Công tác tư vấn hướng nghiệp sư phạm mầm non đối với nam sinh còn hạn chế, dẫn đến khan hiếm đội ngũ này tại cơ sở giáo dục mầm non.
Thầy Thái Hồng Duy Trường Mầm non 19/5 (Quận 1, TPHCM). Ảnh minh họa: INT
Sinh viên ngành Giáo dục mầm non chủ yếu là nữ giới. Công tác tư vấn hướng nghiệp sư phạm mầm non đối với nam sinh còn hạn chế, dẫn đến khan hiếm đội ngũ này tại cơ sở giáo dục mầm non. Chia sẻ thực trạng, ThS Nguyễn Minh Diễm Quỳnh - Trường ĐH An Giang đồng thời đưa giải pháp với mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội, tạo bước chuyển trong đổi mới đào tạo, tuyển dụng giáo viên nam trong cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước.
Khan hiếm do định kiến xã hội
- Khan hiếm giáo viên mầm non nam giới có phải chỉ là thực trạng ở Việt Nam không, thưa bà?
- Hiếm nhân sự nam giới trong cơ sở giáo dục mầm non không chỉ ở Việt Nam. Tại New Zealand, chưa đến 1% giáo viên nam làm việc trong lĩnh vực mầm non. Không có quốc gia nào ở châu Âu có thể tăng cường sự tham gia của nam giới mà không có chính sách cụ thể của chính phủ để khuyến khích.
Năm 2018, theo Bộ GD&ĐT Trung Quốc chỉ khoảng 2% trong tổng số hơn 2,58 triệu giáo viên mầm non ở Trung Quốc là nam giới, tỷ lệ thấp nhất ở các cấp học. Tại Hoa Kỳ, các lớp học mầm non thiếu vắng gần như hoàn toàn sự hiện diện của giáo viên nam. Trên thực tế, dù nghề dạy học nói chung chủ yếu là nữ nhưng điều này đặc biệt đúng ở các lớp đầu cấp học mầm non, nơi nam giới chiếm khoảng 2% lực lượng giáo viên tại trường mầm non.
Nhiều rào cản ảnh hưởng đến thái độ của nam giới đối với giáo dục mầm non như một nghề nghiệp. Trong đó có nhận thức nghề dạy học là công việc của phụ nữ; sự lo ngại về khả năng bị lạm dụng trẻ em, lương và địa vị xã hội thấp, không có nhóm đồng đẳng nam giới. Đây là những lý do phổ biến để nam giới từ bỏ suy nghĩ trở thành thầy giáo, đặc biệt giáo viên nam ở trường mầm non.
Nhìn chung, không chỉ Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đang gặp khó khăn về giáo viên nam phụ trách các lớp của cấp học mầm non. Thế nhưng, cơ chế, chính sách, nhận thức xã hội chưa đảm bảo để nam giới yên tâm với nghề nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong chương trình đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên, ngành Giáo dục mầm non chưa thu hút người học nam giới. Đây là thực trạng tổng quan cần có biện pháp giải quyết trong thực thi Luật Bình đẳng giới.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này?
- Hiện trong các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến ở trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành Giáo dục mầm non chỉ tập trung đến đối tượng người học là nữ giới. Xuất phát từ đặc thù của ngành học và hình ảnh "cô giáo như mẹ hiền" đã trở thành định kiến. Yếu tố truyền thống ấy khó có thể thay đổi. Rào cản và sự phản kháng về văn hóa trong sự nghiệp đối với giáo viên mầm non do định kiến xã hội về nhận thức khiến nam sinh dự kiến trở thành thầy giáo mầm non phải từ bỏ ước mơ, sự nghiệp. Địa vị xã hội và triển vọng nghề nghiệp hạn chế là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ít giáo viên mầm non nam giới.
ThS Nguyễn Minh Diễm Quỳnh. Ảnh: NVCC
Hạn chế thiếu vắng nam giáo viên mầm non
- Thiếu vắng giáo viên là nam giới trong cơ sở giáo dục mầm non sẽ gây ra những hệ lụy gì?
