Trẻ sơ sinh lớn lên bằng bài tiết nên cần được tắm hằng ngày, trừ những ngày nhiệt độ dưới 10℃ mà trong nhà không đảm bảo đủ nhiệt độ phòng 28℃.
Lo lắng con sẽ bị lạnh nên từ khi hai mẹ con từ bệnh viện về, chị Nguyễn Hồng Nhung ở phố Đỗ Đức Dục, Hà Nội hạn chế tắm cho bé. Một tháng sau, nhất là khi tóc mọc ngày càng dài và dày hơn khiến vùng da đầu của bé bị bong tróc, xuất hiện những lớp vảy khô. Đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da dầu.
"Sợ con lạnh thì một tuần tắm cho bé 2 lần. Khi con có mảng da bong tróc trên đầu như thế, bác sĩ cho thuốc bôi và tắm dần dần sẽ hết. Tôi đọc báo, thông tin trên mạng thì thấy rằng nên làm vệ sinh cho con còn cố cạy thì con sẽ bị đau và nhiễm trùng nguy hiểm đến sức khỏe của con, cũng may là thời gian sau thì hết" - chị Nhung kể.
Theo chị Ngô Hà Liên - Điều dưỡng trưởng khối Sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trẻ sơ sinh lớn lên bằng bài tiết nên cần được tắm hằng ngày, trừ trường hợp nhiệt độ ngoài trời dưới 10℃ và trong nhà không đảm bảo đủ nhiệt độ phòng 28℃ thì mới phải lau người cho em bé.
Có nên tắm thường xuyên cho trẻ sơ sinh vào mùa lạnh?
Quy trình tắm thì cha mẹ nên cho bé tắm từ đầu đến chân: Vì dây thần kinh ở đầu rất dễ gây mất nhiệt nên trẻ cần được gội đầu trước, lau khô đầu thật nhanh và kỹ, sau đó mới tắm đến thân trẻ. Nước tắm phù hợp với trẻ sơ sinh là 37-38℃.
"Khi đưa em bé từ dưới nước lên thì ít nhất đảm bảo nhiệt độ môi trường là 28℃. Tốt nhất là tắm cho em bé gần giường để tiện mặc ấm cho em bé luôn. Còn nếu tắm trong nhà tắm, gần phòng ngủ thì nên có một người phụ trợ với mình để làm sao vừa nhanh vừa không lóng ngóng mà rơi bé, mặc quần áo kịp thời mà không làm cho em bé bị mất nhiệt" - chị Ngô Hà Liên hướng dẫn.
Nếu thời tiết mùa hè có nhiều ánh nắng sớm hơn thì nên tắm nắng cho trẻ trước 8h00 sáng nhưng mùa lạnh thì có thể kéo dài đến 9h00 sáng. Vào buổi chiều mùa hè, có thể tắm nắng cho trẻ sau 16h00 vì lúc đó tia bức xạ thấp, không gây tổn thương da và tăng cường trao đổi chất của cơ thể nhưng mùa lạnh thì không nên tắm nắng cho trẻ vào giờ này nữa.
Việc đóng bỉm cho trẻ sơ sinh đã trở thành thói quen của nhiều gia đình. Chị Ngô Hà Liên khuyên cha mẹ nên chọn loại bỉm không để lại đường cắt thừa trên bỉm bởi chi tiết thừa có thể làm em bé bị kích ứng, đỏ da, xước da. Đôi khi mật độ bông của bỉm vón cục gây trào, khó chịu cho em bé, em bé khóc mà nhiều mẹ nghĩ là khóc dạ đề.
Nếu dùng bỉm hằng ngày cho bé thì các mẹ nên giữ khô và dùng kem chống hăm. Nhưng kem hăm thì có nhược điểm là nếu các mẹ không lau sạch, làm khô da của em bé thì kem hăm sẽ khiến nước còn đọng trên da của em bé, không thoát ra ngoài được. Do vậy, để kem hăm phát huy tác dụng thì trước khi bôi kem, cha mẹ nên lau thật khô da cho bé.
Theo Afamily.vn
Theo VOV