Trẻ nên mặc quần áo mỏng, thoáng, bổ sung đủ chất lỏng, ngủ đủ giấc... khi sốt, mất nước hoặc nôn mửa.
Trẻ ốm cần được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi triệu chứng. Dưới đây là những việc cha mẹ có thể làm để giúp con mau khỏe, phòng biến chứng nguy hiểm.
Mặc quần áo thoáng mát
Sốt cao thường gặp ở trẻ em, là dấu hiệu cơ thể chống lại nhiễm trùng. Phụ huynh cần cho bé mặc quần áo mỏng, làm từ chất liệu thoáng mát, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt cao không hạ, cha mẹ tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc hạ sốt an toàn.
Bù nước
Các triệu chứng cảnh báo mất nước như da khô, mắt xuất hiện quầng thâm, mệt mỏi, mất năng lượng, đi tiểu ít hơn, nước tiểu có màu vàng đậm... Trẻ cần bù nước khi tiêu chảy, nôn mửa, làm dịu triệu chứng viêm đường hô hấp trên như ho, hắt hơi.
Cách bù nước gồm uống nước lọc, nước trái cây hoặc thức ăn lỏng như cháo, súp... Phụ huynh cũng có thể thêm nước dùng vào súp, cháo để tăng lượng chất lỏng. Trẻ bị tiêu chảy hạn chế uống nước ép trái cây, nước ngọt vì hàm lượng đường cao, khiến bệnh nặng hơn. Các bé trên một tuổi cảm lạnh có biểu hiện đau họng có thể uống thêm nước pha mật ong và chanh.
Trẻ nhỏ thường bị cảm lạnh, ho, sốt. Ảnh: Freepik
Súc miệng bằng nước muối ấm
Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giảm đau họng. Khi trẻ nghẹt mũi, phụ huynh có thể dùng nước muối loãng nhỏ mũi hoặc xịt mũi để làm sạch dịch nhầy. Đặt một chiếc máy tạo ẩm hoặc phun hơi trong phòng ngủ tạo cho bé cảm giác dễ chịu.
Ăn thức ăn dễ tiêu hóa
Nếu trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa thì nên ăn thực phẩm giúp cung cấp năng lượng mà không làm trầm trọng thêm triệu chứng. Ví dụ, chuối và cơm nhiều carbohydrate, ít chất xơ, vị nhạt, dễ tiêu hóa, phù hợp khi tiêu chảy. Thức ăn mềm như món súp, canh, cháo vừa dễ tiêu hóa vừa bổ sung thêm chất lỏng cho cơ thể.
Giữ nơi ở thông thoáng
Khi con ốm, cha mẹ nên để bé ngủ đủ giấc, giữ không gian sống sạch sẽ, thay chăn ga và gối thường xuyên. Trẻ bệnh cần nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Phụ huynh nên duy trì nhiệt độ trong phòng phù hợp, không quá thấp hoặc quá cao. Bé có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh tùy theo thể trạng và bệnh lý. Nhiệt độ quá thấp hoặc nằm máy lạnh thường xuyên dễ khiến mũi khô, gây ho.
Trẻ sốt trên 38 độ C kéo dài từ ba ngày, thở nhanh, khó thở, có vết bầm dưới da, mất ý thức, không tỉnh táo, co giật... cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bảo Bảo (vnexpress.net)
(Theo Very Well Family)