UBND TPHCM yêu cầu UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức ưu tiên rà soát và mời tiêm với các trẻ tại các khu vực thường xuyên có biến động dân cư, các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngày 6/9, UBND TPHCM có văn bản gửi các sở ngành chức năng, UBND các địa phương triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Y tế chủ trì, tham mưu UBND thành phố thực hiện hoạt động tiêm chủng bổ sung vaccine phòng, chống dịch sởi đảm bảo đạt mục tiêu đề ra. Bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bố trí các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường mầm non, tiểu học tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của tiêm vaccine, thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm để được tiêm vaccine sởi trong thời gian sớm nhất. Đồng thời lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh, gửi thông báo đến phụ huynh trẻ chưa tiêm đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế để đảm bảo trẻ được tiêm vaccine càng sớm càng tốt, an toàn và hiệu quả.
Trẻ được theo dõi sau tiêm vaccine sởi
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn. Ưu tiên rà soát và mời tiêm với các trẻ tại các khu vực thường xuyên có biến động dân cư, các cơ sở bảo trợ xã hội. Có thể triển khai nhiều điểm tiêm nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với chiến dịch, sử dụng hiệu quả nguồn vaccine được cấp trong thời gian sớm nhất.
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong việc tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh.
Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố, ấp và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng) trên địa bàn chủ động phối hợp với trạm y tế rà soát, lập danh sách, thực hiện thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi đi tiêm chủng vaccine sởi - rubella (không phân biệt thường trú và tạm trú), tập trung vào nhóm trẻ gia đình, trẻ ở các cơ sở trợ giúp xã hội.
Trước đó, ngày 27/8, UBND TPHCM đã công bố dịch sởi trên quy mô toàn thành phố. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tổng số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn TPHCM tích lũy từ đầu năm đến ngày 1/9 là 644 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 12, quận 7 và TP.Thủ Đức. Điều này cho thấy cần ưu tiên tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng này, nơi có di biến động dân cư cao để hạn chế tốc độ lây lan của dịch sởi.
Từ ngày 31/8, ngành y tế thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, tuy nhiên số lượng trẻ được tiêm còn thấp. Đáng lo ngại hơn là các quận huyện đang có nhiều ca bệnh nhưng có tiến độ tiêm còn thấp như quận Bình Tân, TP.Thủ Đức.
Theo Phunuvietnam.vn