Viêm tai giữa cấp tính thường xảy ra đột ngột, cùng hoặc ngay sau khi cảm lạnh, hay nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn. Ảnh minh họa.
Vi khuẩn hoặc virus lây nhiễm và giữ chất lỏng phía sau màng nhĩ, gây đau, sưng/phồng màng nhĩ.
Có thể gây mất thính lực tạm thời
Tình trạng viêm tai ở trẻ có thể khỏi sau vài ngày hoặc tái phát thường xuyên và trong thời gian dài. Để chẩn đoán nhiễm trùng tai, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi tai. Màng nhĩ khỏe mạnh sẽ có màu hồng xám và mờ.
Nếu nhiễm trùng, màng nhĩ có thể bị viêm, sưng hoặc đỏ. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra chất lỏng trong tai giữa, bằng cách sử dụng ống soi tai khí nén, thổi một lượng không khí nhỏ vào màng nhĩ.
Điều này sẽ làm cho màng nhĩ di chuyển qua lại. Màng nhĩ sẽ không di chuyển dễ dàng nếu có chất lỏng. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra đường hô hấp của bệnh nhân. Từ đó, tìm các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Việc điều trị nhiễm trùng tai phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng, cũng như bản chất của bệnh. Người bệnh có thể được kê đơn sử dụng các loại thuốc để giảm đau và hạ sốt. Nếu nhiễm trùng tai nhẹ, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, bác sĩ có thể cho phép theo dõi vài ngày để xem bệnh có tự khỏi hay không.
Trong trường hợp vi khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm trùng tai, bệnh nhân sẽ cần sử dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể yêu cầu đợi tối đa ba ngày trước khi kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân. Nếu tình trạng nhiễm trùng tai nghiêm trọng, người bệnh có thể được yêu cầu dùng kháng sinh ngay lập tức.
Học viện Nhi khoa Mỹ đã đưa ra khuyến nghị về thời điểm nên kê đơn thuốc kháng sinh và khi cần cân nhắc chờ đợi, dựa trên tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh và nhiệt độ của trẻ. Trong trường hợp được yêu cầu dùng thuốc kháng sinh, người bệnh cần sử dụng đúng theo hướng dẫn. Người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày điều trị.
Tuy nhiên, ngay cả khi cảm thấy tốt hơn và cơn đau biến mất, người bệnh cũng không nên ngừng dùng thuốc cho đến khi bác sĩ cho phép. Bởi, thực tế, tình trạng nhiễm trùng có thể quay trở lại nếu không dùng hết thuốc.
Lỗ thủng hoặc vết rách trong màng nhĩ do nhiễm trùng nặng thường được điều trị bằng thuốc nhỏ tai kháng sinh. Đôi khi, bác sĩ cũng sẽ sử dụng thiết bị hút để loại bỏ chất lỏng.
Hầu hết trẻ em sẽ không bị nhiễm trùng tai khi 8 tuổi. Ảnh minh họa.
Không nên cho trẻ uống aspirin
Phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ uống aspirin. Bởi, trong trường hợp này, aspirin có thể gây ra tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là Hội chứng Reye.
Tình trạng đau tai có thể có xu hướng nghiêm trọng hơn khi đi ngủ. Do đó, phương pháp chườm ấm bên ngoài tai cũng có thể giúp giảm đau. Song, cách làm này không được khuyến khích áp dụng cho trẻ sơ sinh.
Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tai có thể xảy ra mãn tính, hoặc thường xuyên tái phát. Hoặc, chất lỏng trong tai giữa thậm chí có thể tồn tại nhiều tháng sau khi hết nhiễm trùng (viêm tai giữa tràn dịch). Hầu hết trẻ em sẽ bị nhiễm trùng tai khi dưới 5 tuổi. Thậm chí, một số trẻ có thể bị nhiễm trùng tai thường xuyên.
Sau điều trị, quá trình tái khám là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo, trong một số trường hợp, phụ huynh cần liên hệ ngay cho bác sĩ. Trong đó, cứng cổ, uể oải, ốm yếu, hoặc trẻ không ngừng khóc là các dấu hiệu báo động. Hoặc, trẻ có thể đi không vững, rất yếu về thể chất, đau tai nghiêm trọng.
Một số dấu hiệu khác gồm: Bị sốt trên 40 độ C, chất lỏng có máu hoặc mủ chảy ra từ tai. Trong trường hợp trẻ không ngừng sốt hoặc tái sốt hơn 48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, phụ huynh cần đưa con tới gặp bác sĩ. Nếu đau tai sau ba ngày uống thuốc kháng sinh hoặc đau tai dữ dội, trẻ cũng cần được kiểm tra.
Nhiều phụ huynh băn khoăn về việc, tại sao trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn. Theo các chuyên gia, lý do là vì những ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng) ở trẻ nhỏ ngắn hơn và nằm ngang, Hình dạng này khiến chất lỏng dễ tụ lại phía sau màng nhĩ.
Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện. Các adenoid (khối tổ chức nằm ở trần vòm họng) ở trẻ em tương đối lớn so với người trưởng thành. Khi các adenoid sưng lên, chúng có thể chặn đường dẫn lưu bình thường của tai từ ống eustachian vào cổ họng. Sự tắc nghẽn chất lỏng này có thể dẫn đến viêm tai giữa. Hầu hết trẻ em sẽ không bị nhiễm trùng tai khi 8 tuổi.
Trong trường hợp bị nhiễm trùng tai, người bệnh không cần bịt tai nếu đi ra ngoài. Đồng thời, người bệnh vẫn có thể bơi, miễn là không bị rách màng nhĩ hoặc có dịch chảy ra từ tai. Việc du lịch bằng đường hàng không không gây nguy hiểm cho người mắc viêm tai giữa.
Tuy nhiên, người bệnh có thể bị đau tạm thời khi máy bay cất và hạ cánh. Trong trường hợp này, người bệnh viêm tai giữa có thể nuốt chất lỏng, nhai kẹo cao su khi hạ độ cao. Với trẻ em, phụ huynh có thể cho bé ngậm núm ti giả để giúp giảm sự khó chịu này khi đi máy bay.
Các chuyên gia cho biết, nhiễm trùng tai là bệnh không lây nhiễm. Do đó, trẻ em có thể trở lại trường học hoặc nhà trẻ ngay sau khi hết sốt. Trong một số trường hợp, các nguyên nhân khác gây đau tai có thể là: Đau họng, mọc răng, nhiễm trùng niêm mạc ống tai.
Kim Dung
(Theo Nurselab)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-khong-nen-cho-tre-bi-viem-tai-giua-uong-aspirin-post622685.html