Đột tử sơ sinh hay được biết đến với cụm từ 'những cái chết trong nôi'. Theo các bác sĩ, đây không phải một bệnh lý thông thường.
Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em
Theo CDC Hoa Kỳ, mỗi năm, nước này ghi nhận 3.500 trường hợp trẻ sơ sinh đột tử khi ngủ. Khoảng một nửa các ca tử vong này không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã xem xét hoàn chỉnh bao gồm khám nghiệm tử thi kỹ lưỡng và điều tra hiện trường.
Khi không xác định được nguyên nhân, những cái chết này được gọi là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome - SIDS). SIDS thường xảy ra trong khi ngủ.
Trong một báo cáo, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), trên toàn cầu, đột tử sơ sinh đã gây ra hơn 19.200 cái chết trong năm 2015.
Đây là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở trẻ em dưới 1 tuổi tại Mỹ vào năm 2011. Khoảng 90% trường hợp đột tử sơ sinh xảy ra ở trẻ trước 6 tháng tuổi. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các bé trai hơn bé gái.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, nghe tới đột quỵ, người ta thường nghĩ đó là bệnh của người lớn. Song, thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này vẫn có thể xảy ra, dù không nhiều.
Nhiều trẻ bị đột quỵ được cứu sống kịp thời. Trong khi đó, nhiều trẻ để lại di chứng. Trường hợp khác không thể cứu chữa do đến bệnh viện quá muộn.
Theo chuyên gia này, đột quỵ ở trẻ em là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh. Bởi, trẻ không biết cách than phiền, nhất là các bé chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc.
Ngoài ra, đây cũng không phải là bệnh phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân thường do dị dạng bẩm sinh mạch máu não. Một số trường hợp là do các bệnh tim bẩm sinh hay rối loạn đông cầm máu.
Điều này kéo theo việc chẩn đoán bệnh chậm, quá giờ vàng để can thiệp cứu sống trẻ. Do đó, khi trẻ đau đầu dữ dội, nôn ói, méo miệng kèm co giật hoặc yếu liệt một bên hay quấy khóc, nôn vọt sau bú... phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.
Các bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu và chẩn đoán đột quỵ thường từ 9 - 12 tuổi. Thậm chí, có bé chưa đầy một tuổi. Nguyên nhân phần lớn là do hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu dị dạng hay có bệnh tim bẩm sinh.
"Đối với trẻ em, vỡ dị dạng mạch máu não là nguyên nhân phải nghĩ đến đầu tiên trong bệnh cảnh đột quỵ não. Điều này khác hoàn toàn với đột quỵ ở người cao tuổi vốn có nguyên nhân thường gặp là tắc mạch gây nhồi máu não nhiều hơn", bác sĩ Minh Đức cho biết.
Theo chuyên gia này, đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động...). Trong khi đó, đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não.
Dấu hiệu của đột quỵ là trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội, quấy khóc liên tục kèm nôn ói. Sau nôn, trẻ có thể giảm đau đầu, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi ăn, uống hay khóc.
Trẻ cầm nắm cũng không như bình thường, đi lê chân một bên hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức. Để nhận diện nhanh những người có thể bị đột quỵ, trước hết, cần chú ý tới khuôn mặt.
Hãy yêu cầu trẻ hay người bệnh cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không. Ngoài ra, người bệnh cần giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hay không thể giơ lên không. Bên cạnh đó, nếu trẻ nói lắp hoặc nói không rõ từng lời, nói khó hiểu, đó cũng là dấu hiệu đột quỵ.
"Nếu có những biểu hiện trên, nhiều khả năng trẻ đã bị tai biến mạch máu não. Do đó, gia đình cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Bởi, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng, chỉ tính bằng giây", bác sĩ Minh Đức cho biết.
Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh tai biến mạch máu não có thể có biểu hiện khác như: Giảm hoặc mất thị lực, đau đầu đột ngột dữ dội, nhưng không có nguyên nhân rõ ràng, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt,...
Chú trọng trẻ sinh non, nhẹ cân
Ảnh minh họa/INT.
Trong khi đó, BSCKII Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khuyến cáo, những trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc gặp bất cứ vấn đề nào về hô hấp cần được theo dõi ở bệnh viện để phòng tránh nguy cơ đột tử.
Đột tử sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi ngủ. Do đó, phụ huynh cần luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị cũng như xử lý tốt nhất cho trẻ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho rằng, trẻ dưới 1 tuổi là độ tuổi vàng để tiêm nhiều loại vắc-xin quan trọng. Bởi, trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu.
Trẻ dễ bị tấn công bởi các bệnh truyền nhiễm khiến sức khỏe suy yếu. Đó là yếu tố làm tăng nguy cơ đột tử sơ sinh. Trẻ em đặc biệt là bé sơ sinh cần tuân thủ lịch tiêm các loại vắc-xin như vắc-xin 6 trong 1, phế cầu, rotavirus, cúm, sởi, viêm màng não do não mô cầu khuẩn, phòng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi do phế cầu khuẩn A, C, Y, W.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới được thực hiện nhằm tìm ra mối liên hệ giữa vắc-xin và hội chứng đột tử sơ sinh. Kết quả cho thấy, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy đột tử sơ sinh liên quan đến vắc-xin.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết: "Khoa học đã chứng minh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hoàn toàn không liên quan đến vắc-xin. Các phản ứng sau tiêm như ngứa, đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm, sốt hoặc các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn... đều là những hiện tượng bình thường sau tiêm chủng, xuất hiện trong 48 giờ sau tiêm và sẽ chấm dứt nhanh chóng sau đó".
Trong khi đó, bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, khi trẻ có những cơn đau đầu kèm nôn ói, méo miệng, tê yếu nửa người, co giật, lơ mơ, cha mẹ cần nhanh chóng chuyển bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Phụ huynh không nên sử dụng các biện pháp dân gian. Bởi, cách làm này có thể khiến bỏ lỡ "thời gian vàng" cấp cứu cho trẻ.
Theo Afamily.vn
Theo giaoducthoidai.vn