Sởi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, virus sởi là loại virus có tỷ lệ lây nhiễm rất cao và độc lực rất mạnh. Không chỉ trẻ em, ngay cả những người lớn chưa có miễn dịch với căn bệnh này cũng có thể mắc bệnh.
Theo các chuyên gia về truyền nhiễm, sởi là căn bệnh đã có vaccine. Tuy nhiên kể cả tiêm đúng, tiêm đủ thì khả năng bảo vệ của vaccine cũng chỉ đạt khoảng 90% đến 95 %. Như vậy, mỗi năm có khoảng 5% đến 10% trẻ không có miễn dịch. Cộng dồn lại sẽ thành một nhóm trẻ không có khả năng bảo vệ, ngoài nguy cơ mắc bệnh thì còn là nguy cơ mang mầm bệnh có thể lây lan cho những trẻ khác. Đó là lý do dịch sởi có chu kỳ 4-5 năm bùng phát một lần. Năm 2014 và năm 2019, nước ta cũng ghi nhận vụ dịch sởi trên quy mô lớn với rất nhiều trẻ mắc. Năm nay là năm Việt Nam rơi vào đúng chu kỳ có nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch sởi xảy ra do lỗ hổng miễn dịch. Thời gian qua, do dịch Covid-19 cộng với tình trạng thiếu vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi. Hiện các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, dịch sởi rất dễ xâm nhập vào Việt Nam. Cộng với miễn dịch của cộng đồng không hoàn hảo thì dịch bệnh rất có khả năng bùng lại.
TS - BS Vũ Quốc Đạt - Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, cùng với sự bùng phát dịch sởi ở nhiều quốc gia, sự suy giảm miễn dịch trong cộng đồng do tỉ lệ trẻ không được tiêm vaccine sởi đầy đủ thì còn một yếu tố nguy cơ nữa khiến dịch sởi dễ lây lan trên diện rộng, đó là mật đô dân cư đông đúc tại các thành phố lớn.
"Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp. Khi tần suất tiếp xúc gần giữa mọi người xảy ra thường xuyên thì nguy cơ lây nhiễm có thể diễn ra một cách dễ dàng hơn và làm cho dịch sởi có thể bùng phát. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, đâu đó tồn tại xu hướng bài vaccine. Điều đó làm cho nhiều trẻ trong cộng đồng không được tiêm vaccine sởi đầy đủ và nó cũng góp phần vào việc bùng phát dịch sởi", BS Vũ Quốc Đạt nói.
Theo BS Trương Hữu Khanh, dịch sởi thường xảy ra trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1 đến tháng 6. Đặc biệt, từ tháng 4 - 6 là giai đoạn số ca nhiễm sởi có xu hướng gia tăng mạnh. Những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh (đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi) hoặc chưa tiêm đầy đủ (trẻ dưới 12 tháng tuổi) là nhóm có nguy cơ cao mắc sởi. Nếu không kiểm soát được, dịch bệnh lan tràn khiến hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải. Nhiều trẻ mắc sẽ khiến tỷ lệ trẻ bị biến chứng nặng tăng cao và dễ dẫn đến tử vong.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 42 ca mắc sởi và nghi sởi tại 13 tỉnh thành
Virus sởi lây lan rất nhanh, độc lực cao
TS - BS Vũ Quốc Đạt cho biết, sởi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi virus sởi là loại virus có tỉ lệ lây nhiễm rất cao (cao gấp 6-8 lần so với SARSCoV-2) và độc lực rất mạnh. Không chỉ trẻ em, ngay cả những người lớn chưa có miễn dịch với căn bệnh này cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh sởi gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, đồng thời có thể khiến bệnh nhi bội nhiễm vi khuẩn. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp tới tiên lượng nặng của trẻ và có khả năng gây ra tử vong.
Ngoài ra, sởi còn có thể dẫn đến biến chứng viêm não khiến trẻ xuất hiện tình trạng co giật; biến chứng ở đường tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.Về lâu dài, trẻ mắc sởi có thể dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch và tại các quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao thì trẻ dễ mắc bệnh lao hơn.
Trẻ có bệnh lý nền mạn tính, trẻ béo phì, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sinh ra từ bà mẹ chưa tiêm phòng vaccine sởi, trẻ đang dùng corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch là những trường hợp có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi nhiễm sởi.
