Xã hội
   Bữa ăn học đường: Giáo dục nhân cách qua mỗi bữa ăn
 

 

GD&TĐ - Theo chuyên gia, cần có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường...


Bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: INT


Theo NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), cần có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường.

 

Không "đồng phục" bữa ăn học đường


- Phó Giáo sư nhìn nhận như thế nào về bữa ăn học đường trong các cơ sở giáo dục?

 

- Theo tôi, không nên coi bữa ăn học đường là phục vụ học sinh no bụng. Bữa ăn học đường là nhiệm vụ của giáo dục ở cấp học mầm non và phổ thông, nhất là các nhà trường có tổ chức ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Đây không chỉ là vấn đề tăng cường dinh dưỡng, phát triển thể, trí lực, tầm vóc học sinh, mà còn mang nhiều ý nghĩa. Thông qua bữa ăn học đường, các em hiểu hơn về ẩm thực quê hương, mối quan hệ giữa mình với người xung quanh, thầy, cô giáo và những người phục vụ bữa ăn học đường.

 

Muốn vậy, nhà trường cần giáo dục học sinh về văn hóa ẩm thực, cách thức ăn uống sao cho lịch sự, văn minh và biết tự phục vụ, hỗ trợ người khác. Thông qua bữa ăn học đường, giáo dục học sinh nhớ về công lao người lao động để các em có bữa ăn hạnh phúc ở trường. Đó cũng là giáo dục học sinh đạo lý "uống nước nhớ nguồn/ ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

 

Vì thế, trong mỗi bữa ăn học đường, nhà trường không chỉ chú ý tới chất lượng mà cần giáo dục, giúp học sinh hình thành phẩm chất, nhân cách tốt của một công dân trong tương lai. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi trường, địa phương để tổ chức bữa ăn học đường phù hợp. Không thể "đồng phục" bữa ăn học đường trên toàn quốc, tỉnh, thành phố.

 

Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn học đường. Ở đây, cần nói đến trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường, sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm bữa ăn học đường tốt cho học sinh, phát triển dinh dưỡng, thể lực, trí lực và tính cách.

 

- Theo quan sát của PGS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt bữa ăn học đường hay chưa?

 

- Thực tế cho thấy, trường nào có thầy, cô giáo, ban giám hiệu tâm huyết, vô tư thì chất lượng bữa ăn đảm bảo, học sinh được thụ hưởng quyền lợi. Hiện, các cơ sở giáo dục có nhiều cách vận dụng bữa ăn học đường. Có trường xây dựng bếp ăn với đội ngũ cấp dưỡng, đầu bếp để phục vụ nấu ăn cho học sinh. Cũng có trường đặt hàng với công ty để cung cấp suất ăn cho học sinh.

 

Phương thức nào cũng có ưu, nhược điểm. Chẳng hạn, việc nấu ăn tại bếp nhà trường, cơ sở giáo dục chủ động hơn trong quản lý, chế độ thực đơn, thu - chi và vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhược điểm là, nếu không công tâm, không vì học trò, dễ phát sinh tiêu cực, bớt xén, "rút ruột" bữa ăn học đường.

 

Nếu đặt hàng với công ty bên ngoài thì khó quản lý an toàn thực phẩm, nhất là vấn đề nguồn gốc; thực đơn khó đảm bảo với đặc điểm lứa tuổi học sinh và trẻ mầm non. Ngoài ra, nếu nhà trường không công tâm dễ có hiện tượng "móc ngoặc" với công ty nhằm "thổi giá" bữa ăn để được trích phần trăm "hoa hồng" hoặc thực đơn không tương xứng số tiền phụ huynh đóng góp.

 

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: NVCC


Chú trọng khâu quản lý, kiểm tra, giám sát


- Vậy theo PGS, cần có giải pháp tổng thể nào để bữa ăn học đường thực sự ý nghĩa?

 

- Lâu nay, bữa ăn học đường chủ yếu mang tính tự phát trong cơ sở giáo dục, phụ huynh cam kết tự nguyện đóng góp với nhà trường để phục vụ bữa ăn cho học sinh. Đâu đó, hiệu trưởng vẫn toàn quyền quyết định, việc kiểm tra giám sát chưa thể triệt để.

