Nhiễm khuẩn tai - mũi - họng là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp và các biến chứng như viêm phổi, viêm tim, viêm não, suy hô hấp...
Nhiễm trùng tai - mũi - họng phổ biến ở đối tượng trẻ em và thường xuyên tái phát nhiều lần.
Bác sĩ Chuyên khoa II (BS.CKII) Lâm Hoàng Yến, khoa Tai - mũi - họng, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Tai, mũi và họng là những cơ quan có cấu trúc và cơ chế hoạt động phức tạp và có liên quan đến nhau.
Do vị trí cửa ngõ của đường hô hấp, tai - mũi - họng là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với không khí và thức ăn hàng ngày, đồng thời với cả các tác nhân gây bệnh như khói bụi, vi khuẩn, virus... Các bệnh nhiễm khuẩn tai - mũi - họng phổ biến thường gặp như viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm mũi xoang...
Nhiễm trùng tai - mũi - họng phổ biến ở đối tượng trẻ em và thường xuyên tái phát nhiều lần. Nếu không được điều trị dứt điểm, chúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cầu thận, viêm màng não, viêm xương chũm, biến chứng nội sọ...
Về nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn tai - mũi - họng cao ở trẻ, theo BS.CKII Lâm Hoàng Yến là do những khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch: Theo các nghiên cứu, trẻ em trong độ tuổi dưới 12 tuổi có nguy cơ cao nhiễm trùng do sự chưa hoàn thiện hệ thống miễn dịch. Các khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch có liên quan đến viêm đường hô hấp thường xuyên. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ môi trường bên ngoài như không khí ô nhiễm, khí hậu thay đổi cộng thêm những tổn thương do Covid-19 làm suy giảm chức năng hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng tai - mũi - họng.
Theo BS.CKII Lâm Hoàng Yến, biện pháp điều trị nhiễm khuẩn tai - mũi - họng phổ biến là điều trị triệu chứng và sử dụng kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Đối với những nguyên nhân là virus thì việc lựa chọn điều trị bằng kháng sinh hoàn toàn không có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sử kháng sinh không cần thiết (lạm dụng quá mức) và lựa chọn điều trị kém khá phổ biến, lạm dụng liều lượng và/hoặc thời gian đều góp phần tạo sự đề kháng của vi khuẩn, gây độc tính có thể tránh được và tăng chi phí điều trị.
Đối với các bệnh lý nhiễm khuẩn tai - mũi - họng, nguyên nhân chủ yếu có thể là virus. Nếu viêm đường hô hấp do nguyên nhân là virus thì có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vaccine cúm hàng năm để phòng ngừa. Đối với nguyên nhân là vi khuẩn hiện nay mới chỉ có phế cầu là có vaccine đặc hiệu, đây cũng là loại vi khuẩn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Vaccine có vai trò quan trọng phòng ngừa nhiễm khuẩn tai - mũi - họng ở trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại vi khuẩn gây bệnh tai - mũi - họng mà chưa có vaccine đặc hiệu như Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogene. Đối với những chủng vi khuẩn này, ly giải vi khuẩn sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể nâng cao khả năng phòng thủ.
Cùng với ly giải vi khuẩn, vitamin C cũng được biết đến với tác dụng kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch. Một thử nghiệm liên quan đến việc bổ sung vitamin C đã được thực hiện trên đối tượng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (viêm phế quản và viêm phế quản phổi).
Việc bổ sung vitamin C đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể bạch cầu ngay cả khi có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Những bệnh nhân được bổ sung vitamin tốt hơn đáng kể so với những bệnh nhân dùng giả dược. Bổ sung ly giải vi khuẩn và vitamin C được cho là có tác dụng hiệp đồng đem lại lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp hiệu quả.
Theo Afamily.vn
Theo Đại đoàn kết