Sau khi mạng xã hội lan truyền clip một trẻ mầm non tại TPHCM bị bạo hành gây phẫn nộ trong dư luận, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý.
Tối 23/4, mạng xã hội đã lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo ngồi lên bụng bé trai đang khóc và có hành động dùng tay nhét thức ăn vào miệng của bé. Cơ quan công an đã vào cuộc và xác định vụ việc xảy ra tại lớp mẫu giáo Tí Bo (đường Linh Đông, phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức).
Chiều 25/4, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, ngay sau vụ việc trên, sở đã quyết định đình chỉ đối với nhóm trẻ mầm non Tí Bo và phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ các dấu hiệu bạo hành trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức thông tin tại buổi họp báo
Ông Hoài Nam cho biết: "Sự việc xảy ra tại nhóm mầm non Tí Bo là vấn đề rất đáng tiếc. Sau khi đình chỉ nhóm mầm non trên, chúng tôi đã đến nhà đề động viên trẻ và gia đình với hi vọng nhận được sự thông cảm. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã quyết định chuyển toàn bộ trẻ tại nhóm mầm non Tí Bo sang cơ sở giáo dục mầm non khác để các bé tiếp tục được chăm sóc, học tập".
Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức cho rằng, đứng ở góc độ lãnh đạo ngành giáo dục, chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ nghiên cứu các giải pháp tốt hơn trong công tác quản lý giúp giáo viên và người chăm sóc, nuôi dạy trẻ có kỹ năng tốt hơn.
Đề cập đến giải pháp lắp đặt camera để phòng chống bạo hành trẻ mầm non, bà Thu Hiền cho biết: "Việc lắp đặt camera trong lớp học là cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý của hiệu trưởng đối với các trường công lập và chính quyền địa phương. Khi lắp đặt camera trong lớp học, tâm lý của phụ huynh rất ủng hộ để có thể theo dõi được các hoạt động của con trên lớp, thỏa mãn việc nhớ con".
Tuy nhiên, đứng ở góc độ của ngành giáo dục bà Thu Hiền cho rằng lắp đặt camera là vấn đề chúng tôi hết sức tâm tư bởi hình ảnh của trẻ và hình ảnh của cô trong lớp rất riêng tư, cần bảo vệ. "Mỗi cha mẹ chỉ muốn nhìn hình ảnh của con mình nhưng trong camera là toàn cảnh có cô và nhiều trẻ khác. Làm sao để quản lý được hình ảnh là vấn đề cần đặt ra. Để có thể hạn chế tối đa tình trạng bạo hành trẻ vẫn là ở ý thức và nhận thức của người tham gia công tác giáo dục mầm non"- bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, sau vụ việc trẻ tại trường Tí Bo bị bạo hành, ngành giáo dục thành phố Thủ Đức sẽ tăng cường giám sát và đề xuất tất cả các ban ngành, đoàn thể đặc biệt là khu phố có cơ sở mầm non ngoài công lập đồng hành cùng ngành giáo dục để tăng cường giám sát, phòng chống bạo lực học đường, tránh những vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo thống kê của Phòng giáo dục thành phố Thủ Đức, trên địa bàn hiện có 273 nhóm lớp và 210 trường ngoài công lập. Để tăng cường ý thức của đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ngoài công lập phòng giáo dục đã thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhằm xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ vẫn xảy ra.
Theo Tiền Phong