Viêm ruột hoại tử là rối loạn đặc trưng do thiếu máu cục bộ, liên quan đến quá trình viêm, sự xâm nhập của các vi sinh vật sinh hơi trong lòng ruột.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Nguyễn Văn Toản, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Viêm ruột hoại tử là một trong những cấp cứu đường tiêu hóa phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh (nhất là trẻ sinh non). Bệnh có khả năng tiến triển, đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Ở trẻ sinh non, viêm ruột hoại tử thường xảy ra trong vài tuần đầu sau khi sinh. Với bé sinh đủ tháng, bệnh có xu hướng xuất hiện sau 1-3 ngày sinh, muộn nhất là một tháng tuổi.
Triệu chứng
Các triệu chứng ban đầu gồm nôn trớ, phân lỏng, tăng thể tích dịch dư dạ dày, chướng bụng, tắc ruột cơ năng, dịch dạ dày xanh, thành bụng cứng và đổi màu xanh hoặc nề đỏ (dấu hiệu thủng ruột), đi tiêu phân máu...
Biểu hiện toàn thân không đặc hiệu như ngưng thở, suy hô hấp, li bì, rối loạn thân nhiệt (sốt hoặc hạ thân nhiệt), nhịp tim giảm, tụt huyết áp do sốc nhiễm khuẩn.
Yếu tố nguy cơ
Hệ vi sinh đường ruột bất thường: Bifidobacteria là vi khuẩn chiếm ưu thế ở đường ruột của những người khỏe mạnh, nhờ thành phần oligofructose có trong sữa mẹ. Trong khi đó, các loại vi khuẩn có hại như E- coli, Enterobacter cloacae, Paeruginosa, Salmonella, Scholermidis, Cperfringens, Cdifficile và Cbutyricum... thường dễ xuất hiện trong ruột của trẻ uống sữa công thức, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử.
Thiếu máu cục bộ đường ruột: Thường xảy ra ở bé sơ sinh có mẹ tăng huyết áp, tiền sản giật, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Niêm mạc ruột non yếu: Tế bào niêm mạc ruột non còn yếu, thiếu cơ chế chống oxy hóa có thể khiến hàng rào niêm mạc ruột dễ tổn thương, không có khả năng chống lại mầm bệnh ở dạ dày, dễ dẫn đến viêm ruột hoại tử.
Trẻ sinh non tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử. Ảnh: Freepik
Di truyền: Yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử.
Thuốc: Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ. Các dẫn xuất của xanthine như theophylline, aminophylline có khả năng làm chậm nhu động ruột và tạo ra các gốc oxy tự do trong quá trình chuyển hóa thành axit uric.
Indomethacin sử dụng trong điều trị bệnh còn ống động mạch có thể gây co mạch nội tạng, làm suy giảm chức năng hoạt động của ruột. Vitamin E dùng để chữa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể làm suy giảm chức năng bạch cầu, liên quan đến viêm ruột hoại tử...
Phòng ngừa
Có thể phòng ngừa bệnh viêm ruột hoại tử hiệu quả thông qua các phương pháp như sau:
- Tránh ngạt chu sinh ở trẻ đủ tháng.
- Sử dụng steroid trước sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới trưởng thành của ruột hoặc gián tiếp qua trưởng thành phổi giảm thiếu oxy.
- Liệu pháp surfactant.
- Biện pháp chung duy trì tưới máu mô tốt (thuốc vận mạch, cải thiện tưới máu ruột, tránh thiếu oxy và hạ thân nhiệt; kiểm soát nhiễm trùng).
- Chậm cắt rốn giúp giảm nguy cơ thiếu máu, truyền máu.
- Ưu tiên sử dụng sữa mẹ.
Lục Bảo (Vnexpress.net)