Tính ghen tị của trẻ không phải bỗng nhiên mà có, thói quen này bắt nguồn từ những hành vi của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tính ghen tị của trẻ xuất hiện từ lúc trẻ 6 tháng tuổi.
Ví dụ, khi người mẹ cho những đứa trẻ khác ăn, con của họ sẽ ngay lập tức bồn chồn, quấy khóc và tức giận. Khi người mẹ ôm những đứa trẻ khác, con của họ đang chơi ngoan bỗng khóc và muốn được ôm.
Những trường hợp này không phải hiếm trong thực tế, nguyên nhân là do sự ghen tị của trẻ.
Mỗi đứa trẻ đều sẽ có sự ghen tị, đây là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển tâm lý, đồng thời thể hiện cảm xúc chân thực của trẻ.
Tính ghen tị của trẻ bắt nguồn từ hành vi của cha mẹ.
Trên thực tế, ghen tị không phải là tính xấu. Nếu nó xảy ra ở mức độ vừa phải, có thể khiến con người nhìn thấy rõ khuyết điểm của bản thân, từ đó có thêm động lực tích cực. Tuy nhiên, nếu ghen tị quá mức sẽ làm tổn thương bản thân và người khác.
Một bi kịch xảy ra tại một trường cấp hai ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc khiến các bậc phụ huynh suy ngẫm. Theo đó, Xiao Ma (15 tuổi) bị bạn cùng lớp Xiao Qin tấn công và không may qua đời.
Nguyên nhân của bi kịch thực chất là do Xiao Qin ghen tị với thành tích học tập của Xiao Ma.
Theo điều tra, cha mẹ của Xiao Qin luôn coi vị trí đứng thứ nhất trong kỳ thi là tiêu chuẩn thành công. Họ thường so sánh và coi thường con mình. Theo thời gian, Xiao Qin bị áp lực rất lớn, tâm lý trở nên không ổn định, suy nghĩ méo mó, cuối cùng dấn thân vào con đường tội ác.
Những hành vi của cha mẹ sẽ khơi dậy tính ghen tị ở trẻ
1. Cha mẹ luôn so sánh con mình với người khác
Trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, con của người khác luôn ngoan ngoãn, giỏi giang hơn con mình. Kiểu so sánh này thực chất đang phủ nhận mọi cố gắng của trẻ. Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đem ra so sánh sẽ dần hình thành tính ghen tị.
2. Cha mẹ không giải quyết được mâu thuẫn giữa các con
Điều này thường xảy ra nhất ở những gia đình đông con. Đặc biệt khi cha mẹ không thể giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa con cái một cách công bằng sẽ khiến trẻ có những cảm xúc như "bố mẹ thiên vị", "bố mẹ không thương con nữa", "bố mẹ thương em nhiều hơn con". Những điều này sẽ khơi dậy tính ghen tị của trẻ.
Daniel Wegener, giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard, Mỹ thông qua nghiên cứu đã nhận ra rằng, khi trẻ ghen tị, nếu không được giải quyết đúng cách, chúng sẽ hình thành lòng tự trọng thấp, lo lắng và thậm chí có hành vi hung hăng.
Cách giải quyết tính ghen tị của trẻ
- Cân bằng mối quan hệ gia đình và giúp con tránh xa sự đố kỵ
Nam diễn viên Mei Ting (Trung Quốc) từng tham gia chương trình "Mẹ là siêu nhân" cùng các con của mình. Trong chương trình, khán giả thấy rằng với sự ra đời của cậu con trai, trọng tâm của gia đình đều chuyển sang đứa trẻ.
Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa 2 chị em, Mei Ting phải ưu tiên chăm sóc con trai còn nhỏ hơn. Điều này khiến người chị bất mãn đến mức thực hiện những hành vi nguy hiểm để thu hút sự chú ý của mẹ và thường xuyên đánh em trai mình. Sự hung hăng của cô bé thậm chí còn lan sang các đối tượng khác, chẳng hạn như đánh những đứa trẻ khác trong siêu thị, đánh ông nội, v.v.
Khi trẻ nhận thấy anh chị em nhận được nhiều sự quan tâm hơn, chúng dễ có cảm giác bị bỏ rơi, điều này có thể dẫn đến ghen tị.
Để cân bằng mối quan hệ gia đình, cha mẹ có thể thực hiện các bước sau.
Cha mẹ cần đối xử công bằng với mỗi đứa trẻ và dành cho chúng sự quan tâm, chăm sóc như nhau. Chú ý đến điểm mạnh của từng đứa trẻ, cho phép chúng được là chính mình, thay vì đánh giá tốt hay xấu chỉ dựa trên một thứ. Tạo không khí giao tiếp cởi mở trong gia đình để con cái có thể bày tỏ tình cảm, kể cả ý kiến, yêu cầu của mình với cha mẹ.
- Nuôi dưỡng sự tự tin, giúp trẻ mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần
Tính ghen tị của trẻ xuất phát từ sự bất an, tự ti trong nội tâm, đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Cha mẹ có thể áp dụng các cách sau để phát triển sự tự tin của con mình.
Trước hết, cha mẹ nên khuyến khích con thử sức ở nhiều lĩnh vực, khám phá tiềm năng của bản thân. Bất kể thành công hay thất bại, cha mẹ hãy khẳng định và hỗ trợ để con có cảm giác đạt được thành tựu để cải thiện sự tự tin.
Thứ hai, cha mẹ nên kịp thời đưa ra những phản hồi cụ thể, tích cực và khen ngợi những nỗ lực, tiến bộ của con thay vì chỉ tập trung vào kết quả. Điều này có thể xây dựng lòng tự trọng của con một cách hiệu quả.
Cuối cùng, cha mẹ nên đặt ra những mục tiêu phù hợp với khả năng thực tế của con mình. Kỳ vọng quá cao hoặc quá thấp sẽ làm suy yếu sự tự tin của con.
- Dạy trẻ cạnh tranh lành mạnh và biết ơn người khác
Cạnh tranh là một điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng cách cha mẹ hướng dẫn con mình đối mặt với cạnh tranh một cách đúng đắn mới là chìa khóa.
Đầu tiên, hình thành ý thức cạnh tranh lành mạnh: Hãy để trẻ hiểu rằng bản chất của cạnh tranh là cạnh tranh với chính mình chứ không phải để đánh bại người khác. Khuyến khích trẻ thử thách bản thân và theo đuổi sự xuất sắc trên cơ sở tôn trọng các quy tắc.
Thứ hai, hướng dẫn trẻ học cách tôn trọng người khác: Nói với trẻ rằng ai cũng có điểm tỏa sáng, sự thành công của người khác không có nghĩa chúng là người thất bại. Bằng cách kể cho trẻ nghe những câu chuyện về những người thành công, trẻ có thể học cách quan sát và đánh giá cao điểm mạnh của người khác, biến nó trở thành động lực.
Thứ ba, học cách chia sẻ và hợp tác: Trong hoạt động hằng ngày, hãy để trẻ trải nghiệm niềm vui hợp tác, hiểu giá trị đôi bên cùng có lợi, học cách hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm, cùng nhau tiến bộ thay vì làm việc một mình và chịu áp lực một mình.
Theo Phụ nữ số