Trước khi trẻ bước vào lớp Một, cha mẹ phải dạy con cách hòa hợp với bạn bè cũng như lựa chọn mối quan hệ đúng đắn.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, chuyên gia tâm lý tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc cho rằng nếu muốn con trở thành người tốt bụng, trung thực và dũng cảm cũng như có các mối quan hệ bạn bè tốt, trẻ em cần được dạy 8 điều sau trước khi bước vào lớp 1.
Ảnh minh họa: Homeroomedu
Không mù quáng làm hài lòng người khác
Một số trẻ luôn tỏ ra kiêu ngạo với người khác nhưng bản chất đó là những đứa trẻ thích khoe khoang và thích vị trí đứng đầu. Nếu con bạn cố gắng làm hài lòng những đứa trẻ này, chúng dễ bị đối phương kiểm soát và điều khiển.
Một mối quan hệ được coi là tốt đẹp khi cả hai bên cùng nhau xây dựng và duy trì, thay vì một bên luôn cố gắng làm hài lòng bên còn lại. Nên dạy trẻ không được tự tiện cho đồ đạc của mình chỉ để làm hài lòng bạn khác. Theo thời gian, đứa trẻ kia sẽ nghĩ rằng con bạn dễ bắt nạt, khi ngừng phục tùng chắc chắn trẻ bị ghét bỏ và cô lập.
Dám nói "Không" đúng lúc
Một trong những phương pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lợi dụng, bắt nạt hay lạm dụng tình dục là dạy trẻ biết nói "không". Khả năng này bao gồm hiểu được nhu cầu, trân trọng bản thân, biết cách từ chối làm những điều không muốn. Từ đó, trẻ có thể tự bảo vệ thân thể và quyền lợi của mình.
Không trung thành với bạn xấu
Cần chỉ cho trẻ những ví dụ về bạn tốt và bạn xấu quanh mình. Bạn xấu là những người đã có một số hành vi không tốt như trộm cắp, đánh nhau, lừa đảo. Không chỉ dạy trẻ cách né bạn xấu, mà trong trường hợp trẻ thân quen với người bạn như vậy, nhất quyết không được mù quáng bảo vệ họ.
Nên nói rõ với trẻ, khi tỏ ra trung thành với bạn xấu, trẻ sẽ trở thành đồng phạm. Một khi sự việc bị vạch trần, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Khi bị cô lập, tốt nhất hãy là chính mình
Một số trẻ sẽ hỏi "Tại sao mọi người không thích con?". Cha mẹ có thể nói "Mỗi người đều có những giá trị khác nhau và thích những thứ khác nhau. Ngay cả những người thích con một ngày nào đó có thể cũng sẽ thích người khác".
Cuộc sống là sự hợp và tan, thích hay không là sự lựa chọn của mỗi người. Điều trẻ phải làm là học tập chăm chỉ và là chính mình để gây ấn tượng tốt với mọi người. Nên giải thích rõ cho trẻ, việc một người tốt bị cô lập không phải điều xấu bởi trong tương lai chắc chắn trẻ sẽ gặp được những người có chung mục tiêu và đây cũng là nguyên tắc "Vật họp theo loài, người phân theo nhóm".
Mượn tiền phải trả lại ngay
Trong trường hợp khẩn cấp, các bạn cùng lớp có thể sẽ vay tiền nhau. Nhưng đừng đợi đến khi phụ huynh của người bạn đó đến nhà đòi nợ, việc này sẽ rất xấu hổ.
Nên dạy trẻ, sự chính trực là nền tảng của cuộc đời mỗi người và cần được ghi nhớ. Không mượn đồ đạc, thức ăn hay tiền bạc của bạn trừ khi thực sự cần thiết. Một khi đã mượn phải trả lại. Đã hứa với người khác điều gì thì phải hoàn thành đúng điều đó vào thời điểm hai bên đã thỏa thuận.
Biết giữ mình
Trẻ càng lớn, sự tương tác với bạn bè càng thường xuyên và thân thiết hơn. Lúc này, việc tham gia các buổi tiệc sinh nhật, dã ngoại, đi chơi nhóm là hiển nhiên để tạo vòng tròn kết nối bạn bè.
Bởi vậy, cha mẹ nên dạy trẻ cách loại trừ những thói quen xấu có thể học theo bạn bè mà làm hại cơ thể hay sức khỏe chính mình. Ví dụ hút thuốc, đua xe, uống rượu. Đặc biệt phải cảnh giác với những người có ý đồ xấu, dùng hành vi lừa dối để gây tổn hại đến cơ thể trẻ. Ví dụ nếu được mời đồ uống lạ, phải biết cách từ chối vì rất có thể bị mê sảng sau khi uống nó. Ngay cả khi trẻ đến tuổi thích bạn khác giới, nên dạy trẻ cách giữ gìn để tránh bị xâm hại.
Nếu đến nơi không thoải mái, hãy rời đi lập tức
Nhiều trẻ vì muốn mở rộng hoặc giữ gìn mối quan hệ bạn bè mà tham gia vào các hoạt động dù bản thân chúng không thích hoặc bị ép làm.
Cha mẹ nên nói với con, nếu trẻ đang ở trong những mối quan hệ không thoải mái, cần thoát ra ngay lập tức. Nếu cố ép mình, bản thân trẻ sẽ không thấy vui vẻ, hạnh phúc, thậm chí còn bị người xung quanh cười nhạo.
Những chuyện xấu, cần nói với bố mẹ càng sớm càng tốt
Đứa trẻ nào cũng có bí mật riêng và phụ huynh cần tôn trọng chúng. Tuy nhiên sẽ có những bí mật mà nếu trẻ cố bảo vệ, thì đó là sự che giấu có chủ ý. Ví dụ, người bạn của trẻ ăn trộm một thứ gì đó để mua món đồ ưa thích. Vì là bạn bè, nên cả hai thống nhất với nhau không nói việc này cho ai biết. Trẻ cố giữ bí mật này vì cho rằng như thế mới là tình bạn tốt.
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn, cha mẹ cần hướng dẫn con khi phát hiện những chuyện xấu hoặc mờ ám, nên báo lại cho bố mẹ và thầy cô càng sớm càng tốt. Nếu trẻ không lên tiếng, người lớn sẽ không thể phán đoán được mọi việc là tốt hay xấu và không biết được điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Nguồn: https://vnexpress.net/8-dieu-cha-me-phai-day-con-truoc-6-tuoi-4696048.html