Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, viêm họng, khó thở, sốt là những dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh viêm hô hấp ở trẻ khi trời rét đậm.
Ngày 7/12, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi giao mùa, sức đề kháng giảm, trẻ dễ bị ngạt tắc mũi, chảy nước mũi, viêm tai mũi họng. Đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo khả năng các em bị nhiễm trùng hô hấp.
Khi sức khỏe bình thường, trẻ thở bằng mũi chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng ngậm. Trường hợp mũi bị tắc, trẻ thở khó khăn và có tiếng kêu. Trẻ phải thở bằng miệng nên họng khô, rát, chất nhầy của mũi chảy xuống họng khiến các em hay ho, trớ.
Khi bị ngạt, trẻ có thể nói không rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ). Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai, khiến trẻ nghễng ngãng và ù tai, lúc nghe được lúc không. Tiếng thở của trẻ trở nên nặng, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản.
Ở trẻ sơ sinh, ngạt tắc mũi làm các em bú khó khăn, bú không được dài hơi, dễ bị sặc vì không thở được bằng miệng.
Bố mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ, phát hiện sớm triệu chứng, nhất là những ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng. Nên hướng dẫn trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế tiếp xúc gió lạnh, ô nhiễm từ bụi, xăng, hóa chất. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, vì dễ bị lây nhiễm khi cơ thể các em chưa đủ sức đề kháng.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội đi học trong trời rét. Ảnh: Phạm Chiểu
Lưu ý, hầu hết bệnh hô hấp, tai mũi họng ở trẻ đều do virus nên thường chỉ dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, long đờm, chống ngạt tắc mũi... để cơ thể các em có khả năng tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hay tự kê đơn thuốc khiến cơ thể mất khả năng đề kháng, phụ thuộc vào thuốc, dễ bị nhiễm bệnh, nặng hơn là kháng thuốc.
Ngoài ra, sử dụng kháng sinh liên tục sẽ làm tổn thương một số cơ quan còn non nớt của trẻ như gan, thận, tuỵ... Trường hợp trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, gia đình cần đưa đến bệnh viện.
Trẻ cần được bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, cho ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày, giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Minh An
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-som-canh-bao-benh-tai-mui-hong-o-tre-4545256.html