 

Hiện, chưa có hội thảo khoa học nào về bữa ăn học đường với sự tham gia của nhiều ngành và chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo tôi, các nhà quản lý liên quan đến ngành Giáo dục, Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính... cần tổ chức hội thảo để thấy được trách nhiệm từng ngành đối với bữa ăn học đường; từ đó đưa ra giải pháp tối ưu và phù hợp nhất.

 

Ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, phát triển, phụ huynh khá giả sẵn sàng đóng góp để học sinh có bữa ăn tươm tất, chất lượng. Tuy nhiên, vùng nông thôn, miền núi khó khăn nên bữa ăn học đường chưa đảm bảo về chế độ dinh dưỡng. Theo đó, các em thiệt thòi hơn so với thành thị. Vì thế, lý tưởng nhất là được Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ một phần vào bữa ăn học đường cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông; trong đó cần quan tâm, ưu tiên trẻ em và học sinh vùng nông thôn, miền núi...

 

- Với khâu quản lý về an toàn thực phẩm, PGS có đề xuất giải pháp gì?

 

- Ngoài trách nhiệm của hiệu trưởng, cần nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học. Theo đó, họ có trách nhiệm kiểm tra chế độ thực đơn; từ vệ sinh thực phẩm trước khi chế biến đến khi nấu chín và phân phối đến học trò. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của người được phân công công việc cấp dưỡng.

 

Hiệu trưởng cần tập trung sâu sát vào công tác quản lý quá trình làm bữa ăn như thế nào, có đảm bảo an toàn hay không để kịp thời chấn chỉnh. Mỗi bữa ăn phải lưu lại mẫu để kiểm định chất lượng. Một số vụ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, một phần do khâu quản lý chưa tốt.

 

- Còn về công tác kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường thì sao, thưa PGS?

 

- Hiện có những văn bản liên quan đến bữa ăn học đường, từ chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, định lượng, thậm chí có cả thực đơn mẫu... Tôi được biết, Bộ GD&ĐT phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội làm nghiên cứu về bữa ăn học đường. Nghiên cứu đưa ra 120 mẫu thực đơn theo từng lứa tuổi và chọn lọc theo đối tượng, hoàn cảnh. Tuy nhiên, việc này không dễ làm.

 

Tôi nhấn mạnh, phải siết chặt hơn nữa khâu kiểm soát an toàn thực phẩm. Các đơn vị như: Y tế, giáo dục phải để ý khâu này, song quan trọng nhất là người làm trực tiếp tại cơ sở giáo dục; trong đó có vai trò của hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên y tế học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp và những người liên quan.

 

Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc sai phạm liên quan đến bữa ăn học đường, cần có hình thức kỷ luật thích đáng. Nhẹ nhất là khiển trách, nhắc nhở, nặng hơn phải áp dụng theo các chế tài của pháp luật, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu cần.

 

- Xin cảm ơn NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh!

 

Cần nhấn mạnh vai trò của phụ huynh. Theo đó, phụ huynh được quyền giám sát bữa ăn học đường. Muốn vậy, nhà trường phải công khai thực đơn hằng ngày. Đặc biệt, cần nêu gương các nhà giáo nỗ lực vì học trò, xử lý nghiêm cá nhân tư lợi từ bữa ăn học đường. - NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh

 

Theo Giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chặng đường mới của đổi mới Giáo dục (5/1)
 Lợi ích từ mối quan hệ tích cực giữa thầy và trò (25/12)
 Lo lắng chất lượng ATTP của hàng quán rong "bủa vây" khu vực trường học (21/12)
 Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho trẻ (21/12)
 Giáo viên mầm non cần có độ tuổi nghỉ hưu riêng? (12/12)
 Cần có chính sách hợp lí để tôn vinh phụ nữ và nữ nhà giáo (20/10)
 5 bệnh thường gặp ở trẻ khi thời tiết chuyển lạnh (18/10)
 Hà Nội thiếu 49 trường mầm non và THPT (18/10)
 Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về quy hoạch cơ sở giáo dục cho người khuyết tật (16/10)
 Hà Tĩnh: 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 (16/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i