Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Quảng Ngãi, cô Trần Thị Minh Hiền có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô Hiền và các cháu ở Trường Mầm non Trà Thanh.
Tận tâm với vùng đất khó
Cô Trần Thị Minh Hiền gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Quảng Ngãi từ năm 2003. Hiện, cô làm Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trà Thanh (Trà Bồng, Quảng Ngãi).
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế Trà Bồng, hiểu rõ những thiệt thòi của nhiều thế hệ học trò vùng cao, cô Hiền luôn ấp ủ quyết tâm giúp con em đồng bào người Cor được đến trường. “Tôi ước mong mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui, thu hẹp dần khoảng cách, điều kiện giáo dục so với miền xuôi. Điều đó khiến tôi trăn trở, phải làm gì để giúp đỡ học sinh và các gia đình bà con Cor”, cô Hiền chia sẻ.
Điểm chính của Trường Mầm non Trà Thanh đóng ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, đang chăm sóc, dạy dỗ 58 đứa trẻ, phần lớn là con em đồng bào Cor. Khuôn viên trường nhiều cây xanh, được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi, nhà vệ sinh… Có được kết quả đó một phần nhờ công sức, tận tâm của cô Hiền.
Theo ông Hồ Văn Thịnh – Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, thời gian trước, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, việc chăm sóc và dạy trẻ rất khó khăn chứ chưa nói đến đảm bảo sĩ số. “Trường chỉ là những lớp học ọp ẹp, tạm bợ được dựng lên từ tranh tre, nứa lá trong rừng, nằm vắt vẻo trên dông đất cao. Mùa Hè, nắng gắt rọi xuyên qua những khoảng hở trên mái, rát cháy mặt, mùa mưa bão, nơi dạy và học ướt nhẹp, lạnh thấu xương…”, ông Thịnh kể.
Đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của đồng bào người Cor, đặc biệt khi các gia đình nơi đây đều thuộc hộ nghèo, cô Hiền hiểu rõ đời sống túng thiếu thì việc vận động đóng góp từ phụ huynh là không thể. Nữ hiệu trưởng đã xác định để những “bữa cơm có thịt” cho lũ trẻ thì không còn cách nào khác phải “đi xin”. Nghĩ là làm, cô Hiền quyết định “gõ cửa” nhiều nơi để quyên góp.
Thứ duy nhất để cô thuyết phục nhà tài trợ chỉ đơn giản là trái tim yêu thương con trẻ và sự khát khao thay đổi vùng đất khó Trà Thanh. Điều đó đã lay động nhiều người và họ sẵn sàng hỗ trợ nhà trường. Nữ hiệu trưởng đã vỡ òa trong sung sướng vì nhiều lần đón nhận tin vui học trò rẻo cao được giúp đỡ.
Năm 2019, nhóm thiện nguyện Tam Kỳ Project (Quảng Nam) đã đến thăm, tài trợ hơn 450 triệu đồng để xây dựng lại ngôi trường tại vị trí an toàn hơn, cách chỗ cũ khoảng 2km. Thế là bài toán khó nhất mà địa phương bấy lâu tìm lời giải đã có kết quả.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, một doanh nhân TPHCM tiếp tục ủng hộ hơn 840 triệu đồng để nhà trường tiến hành xây dựng điểm trường lẻ thôn Gỗ, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phục vụ việc dạy và học. Cô Hiền cũng trực tiếp vận động được kinh phí 450 triệu đồng xây dựng mới điểm trường lẻ của trường ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh.
Trường Mầm non Trà Thanh trong giờ ăn bán trú.
Đảm việc trường, tích cực vì cộng đồng
Từ năm 2019 cho đến nay, đều đặn mỗi ngày, Trường Mầm non xã Trà Thanh đều chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt cho trẻ đảm bảo dinh dưỡng. Những đứa trẻ hớn hở bảo rằng “bữa ăn sướng” vì với nhiều em đây là lần đầu được ăn ngon đến vậy.
Cô Hiền và các cô giáo trong trường thay phiên nhau nấu những món ngon nhất cho trẻ. Khi thì mì, lúc lại bún, cháo, hủ tiếu... những món ăn mà hiếm khi trẻ được ăn ở nhà. Khẩu phần ăn luôn đa dạng để lúc nào các em cũng cảm thấy ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng.
Kinh phí nấu ăn khoảng 4 triệu đồng/tháng, chia đều cho 4 điểm trường. Số tiền do một người dân Quảng Ngãi đang sinh sống, làm việc ở TPHCM tài trợ thông qua “cầu nối” là cô Hiền. Sự hỗ trợ tuy không quá lớn nhưng đủ làm ấm bụng những đứa trẻ, trở thành niềm vui của các cô giáo, cô nuôi đứng bếp, phụ huynh học sinh. Có số tiền này, các cô nuôi có thể mua được thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến ra các món ăn trẻ thích.
Nhà trường cũng cho biết, vài năm gần đây, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi của trường giảm đáng kể, từ gần 26% giảm xuống còn 15,5% trong năm học 2021 - 2022. “Từ ngày có những “bữa ăn sướng” trẻ chăm chỉ đến trường, hào hứng khi nghe cô thông báo tuần này nấu gì, ăn gì. Chúng tôi cũng vui lắm, an tâm hơn khi gửi con ở trường để đi làm”, chị Hồ Thị Hạnh thôn Vuông chia sẻ.
Không chỉ đảm việc trường, cô Hiền còn siêng cả việc xã hội. Nhận thấy nguồn nước các gia đình, nhà trường đang sử dụng là công trình nước tự chảy từ sông, suối, không đảm bảo vệ sinh, cô Hiền đau đáu tìm cách cải thiện nước sinh hoạt cho người dân nơi đây.
Sau thời gian dày công kêu gọi, cô Hiền đã vận động được nhà tài trợ khoan 7 giếng, với giá trị mỗi giếng 40 triệu đồng. Trong đó, tại các điểm trường của Trường Mầm non Trà Thanh có 3 giếng. Từ ngày có giếng khoan, việc sinh hoạt của cô trò trở nên thuận lợi; trường lớp khang trang sạch sẽ…
Bà Đỗ Thị Cẩm Nhung – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng - đánh giá những đóng góp của cô Hiền với ngành Giáo dục, nhà trường, học sinh… vô cùng quý giá và xứng đáng biểu dương.
“Cô Trần Thị Minh Hiền có nhiều năm cống hiến trong công tác quản lý giáo dục tại các trường mầm non trên địa bàn huyện và được người dân vô cùng quý mến. Sự năng động của cô trong việc vận động kinh phí xã hội hóa để xây dựng trường, lớp đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Hiền đã cùng gánh vác và san sẻ bớt khó khăn chưa thể tháo gỡ của giáo dục miền núi…”, bà Đỗ Thị Cẩm Nhung nói.
Trần Tươi
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-gieo-uoc-mo-giua-dai-ngan-post631675.html