Bệnh da là một bệnh rất phổ biến. Vì da bao bọc hầu như toàn bộ cơ thể nên bất cứ một sự bất thường nào xảy đến, từ bên ngoài hay bên trong, đều có thể gây ra bệnh lý ở da. Bài viết này chỉ đề cập đến một số bệnh da ở trẻ con thường gặp trong đời sống hằng ngày và hướng dẫn phụ huynh cách xử trí tại nhà.
Viêm do tã lót
Tã lót ngày nay thường được sử dụng bằng tã giấy do tính “siêu thấm” của nó. Bà mẹ có thể ngủ suốt đêm không cần thức dậy thay tã mỗi khi bé tiểu. Nhưng chính sự tiện lợi này ngày càng đưa đến những hậu quả xấu cho bé. Không phải cháu nào cũng chịu được tã lót bằng giấy. Một số cháu dị ứng với chất làm giấy của tã lót hoặc không chịu được sự ẩm ướt, bít kín kéo dài suốt đêm. Lúc đó da vùng quanh hậu môn, mông, mặt trong đùi sẽ trở nên đỏ, nổi mụn nước, ngứa ngáy rất khó chịu. Khi mụn nước vỡ ra sẽ làm da rịn nước, đóng mày, bội nhiễm vi trùng sinh mủ. Một số trẻ được cha mẹ cho thoa thuốc không đúng cách, nhất là những chất có chứa corticoid sẽ làm các nếp da (nếp mông, nếp háng) bị viêm nhiễm thêm nấm hạt men (candida) ta gọi là nấm kẽ.
Xử trí tại nhà:
Không được thoa thuốc bừa bãi nhất là thuốc có chứa chất corticoid.
Nên đắp ướt bằng thuốc tím pha loãng với nước ấm, nồng độ 1/10.000
Cho cháu uống sinh tố PP, thuốc kháng dị ứng (sirô Atarax, sirô Clarityne, sirô Phenergan).
Nếu có bội nhiễm vi trùng nên dùng kháng sinh phổ rộng như Erythromycine, Céphalexin…
Nếu có nhiễm nấm nên dùng thuốc phun sương có chứa chất Ketoconazole (Dezor Cream).
Rôm sảy
Khí hậu oi bức hay ẩm thấp đều là những nguyên nhân gây rôm sảy. Trẻ ngày nay được “bảo vệ” quá kín, từ đầu đến chân nên càng tạo điều kiện cho rôm sảy xuất hiện.
Nhiều mụn nhỏ, hơi cứng, đầu có nước tập trung thành đám trên nền da màu hơi hồng, ở ngực, lưng, có khi xuống đùi, ngứa rất dữ dội nhất là khi ra mồ hôi nhiều. Dân gian còn có tên gọi là “sảy dề” hay “sảy càn”, “sảy cơm cháy” để chỉ những trường hợp nặng, sảy tập trung thành mảng to, đỏ, ngứa, rịn nước, trên bề mặt lấm tấm nhiều nốt mụn đỏ. Đôi khi có thể bội nhiễm vi trùng sinh mủ.
Xử trí:
Hạn chế chà xà phòng, đặc biệt là các loại xà phòng sát trùng mạnh vì có thể làm da đỏ thêm.
Tắm bằng các loại nước “làm mát” như nước lá ổi, lá me hoặc nước ấm pha loãng với thuốc tím.
Một vài loại phấn có thể được rắc lên chỗ bị rôm sảy nhưng cẩn thận vì có thể gây dị ứng.
Cần lau mát cho trẻ thường xuyên, nhất là những vùng ra mồ hôi nhiều.
Có thể cho trẻ uống sinh tố PP, thuốc chống ngứa.
Nếu bội nhiễm có thể dùng thêm kháng sinh phổ rộng.
Lác sữa (chàm sữa)
Lác sữa hay chàm sữa thường gặp ở các cháu dưới 6 tháng tuổi. Hai bên má xuất hiện dát hồng, kích thước độ vài cm đường kính, trên xuất hiện mụn nước, ngứa. Cháu thường cào gãi hai má nên thương tổn chảy nước, rỉ dịch, đôi khi bội nhiễm vi trùng sinh mủ. Bệnh sẽ khỏi sau 2 đến 3 tuần nếu được điều trị đúng cách.
Xử trí:
Xem lại sữa cho cháu bú. Một vài loại đạm có trong sữa bò hay sữa bột có thể gây dị ứng cho bé.
Tối ngủ nên bao hai bàn tay cháu lại và cắt móng tay cho ngắn.
Không thoa thuốc bừa bãi, nhất là thuốc có chứa chất Corticoid.
Đắp ướt hai má bằng thuốc tím pha loãng với nước ấm.
Cho cháu uống sinh tố PP, các loại sirô chống dị ứng.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm.
Dị ứng sữa tắm, dầu thơm
Sữa tắm, dầu thơm dành riêng cho bé tạo cho bé cảm giác thơm tho thoải mái, nhưng đôi lúc chính sữa tắm, dầu thơm này là nguyên nhân gây nên dị ứng cho bé. Thường cháu bị ngứa da nổi đỏ, nổi mụn nước ở rải rác khắp bụng, lưng, ngực, đặc biệt ở các nếp da (cổ, háng).
Xử trí:
Cần ngừng ngay sữa tắm, dầu thơm đang sử dụng cho bé.
Tắm bé bằng nước ấm pha loãng với thuốc tím nồng độ 1/10.000, có màu hồng nhạt hay màu cánh sen.
Cho cháu dùng các loại sirô chống dị ứng (sirô Clarityne, sirô Atarax, sirô Phénergan…)
BS. Lý Hữu Đức
(Theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị)