Bệnh viện Nhi đồng 2 tuần qua tiếp nhận 5 trẻ bị hóc hạt dưa, bí, hướng dương, phải nội soi đường thở lấy dị vật.
Trong năm, bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận trường hợp trẻ hóc dị vật. Tuy nhiên, sau Tết, các ca hóc dị vật tăng lên dù đã được các bác sĩ cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.
Ngày 2/2, bệnh viện tiếp nhận bé trai 3,5 tuổi ở Đắk Nông, ho sặc sụa khi đang chơi, sau đó nôn ói. Tại địa phương, cơ sở y tế không phát hiện bất thường nên gia đình xin chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ nội soi thấy hạt dưa trong phế quản gốc bên phải và gắp ra.
Trường hợp thứ hai là bé gái 13,5 tháng ở Lâm Đồng, được bác sĩ soi thấy dị vật ở phế quản gốc trái, gắp ra là một loại hạt còn lớp vỏ đen.
Theo lời kể gia đình, bé gái té ngã úp mặt khi đang ngậm hạt hướng dương và hạt bí vào mùng 1 Tết. Sau đó, bé ho sặc sụa và nôn ói 2-3 lần. Người nhà nghĩ trẻ đã nôn hết hạt nên không cho đi khám. Sang mùng 2, bệnh nhi ho khan có đờm tăng dần, bác sĩ tại phòng khám tư chẩn đoán bị viêm phế quản, kê đơn uống nhưng không khỏi. Tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, bác sĩ nội soi thấy dị vật ở phế quản, chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 để soi, gắp.
Hạt dưa nằm trong phế quản bé trai 3,5 tuổi ở Đăk Nông, chiều 2/2. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ba ca hóc dị vật tương tự nhập viện vào mùng 6 và 7 Tết. Đáng chú ý là bé gái 27 tháng tuổi, ở Kiên Giang, bị hóc hạt hướng dương khi vừa ăn vừa đùa giỡn, dẫn đến sốt, khò khè và thở mệt. Khi nội soi, các bác sĩ phải gắp từng mảnh nhỏ ra khỏi lồng ngực bệnh nhi. Với trường hợp này, dị vật đã lọt xuống đường thở ở phổi bên phải, nếu để lâu hơn nữa, dị vật sẽ gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng. Hiện sức khỏe các bé đều phục hồi tốt.
Bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng một số trường hợp trẻ nghịch ngợm, hiếu động, tự ăn và tự hóc, một số khác do người nhà chủ quan cho trẻ ăn các loại hạt này. "Các bé ở tuổi 2-3 thường vừa ăn vừa chạy nhảy, đùa giỡn hoặc thậm chí khóc la nên hạt rất dễ văng vào đường thở", bà Hồng nói.
Còn bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết tai nạn dị vật thường gặp hơn trong dịp Tết vì thời điểm này trẻ rảnh rỗi, có nhiều thời gian nghịch đồ chơi. Mặt khác, các loại thức ăn dễ gây dị vật cũng như các loại đồ chơi nhiều, phong phú hơn ngày thường. Cha mẹ trong thời gian này cũng chểnh mảng, không để ý đến trẻ.
Theo bác sĩ, dị vật kẹt trong đường thở có thể gây khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản. Trường hợp dị vật bít tắc một phần khí quản, di chuyển trong khí quản hoặc bít hoàn toàn phế quản gốc một bên sẽ gây suy hô hấp, tím tái, thiếu oxy kéo dài dẫn đến tổn thương não.
Trường hợp dị vật bít một phần phế quản gốc hoặc phế quản thùy có thể gây ho, khò khè kéo dài, không đáp ứng điều trị. Ngoài ra, trẻ dễ viêm phổi khu trú một vị trí kéo dài nếu dị vật lọt sâu vào đường thở. Trẻ cũng dễ viêm phổi nặng nếu dị vật có tính chất dễ gây viêm như các loại hạt chứa dầu.
Minh họa trẻ bị hóc dị vật. Ảnh: Freepik
Khi trẻ bị dị vật đường thở, cha mẹ cần bình tĩnh thực hiện ngay thủ thuật Heimlich, như sau:
Với trẻ dưới 2 tuổi sẽ dùng thao tác vỗ lưng ấn ngực. Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh ở khoảng giữa hai bả vai trẻ. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Đối với trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh sẽ dùng tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện vòng hai tay qua người trẻ, nên để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi (nếu trẻ đã hôn mê). Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm. Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi trẻ thở hoặc la khóc được. Sau khi lấy được dị vật, hoặc trẻ la khóc được, vẫn phải đưa đến cơ sở y tế kiểm tra.
Để phòng tránh dị vật đường thở, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần tránh cho trẻ, nhất là trẻ 1-5 tuổi nghịch đồ chơi nhiều mảnh nhỏ. Đặc biệt, tránh để trẻ ngậm các vật cứng nhỏ như pin, mảnh lego, nút áo, các loại hạt..., không cho ăn thực phẩm dễ hóc, không uống thuốc cả viên. Ngoài ra, khi nhổ răng sữa cho trẻ, tốt nhất đưa tới nha sĩ để tránh răng bị rơi vào đường thở.
Mỹ Ý
Nguồn: https://vnexpress.net/nhieu-tre-nhap-vien-vi-hoc-hat-dua-bi-4566399.html