BS Vũ Quốc Đạt hướng dẫn, khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà, nếu trẻ bị sốt cao, các bậc cha mẹ nên chú ý bổ sung đủ nước cho bé bằng đường uống. Bởi thiếu nước làm cho trẻ rơi vào tình trạng li bì và bệnh diễn biến nặng hơn.
Đặc biệt các bậc cha mẹ nên chú ý theo dõi, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao, tức ngực, khó thở, thờ khò khè, rối loạn về tri giác, rối loạn về tiêu hóa thì nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
BS Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh, bệnh sởi thường gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch tạm thời. Do đó, trẻ mắc sởi rất dễ bị bội nhiễm các loại vi khuẩn dẫn đến các bệnh lý nhiễm trùng như viêm răng lợi, viêm giác mạc, viêm phổi... Do đó, hàng ngày cần chú ý vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, mắt... cho trẻ thật tốt.
Theo quan niệm dân gian, trẻ mắc sởi cần kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt, việc người xưa quan niệm kiêng gió là để hạn chế đưa trẻ ra nơi đông người hoặc khu vực dễ phát tán mầm bệnh. Còn lại không cần kiêng nước mà trẻ vẫn phải được tắm rửa, vệ sinh cá nhân bằng nguồn nước sạch để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Phòng bệnh sởi bằng cách nào?
Thời gian qua, do dịch Covid-19 và đứt gãy nguồn cung vaccine nên nhiều trẻ chưa được tiêm phòng sởi. BS Trương Hữu Khanh cho biết, điều quan trọng hiện nay là cần rà soát lại số trẻ chưa được tiêm phòng, nhất là ở những khu vực không có vaccine dịch vụ để tổ chức tiêm bù ngay cho trẻ, tránh dịch bệnh bùng phát.
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, BS Vũ Quốc Đạt cũng khuyến cáo: "Việc trễ lịch tiêm không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Cho nên các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm đưa trẻ tới các cơ sở y tế, các trung tâm tiêm chủng để được tiêm một cách sớm nhất. Nếu chúng ta trì hoãn hoặc là để lỡ các mũi tiêm vaccine sởi cho trẻ sẽ làm cho trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Chúng ta lưu ý rằng, tiêm vaccine không có nghĩa là vaccine có hiệu lực ngay mà cần phải có thời gian, tối thiểu 1 tháng mới có khả năng sinh ra các kháng thể cần thiết để phòng bệnh. Ở thời điểm này, cho dù tiêm bù ngay cho trẻ thì chúng ta cũng phải lưu ý thận trọng theo dõi trẻ. Bởi vì các bé sẽ vẫn có nguy cơ mắc bệnh cho tới khi có được miễn dịch hoàn toàn đối với bệnh sởi", BS Vũ Quốc Đạt lưu ý.
Đối với những trường hợp trẻ chưa đủ tháng tuổi để tiêm vaccine sởi hoặc trẻ chưa tiêm đủ mũi, trẻ mới được tiêm, chưa đủ thời gian để sinh kháng thể miễn dịch, các bậc cha mẹ lưu ý phòng bệnh cho bé bằng những biện pháp sau:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Nếu trong các khu vực nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trong gia đình có bệnh nhân sởi thì cần phải cách ly không cho trẻ tiếp xúc ở trong khoảng cách gần để cho trẻ không bị mắc bệnh.
- Khi phát hiện trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên đưa trẻ đi học, cần cách ly ngay với các trẻ khác và người già, người đang bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai... Người chăm sóc trẻ nên đeo khẩu trang, đồng thời nên khuyến khích bệnh nhi đeo khẩu trang để hạn chế nguy cơ lây lan.
- Tăng cường ý thức cho trẻ trong việc vệ sinh bàn tay. Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng các dung dịch sát khuẩn tay. Người lớn trong gia đình cũng cần chú ý đến việc vệ sinh bàn tay trong các hoạt động thường ngày cũng như khi chăm sóc trẻ.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên lưu ý tiêm vaccine phòng sởi. Việc tiêm chủng trước khi mang thai sẽ giúp cho cơ thể của mẹ sản sinh ra các kháng thể giúp bảo vệ em bé ít nhất 6 tháng sau khi chào đời.
Theo Afamily.vn
Theo VOV