Sốt co giật là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm ở trẻ nhỏ, nếu cha mẹ không sớm phát hiện và có phương án xử lý phù hợp, tính mạng của trẻ sẽ bị đe dọa.
Sốt co giật là một tình trạng phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ mắc phải từ 2% đến 4%. Đây cũng là bệnh lý hệ thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ đầu ngửa ra sau, mắt trợn lên hoặc nhìn chằm chằm, môi thâm tím, sùi bọt mép, 2 tay nắm chặt, 2 chân duỗi thẳng, tay chân run, đại tiện không tự chủ.
Những triệu chứng này có thể không xuất hiện toàn bộ nhưng điều quan trọng nhất là khi trẻ co giật, mắt đờ đẫn, không thể khóc cũng như có phản ứng khi người lớn gọi. Thời gian co giật kéo dài vài giây đến vài phút hoặc lâu hơn, thường không quá 5 phút. Ý thức trở lại ngay sau khi cơn co giật chấm dứt, sau đó là rơi vào trạng thái buồn ngủ.
Sau khi lên cơn sốt co giật, trẻ sẽ ngủ li bì. (Ảnh minh họa)
Khi nhìn thấy con mình bị sốt co giật và bất tỉnh, cha mẹ nào cũng đều hoang mang và lo lắng về một căn bệnh nguy hiểm nào đó hoặc ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Trên thực tế, phần lớn các cơn co giật do sốt có tiên lượng tốt, sẽ không gây tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến trí thông minh.
Sốt co giật là một bệnh thần kinh phổ biến ở trẻ em, dùng để chỉ các triệu chứng co giật khi nhiệt độ cơ thể quá cao, thường là trên 38, 39 độ C. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi trẻ bị sốt và thời gian khởi phát chủ yếu trong vòng 5 phút.
Nguyên nhân của co giật do sốt vẫn chưa rõ ràng và nó có liên quan đến di truyền, sự phát triển hệ thần kinh chưa trưởng thành ở trẻ em.
Phải làm gì nếu trẻ bị sốt co giật ở nhà?
Cha mẹ không thể làm gì để ngừng ngay lập tức cơn co giật của trẻ, hầu hết các trường hợp để tự dừng trong vài phút. Trong tình huống này, điều cha mẹ cần làm là hãy thật bình tĩnh, đặc biệt cần làm 8 bước dưới đây:
1. Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ an toàn, đặt trẻ trên bề mặt phẳng như sàn nhà hoặc giường, đồng thời loại bỏ các vật cứng hoặc sắc nhọn ở gần.
2. Đặt trẻ nằm trên gối, nới lỏng quần áo chật, cởi cúc cổ áo.
3. Quay đầu bé sang một bên để bé không hít phải chất nôn, dịch tiết.
4. Dùng khăn mềm lau sạch nước bọt và chất cặn bã quanh miệng trẻ nhưng không được ấn mạnh vào miệng trẻ. Nếu có thức ăn trong miệng, hãy quay đầu trẻ sang một bên và không cố lấy thức ăn ra.
5. Tránh âm thanh, ánh sáng, rung lắc và các tác nhân kích thích khác.
6. Cố gắng quan sát kỹ những gì đã xảy ra (thời gian bắt đầu và kết thúc cơn co giật, hành vi của bé, v.v.) để sau này có thể mô tả lại cho bác sĩ. Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể quay video clip về cơn co giật để cho bác sĩ xem.
7. Bạn có thể gọi đến số điện thoại khẩn cấp để được hướng dẫn và tranh thủ thời gian ứng cứu.
8. Sau khi hết co giật nên đưa trẻ đến bệnh viện để tìm nguyên nhân gây co giật.
Khi bé co giật, cha mẹ không nên làm những hành động gì?
- Không cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ khi lên cơn co giật. Trẻ lên cơn thường không cắn vào lưỡi. Ngược lại, ngón tay, tăm bông, đũa, thìa và các vật khác nhét vào miệng dễ gây khó thở hoặc tổn thương vùng miệng của trẻ.
- Không cho trẻ uống nước, uống thuốc trong lúc co giật vì dễ gây sặc, ngạt thở.
- Không lắc lư.
- Không nên khống chế, ôm chặt cũng có thể khiến trẻ bị khó thở.
- Không véo trẻ, điều này không có tác dụng chống giật.
- Không cho trẻ đang bị co giật vào bồn tắm để hạ nhiệt, trẻ dễ bị ngạt trong nước.
- Đừng vội đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ bị co giật. Bản thân cơn co giật sẽ hết nhanh, đồng thời trẻ có thể ngạt thở khi được người lớn bế.
- Sau khi cơn co giật qua đi, cha mẹ đừng chủ quan mà hãy đưa trẻ tới bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và loại trừ các bệnh thần kinh.
Tóm lại, tình trạng sốt co giật ở trẻ tuy xảy ra cấp tính nhưng mức độ không quá nguy hiểm, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý đúng cách thì con mới an toàn tính mạng.
Theo Afamily.vn
Theo Phụ nữ Việt Nam