Mùa xuân, thời tiết lạnh và ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, khiến trẻ nhỏ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, sởi, tay chân miệng... Khuyến cáo của các chuyên gia y tế cách phòng ngừa các căn bệnh này.
Thời gian qua, rất nhiều trẻ đã bị mắc cúm, thậm chí có trường hợp bị biến chứng dẫn đến viêm phổi nặng, bị suy hô hấp, phải nhập viện điều trị. Ngoài bệnh cúm, thì mùa xuân là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, thủy đậu, ho gà...
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh và nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho người. Các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, sởi, tay chân miệng... rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên rất dễ bùng phát thành dịch bệnh. Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thể trạng non yếu nên trẻ nhỏ là nhóm có nguy cơ cao mắc các căn bệnh này.
Để chủ động phòng tránh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa xuân như sởi, quai bị, rubella, ho gà, cúm, thủy đậu... biện pháp đầu tiên được các chuyên gia y tế khuyến cáo là cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Riêng đối với vaccine cúm, trẻ cần được tiêm nhắc lại hàng năm. Hiện nay, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được cung cấp đầy đủ đến các tỉnh thành, do đó những trẻ chưa được tiêm hoặc đã bỏ lỡ các mũi vaccine trong thời gian qua sẽ được tiêm bù để tạo miễn dịch phòng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Tiêm chủng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên tắc chung là khi trẻ bị muộn lịch tiêm thì cần tiếp tục tiêm ngay khi trẻ có thể quay lại nơi tiêm chủng. Nếu bị trễ lịch tiêm chủng, trẻ cũng không cần phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine, nếu trẻ vẫn còn trong độ tuổi chỉ định tiêm.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh
Cùng với tiêm vaccine tạo miễn dịch chủ động, đối với các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, Covid-19, nhiễm virus hợp bào hô hấp, tay chân miệng , tiêu chảy, các bậc cha mẹ nên lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng không đặc hiệu khác nhằm bảo vệ trẻ tránh khỏi tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, khi đang có các dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp, các bậc cha mẹ nên tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Khi đến nơi công cộng hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông cần đeo khẩu trang cho các bé và thường xuyên sát khuẩn tay, tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn.
Vào mùa đông - xuân, số trường hợp mắc tiêu chảy do virus Rota xuất hiện nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, tiêu chảy do virus Rota khác với tiêu chảy thông thường ở chỗ trẻ nôn và tiêu chảy liên tục, dễ dẫn đến tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, trụy tim mạch, sốc và tử vong. Căn bệnh này có thể phòng ngừa bằng vaccine đường uống. Tuy nhiên cần cho trẻ uống vaccine trước 6 tháng tuổi thì mới có tác dụng. Vì vậy, theo BS Nguyễn Tiến Dũng, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân. "Cha mẹ và người chăm sóc trẻ luôn luôn phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo an toàn, phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ; quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ chứa đựng thức ăn cho trẻ cũng cần phải sạch sẽ, kể cả cái cốc uống nước cũng phải rửa sạch. Chỉ cần đảm bảo hai yếu tố đó là đã giảm phần lớn nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cho trẻ" - BS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Năm ngoái, dịch tay chân miệng đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành với gần 181.000 ca mắc, 31 trường hợp tử vong... Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là do virus EV 71 và virus Coxasackie. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, đa số các trường hợp mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Nhưng nếu bệnh do virus EV71 gây ra thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa. Để hạn chế nguy cơ trẻ bị mắc căn bệnh này, các gia đình cần đảm bảo vệ sinh nhà cửa và vệ sinh bàn tay sạch sẽ. "Đã có nghiên cứu cho thấy, 50 - 60% số người lớn chăm sóc trẻ bệnh có mang virus trên bàn tay. Nếu lại chăm sóc trẻ khác thì sẽ lây bệnh cho trẻ khác. Nếu như chúng ta rửa tay thật sạch thì không mang virus đi đâu được nữa. Virus gây bệnh tay chân miệng tồn tại khá lâu trong môi trường nhưng không lây qua đường không khí, do đó vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ sạch sẽ cũng rất quan trọng trong việc phòng bệnh." - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp hướng dẫn.
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường. Nước ta vẫn tiếp tục có nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều dịch bệnh khác nhau. Do đó, việc phòng bệnh từ sớm từ xa đối với cộng đồng nói chung và nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em nói riêng rất cần được quan tâm, chú trọng.
Theo Afamily.vn
Theo VOV