Nhiều bố mẹ cho rằng trẻ em giống như tờ giấy trắng, vẽ sai một nét có thể hỏng một đời.
Sau nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về nuôi dạy con cái, giáo sư Steven Pinker tại Đại học Harvard, Mỹ nhận ra, hầu hết cha mẹ đều tin rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra giống như một tờ giấy trắng. Bức tranh cuối cùng được tạo ra chính là tác phẩm của người lớn.
Từ suy nghĩ này, nhiều cha mẹ cảm thấy áp lực vì cho rằng nếu tô vẽ không tốt có thể làm hỏng cả bức tranh. Thêm vào đó, họ sẽ bối rối bởi thực tế con cái không lớn lên theo cách mình muốn hay theo cách mình "vẽ".
Giáo sư Steven Pinker. Ảnh: nytimes
Theo giáo sư Steven Pinker, so sánh trẻ với tờ giấy trắng là điều rất sai lầm.
Chỉ số IQ của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi gene
Trong một nghiên cứu, giáo sư Steven Pinker kết luận gene ảnh hưởng tới chỉ số thông minh (IQ) và sẽ tăng dần theo độ tuổi. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ: gen và môi trường. Nhìn bề ngoài, cả hai độc lập với nhau nhưng thực chất lại có quan hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau.
Do sự khác biệt về gene, những đứa trẻ khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau. Ví dụ, trong hai anh em sinh đôi, người có bản tính sôi nổi sẽ chọn khiêu vũ, còn đứa trẻ sống nội tâm nhưng nhạy cảm với toán học có thể thích làm bài tập ở một nơi yên tĩnh. Khi còn nhỏ, chúng sống chung một nhà (môi trường chung) nên tương quan IQ tương đối ổn định, không nhiều khác biệt. Nhưng khi trưởng thành, chúng sẽ chọn một môi trường phù hợp hơn do một số xu hướng tự nhiên do gene mang lại.
Bởi vậy khi đến với thế giới này, trẻ không phải là một tờ giấy trắng, mà với một cấu hình gene hoàn chỉnh. Càng lớn ảnh hưởng của gene đối với trẻ càng tăng. Từ đó có thể thấy, cha mẹ chỉ là một trong số những ngoại cảnh tác động đến quá trình trưởng thành của con cái.
Gene không chỉ có tác động lớn đến chỉ số IQ của một người mà còn có tác động đến tính cách (khí chất tự nhiên) của họ. Thực tế, những đứa trẻ cùng cha mẹ, cùng sống trong một môi trường nhưng tính khí có thể hoàn toàn khác nhau.
Tính khí bẩm sinh của trẻ
Những năm 1960, hai nhà tâm lý học Alexander Thomas và Stella Keith đã phát hiện, khi phân tích hành vi của trẻ đã bỏ qua một khía cạnh, đó là tính khí bẩm sinh. Có những tính cách quan sát được ở trẻ sơ sinh khi lớn lên vẫn giữ nguyên như ban đầu. Sau một nghiên cứu theo dõi dài hạn trên hàng trăm trẻ em, hai nhà khoa học đã đưa ra 9 khía cạnh liên quan tới tính cách của trẻ.
1. Cách ứng xử.
2. Đồng hồ sinh học.
3. Phản ứng với những điều mới.
4. Khả năng thích nghi với môi trường mới.
5. Sự nhạy cảm.
6. Tâm lý.
7. Động cơ cố gắng.
8. Sự mất tập trung.
9. Sự chú ý.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu di truyền học hành vi, điều này cũng cho phép chúng ta nhìn thấy sức mạnh của gene trực quan hơn.
Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới tính cách của một đứa trẻ: Di truyền, môi trường chia sẻ (cha mẹ hoặc người đồng chăm sóc) và môi trường không chia sẻ (các yếu tố bên ngoài gia đình).
Chuyên gia nhận thấy "môi trường không chia sẻ" đã ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn là "môi trường chia sẻ" (tức môi trường gia đình). Có nghĩa là, đứa trẻ cuối cùng được hình thành một phần do di truyền và một phần bởi những trải nghiệm độc đáo của chính chúng.
Ảnh minh họa: shutter stock
Trẻ em không phải tờ giấy trắng mà là hạt giống
Giáo sư Steven Pinker cho hay, nếu cha mẹ không đồng tình với giả định trẻ sinh ra giống một tờ giấy trắng sẽ thấy sự lo lắng và áp lực nuôi dạy con có thể giải quyết dễ dàng.
Giáo sư Steven Pinker nghĩ đứa trẻ sơ sinh giống như một hạt giống. Những gì cha mẹ cần làm là gieo hạt giống ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên tưới nước, cắt cành tỉa lá. Miễn là những công việc này được thực hiện tốt, hạt giống sẽ phát triển mạnh mẽ.
Là người chăm sóc những hạt mầm, điều cha mẹ cần làm là thấu hiểu con cái và tạo ra môi trường chất lượng, phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ.
"Nếu là cây thủy sinh nên trồng trong nước đừng trồng ngoài ruộng rồi bón phân đắt tiền và khẳng định 'cái này vì lợi ích của trẻ'", giáo sư Steven Pinker nói.
Theo ông, trẻ em không phải tờ giấy trắng, vẽ xong khó xóa được. Vì chúng là hạt giống nên "tỷ lệ chịu lỗi" cao hơn nhiều. Nếu bạn tưới nhiều hay ít hơn 10 ml nước, cắt tỉa nhiều hay ít một hai cành, phơi nắng nhiều hay ít hơn năm phút cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt.
Bởi vậy, coi con cái là "hạt giống" không chỉ giải tỏa được sự vướng bận, lo lắng của cha mẹ mà còn khiến trẻ dễ thở hơn. Nuôi dạy con không chỉ là dạy dỗ mà phải hiểu con mình là người như thế nào. Mỗi đứa trẻ đều có "cấu hình" riêng, nên thuận theo xu hướng và đừng ép buộc.
"Trẻ là một hạt giống, không phải tờ giấy trắng để bố mẹ có thể vẽ bất kỳ điều gì mình thích lên đó", giáo sư Steven Pinker nói.
Nguồn https://vnexpress.net/tre-em-co-phai-la-to-giay-trang-4643410.html