Ăn uống đủ dinh dưỡng, tiêm vaccine, thường xuyên vận động giúp hệ miễn dịch khỏe, trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sức đề kháng tốt giúp trẻ chống lại bệnh tật để phát triển toàn diện. Khi hệ miễn dịch khỏe, trẻ giảm ốm vặt, ít mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.
Vận động thường xuyên
Mẹ nên massage cho trẻ nhỏ thường xuyên để cải thiện lưu thông máu. Trẻ lớn hơn nên vận động ngoài trời nhằm nâng cao khả năng miễn dịch. Đường ruột khỏe, tăng khả năng hấp thu vitamin D khi trẻ vận động thường xuyên. Bé cũng ăn ngon miệng, hoạt bát hơn.
Thông thường, trẻ có sức đề kháng tự nhiên tốt hơn do cơ thể quen với tác nhân gây hại bên ngoài.
Uống đủ nước
Trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bé lớn hơn cần uống nhiều nước. Nước giúp cơ thể cân bằng nhiệt, trẻ vận động tốt, ít quấy khóc, ngủ ngon, tránh mắc bệnh đường tiết niệu.
Trẻ uống đủ nước cân bằng thân nhiệt, tăng sức đề kháng. Ảnh: Freepik
Giữ vệ sinh cá nhân
Cha mẹ hướng dẫn con giữ vệ sinh cá nhân đúng cách, tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nên tập cho bé thói quen đánh răng, tắm rửa thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn cũng cần giữ vệ sinh cá nhân, tránh trở thành nguồn lây bệnh cho bé.
Giữ vệ sinh môi trường sống
Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, không ẩm mốc hạn chế vi sinh vật phát triển gây bệnh. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, rèm, điều hòa không khí, đồ chơi của trẻ... giảm nguy cơ mắc bệnh.
Dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ
Tự ý sử dụng kháng sinh có thể khiến hàng rào miễn dịch tự nhiên suy yếu, kháng kháng sinh. Trẻ ốm nên khám tại các cơ sở uy tín để chẩn đoán đúng bệnh, dùng thuốc hợp lý. Phụ huynh cho con uống thuốc kháng sinh đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nắm rõ thông tin dịch bệnh
Mùa hè thường có bệnh tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, tay chân miệng. Cảm cúm, sốt phát ban thường bùng phát vào mùa thu. Mùa đông xuân, trẻ hay mắc sởi, thủy đậu, quai bị, cúm. Phụ huynh theo dõi tình hình dịch bệnh, từ đó biết cách nhận biết, phòng ngừa.
Bổ sung thực phẩm tăng đề kháng
Chế độ ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm chất gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm chứa omega-3 giúp cơ thể chống lại bệnh tật, hạn chế mắc bệnh viêm đường hô hấp.
Bé nên ăn rau củ quả có màu xanh, đỏ, vàng... chứa nhiều vitamin, tăng cường sức đề kháng chống lại gốc tự do, phòng ngừa cảm cúm. Thịt chứa nhiều protein duy trì sức khỏe tốt. Thực phẩm giàu kẽm giúp tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.
Tiêm vaccine
Tiêm phòng cung cấp kháng thể hoặc kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, từ đó tạo khả năng miễn dịch. Cha mẹ cho con tiêm phòng viêm não, viêm gan siêu vi, bạch cầu, uốn ván, ho gà... đúng lịch. Trong thời gian dịch bệnh nghiêm trọng, hạn chế đưa bé đến nơi đông người.
Lục Bảo ( Vnexpress.net)