Dấu hiệu ban đầu của bệnh hô hấp hợp bào (RSV) là sốt, ho, ngạt mũi, sau đó tiến triển nhanh thành khó thở, suy hô hấp.
Ngày 1/4, bác sĩ Tăng Thị Minh Thu, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tư vấn một số dấu hiệu và cách xử trí trẻ nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV), trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng đột biến khi thời tiết giao mùa từ xuân sang hè.
Theo bà Thu, virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng, khi bệnh nhân tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh, hoặc sờ, chạm, nắm vào các bề mặt chứa virus. Trẻ thường ủ bệnh trong 4-6 ngày, sau đó sẽ biểu hiện triệu chứng.
Đầu tiên, trẻ có thể bị sốt; ngạt mũi, chảy nước mũi trong, keo dính; hắt hơi, đau họng; ho khan dữ dội; nôn khi ho.
"Bệnh tiến triển nhanh, trẻ có thể khó thở, thở nhanh, tím tái, bỏ bú, co giật, thậm chí ngừng thở là dấu hiệu có thể xảy ra với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng", bác sĩ Thu nói, thêm rằng RSV gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, hen phế quản.
Một vài biến chứng nghiêm trọng khác như suy hô hấp, xẹp, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.
Ảnh minh họa trẻ nhiễm bệnh RSV. Ảnh: Beaumont
Phương pháp điều trị chính là hỗ trợ bổ sung oxy và bù dịch khi cần thiết. Hầu hết trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Kiểm soát cơn sốt bằng thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ định bác sĩ.
Đặc trưng của RSV là làm keo dính đường hô hấp của trẻ. Vì thế, cách điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, long đờm để làm loãng dịch, ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp.
Trẻ nhiễm RSV cần uống đủ nước (nhằm đảm bảo đủ dịch để làm loãng đờm). Nếu trẻ uống kém không đủ lượng nước, sẽ được chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải hỗ trợ thở oxy hay đặt nội khí quản thở máy.
Dấu hiệu cần đưa trẻ nhập viện là dưới 3 tháng tuổi; sốt cao không hạ; khó thở tăng dần; da có màu xanh tím, đặc biệt ở môi và các móng tay; trẻ bỏ ăn, tiêu thụ không đủ 80% lượng thực phẩm bình thường; nồng độ oxy trong máu dưới 95%.
Đến nay, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, mọi người có thể giảm nguy cơ bằng cách thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Tránh sờ tay lên mặt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần gũi, như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống với người khác nếu mình hoặc họ bị bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người khác nếu bạn được chẩn đoán nhiễm virus hợp bào. Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Phụ huynh cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng xung quanh, vận động khoa học để tăng cường đề kháng. Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lê Nga (Vnexpress.net)