- Bình đẳng giới là một trong những thách thức đối với xã hội, thể hiện ở tiền lương, cơ hội việc làm và tiếp cận giáo dục. Xã hội đang thay đổi. Sự bình đẳng trong chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua vai trò nam giới ngày càng phát huy. Thế nhưng, vấn đề này không phản ánh trong môi trường giáo dục mầm non chuyên nghiệp, nơi nam giới ít được đại diện.
Sự tham gia của nam giới qua trải nghiệm văn hóa và thái độ là yếu tố quyết định bước tiếp theo nhằm cải thiện cân bằng giới trong thực hành chăm sóc và giáo dục mầm non. Bởi lẽ, bản sắc và biểu hiện giới tính của lớp học thời thơ ấu có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ở bối cảnh văn hóa xã hội. Giới tính là yếu tố nhận dạng mà trẻ em nỗ lực để hiểu. Đây là vấn đề nữ giáo viên mầm non không phải lúc nào cũng giải quyết tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu đã xác định, thiếu giáo viên nam là vấn đề đối với bình đẳng giới theo những cách khác nhau. Trẻ em thường không thể trải nghiệm việc có nam giới làm giáo viên hoặc người chăm sóc. Do đó, trẻ em có mẹ đơn thân cần một hình mẫu nam giới để các em trai học, hiểu thế nào là người đàn ông.
Giáo viên nữ có thể ưa chuộng bé gái và củng cố các tố chất thuộc nữ tính. Vì vậy, bé trai chịu thiệt thòi ở khía cạnh này. Giáo viên nam có nhiều khả năng xác định và phản ứng với bé trai hiệu quả hơn so với giáo viên nữ thông qua sự chia sẻ hiểu biết kinh nghiệm quan điểm cũng như sự nam tính cần thiết.
Thiếu giáo viên nam có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bé trai lớn lên nhút nhát, rụt rè. Giáo viên nữ có thể là hình ảnh người mẹ chu đáo, còn giáo viên nam là người dũng cảm, nam tính. Bằng tố chất nam tính và suy nghĩ của mình, giáo viên nam sẽ cung cấp cách tiếp cận giảng dạy khác. Phương pháp riêng biệt ấy được sử dụng bởi giáo viên nam và nữ mang đến cho trẻ em trải nghiệm học tốt toàn diện.
Trên nguyên tắc, việc tiếp cận với các giáo viên đa dạng sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ. Trẻ em được tiếp cận nhiều hình thức vui chơi và giao tiếp khác nhau. Qua đó, hình thành ý tưởng lành mạnh về giới tính. Đó cũng là trăn trở của phụ huynh và các lực lượng xã hội về giới tính của trẻ được hình thành từ môi trường giáo dục, sự tác động bởi những xu hướng cần được quan tâm thấu đáo, kịp thời bằng chủ trương và hành động cụ thể.
Các nhà giáo dục mầm non có thể mang lại nguồn năng lượng tích cực và quan điểm độc đáo cho chương trình giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; nhất là ở cơ sở giáo dục mầm non có nhân viên nam. Điều này góp phần mang lại cân bằng giới trong môi trường giáo dục mầm non và học tập bình đẳng giới.
Thầy Nguyễn Thanh Bách - Trường Mầm non xã Hoàng Việt (Văn Lãng, Lạng Sơn). Ảnh: Facebook nhân vật
Cần chế độ ưu tiên đặc thù
- Vậy theo bà, cần có những giải pháp nào giúp gia tăng số lượng giáo viên là nam giới trong cơ sở giáo dục mầm non?
- Giải pháp đầu tiên, theo tôi là cải cách chế độ tiền lương. Từ thực trạng thiếu nguồn nhân lực đối với nam giáo viên sư phạm mầm non, việc tuyển dụng hay phân công lao động cần đảm bảo thực hiện theo cơ chế ưu tiên. Đây cũng là cách khuyến khích nhiều giáo viên nam trên cơ sở tham khảo một số quốc gia điển hình thế giới đã thực hiện. Ví dụ, Trung Quốc trả lương cao hơn cho nam giáo viên mầm non so với nữ từ 500 đến 1 nghìn nhân dân tệ (70 đến 140 USD) mỗi tháng để thu hút nguồn nhân lực với nam sinh viên.
