Mụn nhọt hay gặp ở trẻ yếu, do nhiễm khuẩn cấp tính loại tụ cầu vàng (Staphylococus aureus) ở lỗ chân lông gây viêm nang lông và các tổ chức xung quanh. Khi mới bắt đầu, trên da thấy xuất hiện một mụn mủ nhỏ. Sau đó nhọt vỡ, ở chỗ mụn mủ chảy ra, có cả ngòi trắng xanh hơi xốp, để lại một hõm sâu. Chỗ lõm này sẽ đầy lại nhanh chóng và nhọt khỏi trong vòng 8-10 ngày.
Biến chứng: vì do tụ cầu nên khi biến chứng vào thận gây viêm cầu thận cấp, vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
Có những trường hợp nhiều nhọt mọc sát nhau thành cụm, kết hợp với nhau thành mảng đỏ, lớn rất đau. Trong mảng đỏ này có nhiều nhọt, khi vỡ ra thành nhiều lỗ như tổ ong. Bị loại nhọt này trẻ rất đau, sốt cao, quấy khóc nhiều, cơ thể suy nhược và dễ có các biến chứng.
Ðiều trị: lúc nhọt mới mọc chỉ có 1-2 cái, dùng cồn iod bôi vào đúng chỗ nhọt, cũng có thể dùng cao tiêu nhọt dán lên. Nếu nhọt đã mềm, nên đến cơ sở y tế chích tháo mủ và bôi các thuốc sát khuẩn như cồn iod, thuốc đỏ, thuốc mỡ kháng sinh.
Trường hợp nhọt mọc liên tiếp, nên đi khám tìm nguyên nhân để điều trị thích hợp. Ðặc biệt nhọt mọc ở vùng môi, cánh mũi không nên tự nặn vì dễ gây biến chứng nhiễm trùng máu.
Phòng bệnh: tắm rửa sạch sẽ cho trẻ và phòng chống nóng tốt.
Viện thông tin thư viện y học trung ương.