Việc dạy con giữ lời hứa giúp con biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình.
Giữ lời hứa với con trẻ chính là dạy chúng cách ứng xử phù hợp với lời nói và việc làm.
Điều này cần thiết trong sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ sau này.
Cha mẹ cần nêu gương
ThS Nguyễn Thu Huyền - giảng viên Xã hội học (Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn nhạy cảm từ 0 đến 6 tuổi, khi tư duy của trẻ phát triển mạnh thì bố mẹ nên dạy con những phẩm chất tốt giúp bé trở thành người có ích trong tương lai. Một trong những đức tính cần dạy cho trẻ chính là giữ lời hứa.
Nhưng phải làm sao để dạy trẻ trở thành người có trách nhiệm với lời hứa, lời nói là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.
Theo cô Nguyễn Thu Huyền, nếu chỉ giảng giải cho bé rằng con phải biết giữ lời hứa, phải tạo được sự tin tưởng của mọi người; trong khi bản thân lại luôn thất hứa, đó chẳng phải là bạn cũng đang nói suông hay sao? Hãy thể hiện cụ thể qua ứng xử hàng ngày một cách nghiêm túc. Hứa với con điều gì, nhất định phải thực hiện. Vì nếu bố mẹ không giữ lời hứa cũng dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của trẻ khiến con bất an, hoài nghi và mất lòng tin vào gia đình.
Những lời hứa kiểu "hứa để rồi quên" của bố mẹ không hiếm trong cuộc sống. Hầu hết bố mẹ đều cho rằng, lời hứa chỉ là lời động viên con trẻ, còn thực hiện hay không là quyền của người lớn.
Nhưng bố mẹ hãy nhớ ở bất cứ trường hợp nào cũng phải thống nhất giữa lời nói và việc làm. Khi bố mẹ được tín nhiệm, trẻ sẽ hành động một cách tích cực và cũng sẽ ứng xử theo khuôn mẫu mà bố mẹ đã thể hiện. Bằng cách này, bé sẽ học được cách luôn tôn trọng lời hứa, chữ tín của bản thân đối với người khác.
Ngoài ra, dạy cho trẻ chữ tín còn thể hiện trong việc cha mẹ biết cân nhắc trước khi hứa và làm điều gì với trẻ. Một số phụ huynh muốn con nghe lời nên không tiếc buông ra những lời hứa hẹn, dù biết rằng khó thực hiện. Bởi vậy bạn cần suy xét trước khi hứa. Đừng vì nhất thời muốn làm dịu tình hình mà hứa tạm với con.
Thực tế, khi muốn con thực hiện điều gì đó, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác thay vì hứa hẹn. Từ đó, sẽ khắc phục cho trẻ thói quen vòi vĩnh, gây áp lực với cha mẹ. Bởi có những đứa trẻ lợi dụng vào việc cha mẹ đưa ra điều kiện để mè nheo, đòi hỏi... cho rằng cha mẹ không đáp ứng là vì không yêu thương mình.
Sau khi trẻ thực hiện những điều mà bố mẹ yêu cầu trước đó hoặc những điều mà trẻ đã cam kết, hãy khuyến khích trẻ tự đánh giá về mình xem có xứng đáng để được cha mẹ thực hiện lời hứa hay không. Điều này tạo cho trẻ tính trung thực, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Ảnh minh họa ITN.
Không dung túng con thất hứa
Theo cô Nguyễn Thu Huyền, trong trường hợp không thể thực hiện được lời hứa vì lý do chính đáng nào đó, cha mẹ nên thành thật nhận lỗi với con ngay. Đừng nghĩ rằng hành động này sẽ hạ thấp uy tín trong mắt trẻ. Trái lại, bằng việc trò chuyện thân mật và giải thích cho con hiểu, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự cảm thông chân thành.
Bên cạnh đó, người lớn có thể chọn lựa một phần quà khác thay thế hoặc một thời điểm khác để thực hiện lời hứa ban đầu. Làm như vậy trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng, thương yêu và tin tưởng vào cha mẹ nhiều hơn. Đồng thời trẻ học được cách xử lý tình huống khi nói và thực hiện lời hứa với người khác.
Con thất hứa lần đầu, cha mẹ có thể tha thứ nhưng không quên khẳng định với con: "Bố mẹ chỉ bỏ qua cho con lần này thôi nhé, Bố mẹ sẽ phạt nặng con nếu như con còn hứa suông như thế nữa". Bằng sự nghiêm túc này, trẻ sẽ có cơ hội để sửa sai.
Cô Huyền chia sẻ, có những đứa trẻ khi có chuyện gì đó xảy ra, rất dễ dàng đưa ra lời hứa, kiểu như sẽ không thể tiếp tục bị điểm xấu, sẽ giúp mẹ làm việc nhà..., miễn sao để đạt được điều chúng muốn vào lúc đó. Nhưng sau đó chúng lại không thực hiện lời hứa. Hơn nữa, chuyện đó lặp lại nhiều lần.
Trong đa số trường hợp, nếu lời hứa không phải do người lớn "ép", thì đó không phải là những lời hứa trống rỗng, mà phản ánh ý chí, ước muốn của trẻ muốn hành động như vậy. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan khác nhau, ví dụ, do yêu cầu đặt ra quá cao, trẻ không giữ được lời hứa.
"Giả sử, con bạn hứa sẽ không để bị điểm kém nữa. Nhưng bạn hiểu rằng với những vấn đề hiện đang gặp phải, con không đủ khả năng thực hiện lời hứa của mình, dù muốn đến mức nào. Ở đây, điểm quan trọng là cha mẹ không nên quá chú tâm đến những lời hứa như thế, mà cần tế nhị đưa con trở lại "mặt đất".
Hãy giúp con nhìn nhận một cách thực tế để nó đưa ra những quyết định vừa sức nhằm thực hiện được dự định đúng thời hạn đã hứa và chuyển dự định thành kế hoạch hành động", cô Huyền chia sẻ.
Cũng theo cô Nguyễn Thu Huyền, trẻ nhỏ hoàn toàn có thể quên lời hứa của mình. Chúng có thể hứa những việc mà không muốn thực hiện lắm. Ở đây điều quan trọng nhất là cần cho trẻ hiểu rằng việc hứa và thực hiện lời hứa là dấu hiệu của tính tự chủ, sự trưởng thành. Con bạn càng hiểu sớm điều đó, càng tốt đối với bản thân trẻ.
Và điều chú ý nhất, trẻ cần sự giúp đỡ không chỉ khi chúng hứa, mà còn khi thực hiện lời hứa. Ví dụ, hãy giúp con hoạch định thời gian, nếu ngày mai đó cần đi ra cửa hàng và chuẩn bị đến nhà bạn chơi. Hãy đặt ra thời hạn dài hơn để con bạn sửa chữa những điểm kém của mình, và không chỉ định ra thời hạn, mà còn lập ra kế hoạch để con cải thiện thành tích học tập.
"Dạy con giữ lời hứa, có nghĩa là bố mẹ đã dạy trẻ biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình đúng với những gì chúng đã nói hay đã hứa. Giữ lời hứa với con trẻ chính là dạy con cách ứng xử và hành động phù hợp với lời nói và việc làm, giáo dục trẻ thái độ sống và hình thành nhân cách tốt của trẻ", cô Huyền nhấn mạnh.
Theo Afamily.vn
Theo Giáo dục và thời đại