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức nam học sinh chọn ngành Giáo dục mầm non, có thể đưa chủ trương tuyển nam sinh ngành Sư phạm mầm non vào tiêu chí xét thi đua; phát huy trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trong tư vấn tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non nhằm thu hút nam sinh viên.
Phương pháp tuyển dụng truyền thống khó giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý giáo dục cần có chủ trương, chế độ đãi ngộ trường mầm non công lập có kế hoạch ưu tiên tuyển dụng nam giới là giáo viên mầm non. Việc tuyển dụng có thể theo cam kết đặt hàng với cơ sở đào tạo dựa trên quy định miễn học phí đối với sinh viên ngành Sư phạm mầm non.
Ở đây, mục tiêu của nhà trường là tuyển giáo viên chứ không phải tuyển cán bộ quản lý. Trên cơ sở đó, đổi mới quy chế xếp lớp và phân công giáo viên phụ trách lớp học; làm sao tác động đến dư luận xã hội theo hướng tích cực, củng cố sự an tâm của gia đình trong khoảng thời gian trẻ đang học tập, nuôi dưỡng và giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non.
Cần có văn bản hướng dẫn của ngành để tạo điều kiện và động lực tốt hơn cho nam giới tham gia học tập, làm việc tại trường mầm non. Đồng thời, có văn bản quy định cụ thể các hoạt động được phép của nam giáo viên đối với trẻ em gái tại trường mầm non. Công tác tuyên truyền có thể tiếp tục thực hiện theo phương pháp truyền thống bằng loa phóng thanh, báo đài và băng rôn khẩu hiệu. Cùng đó, triển khai mô hình người thật việc thật từ câu chuyện ở trường mầm non có giáo viên nam.
Tóm lại, để đáp ứng mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, việc thay đổi nhận thức về nam giáo viên mầm non là vấn đề cần giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực này cho các cơ sở giáo dục mầm non. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cùng thực tiễn quá trình đào tạo sinh viên ngành Giáo dục mầm non tại Việt Nam, chúng ta hy vọng vào sự thay đổi về nhận thức xã hội đối với nghề này để quá trình đào tạo, tuyển dụng đảm bảo cơ chế thực thi Luật Bình đẳng giới có hiệu quả.
- Theo bà, đâu là các kỹ năng sư phạm mầm non cần đáp ứng của nam giới?
- Để trở thành giáo viên mầm non, trong thời gian tham gia đào tạo ngoài phẩm chất và các kỹ năng đạo đức nghề nghiệp, nam giới phải đạt được kỹ năng cơ bản về năng khiếu, phương pháp sư phạm trong xử lý tình huống về hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ, vẽ tranh, kể chuyện; giải quyết mâu thuẫn giữa các trẻ, năng lực sư phạm ngôn ngữ, xã hội, khoa học, sức khỏe và nghệ thuật.
Đối với nam giới, các yếu tố cần được lĩnh hội trong thời gian đào tạo là cả quá trình không ngừng phấn đấu để vượt qua. Thế nhưng, cơ chế tuyển dụng nam giới vào ngành Giáo dục mầm non lại không được xác định đặc thù đối với thầy giáo ở môi trường này.
- Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ!
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam ghi nhận ở bất kỳ cấp hay ngành học, nam giới và nữ giới đều có quyền học tập như nhau. Trong những năm qua, trên các diễn đàn, nghị sự quốc gia, bình đẳng giới được nhìn nhận ở khía cạnh tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tham gia học tập ở mọi lứa tuổi. Thế nhưng, dưới góc độ giáo dục mầm non thì nam giới trong vai trò giáo viên mầm non lại chưa được quan tâm sâu sát. Vấn đề này mới chỉ được thực hiện bởi các khẩu hiệu tuyên truyền. - ThS Nguyễn Minh Diễm Quỳnh
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/lap-khoang-trong-nam-giao-vien-mam-non-post665050.html