Quan sát hành vi và sự phát triển của con, cha mẹ có thể nhận thấy các dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ trước khi trẻ lên 3 tuổi.
Chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), thường gọi là tự kỷ, là một rối loạn não làm hạn chế khả năng giao tiếp và tương tác của một người với người khác. Thống kê cho thấy, cứ 59 trẻ thì có một bé mắc tự kỷ và số bé trai mắc phải gần gấp 4 lần so với bé gái.
Giai đoạn trước năm 3 tuổi, một số trẻ phát triển bình thường đến giai đoạn 18-24 tháng tuổi thì ngừng hoặc mất kỹ năng. Các dấu hiệu tự kỷ phổ biến ở trẻ có thể bao gồm: lặp đi lặp lại một chuyển động, tránh giao tiếp bằng mắt hoặc đụng chạm cơ thể, chậm trễ trong việc học nói, lặp lại từ hoặc cụm từ... Tuy nhiên, điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý là một số trẻ em không mắc tự kỷ cũng có những biểu hiện này. Vì vậy, cần quan tâm đến một số dấu hiệu trong 2 năm đầu đời ở trẻ:
Năm một tuổi: Trẻ nhỏ thường rất hòa đồng vì vậy có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tự kỷ trong cách trẻ tương tác với mọi người. Ở độ tuổi này, trẻ mắc tự kỷ có thể: không hướng về phía mẹ khi được gọi, không trả lời khi được gọi tên, không nhìn vào mắt mọi người, không bập bẹ tập nói. Ngoài ra, bé cũng không cười hoặc phản ứng, tương tác xã hội trong giao tiếp với người khác
Năm hai tuổi: Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ dễ nhận thấy hơn trong năm thứ hai của trẻ. Trong khi những bé khác đang bập bẹ phát ra những từ đầu tiên và chỉ vào những thứ chúng muốn, trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn tách biệt. Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ năm 2 tuổi bao gồm: không phát âm được từ đơn khi được 16 tháng tuổi, không chơi các trò chơi mô phỏng trước 18 tháng. Trẻ ở giai đoạn 24 tháng tuổi cũng không phát âm được cụm từ, mất kỹ năng ngôn ngữ, không quan tâm khi người lớn chỉ vào các đồ vật, chẳng hạn như một chiếc ô tô đang đi qua...
Những em bé không mắc chứng tự kỷ cũng có thể có những hành vi này nên phụ huynh cần đưa con đi khám sớm nếu có bất kỳ mối lo ngại nào.
Trẻ tự kỷ ít có giao tiếp xã hội hoặc tương tác với người khác. Ảnh: Freepik.
Tự kỷ ảnh hưởng đến các phần não kiểm soát cảm xúc, giao tiếp và cử động cơ thể. Đến những năm chập chững biết đi, một số trẻ mắc chứng tự kỷ có đầu và não to bất thường. Điều này có thể là do các vấn đề về phát triển não bộ. Các gen bất thường di truyền trong một gia đình có liên quan đến các chức năng kém ở một số bộ phận của não.
Khi nào cần sàng lọc sớm bệnh tự kỷ?
Nhiều trẻ không được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tự kỷ cho đến khi đi học mẫu giáo và có thể không nhận được sự can thiệp cần thiết trong những năm đầu đời. Nhiều chuyên gia khuyến nghị bố mẹ nên sàng lọc tự kỷ ở tất cả trẻ em lúc 9 tháng tuổi để phát hiện sớm. Đặc biệt, cần kiểm tra tự kỷ ở hai giai đoạn: 18 tháng tuổi và 24 tháng tuổi. Ở trẻ có hành vi đáng lo ngại hoặc tiền sử gia đình mắc chứng tự kỷ cũng nên sàng lọc sớm.
Chế độ ăn cho trẻ tự kỷ
Các vấn đề về tiêu hóa thường gặp ở trẻ tự kỷ và khoảng 30% các bé đó có thể ăn những thứ không phải thực phẩm như đất hoặc giấy. Một số cha mẹ đã thử chế độ ăn của con không có gluten (thường tìm thấy trong lúa mì) và casein (một loại protein từ các loại sữa). Một số lại duy trì những thay đổi về chế độ ăn uống khác bao gồm bổ sung B6 và magiê.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy bất kỳ chế độ ăn uống riêng biệt nào có hiệu quả với trẻ tự kỷ. Cha mẹ có con tự kỷ nên bổ sung chế độ dinh dưỡng tốt cho con dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ nhưng vì bệnh có tính di truyền nên gen có thể là một nguyên nhân chính. Nghiên cứu đang được tiến hành để xem liệu hóa chất trong môi trường hay nhiễm trùng trước khi sinh có phải là nguyên nhân gây tự kỷ hay không.
Tự kỷ cũng phổ biến hơn ở những người mắc các chứng rối loạn di truyền khác như hội chứng Fragile X (là một bất thường di truyền trong nhiễm sắc thể X dẫn tới khuyết tật về trí tuệ và rối loạn hành vi). Phụ nữ mang thai sử dụng axit valproic hoặc thalidomide làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ ở trẻ khi sinh ra.
Bảo Bảo (Vnexpress.net)
(Theo WebMD)