm vụ GDMN năm học 2008-2009 (1/10)
 Ðiều kiện thành lập trường mầm non tư thục (30/9)
 Mầm non An Giang, từng bước công nghệ hóa giáo dục. (29/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i