Để có được kỹ năng thoát hiểm trong các sự cố đông người hoặc đám cháy, trẻ cần được chỉ bảo ngay từ khi còn nhỏ và từ chính gia đình của mình.
Phụ huynh nên cân nhắc trước khi đưa trẻ tới sự kiện quá đông người. Ảnh minh họa.
Luôn nhắc con một điều, có thể áp dụng bất cứ khi nào: Đừng hoảng loạn, đó là một trong những kỹ năng thoát hiểm cần thiết. Phụ huynh cũng cần nói điều đó để tự nhắc mình mỗi khi gặp khó khăn, ngay cả không ở trong đám đông.
Nguy cơ từ đám đông
Trẻ em trong độ tuổi dậy thì và trẻ vị thành niên thường tham gia vào các sự kiện đoàn thể, những lễ hội của trường hoặc các chương trình ca nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng. Điểm chung của những sự kiện này là tụ tập rất đông người.
Để tránh trẻ bị thương hay gặp phải những thảm họa không mong muốn khi mắc kẹt giữa "rừng người", cha mẹ cần dạy các con những kỹ năng thoát khỏi đám đông hỗn loạn.
Vừa qua, sự kiện tụ tập đông người ở khu phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đã khiến cả thế giới chấn động khi chỉ trong vài phút, một lễ hội Halloween vui vẻ bỗng trở thành thảm họa đáng sợ và nguy hiểm. Tình trạng quá đông người tập trung vào một con hẻm nhỏ và dốc đã khiến hơn 150 người thiệt mạng vì bị chèn ép, giẫm đạp.
Trước đó, vào ngày 1/10, tại sân vận động bóng đá ở Indonesia cũng đã xảy ra một thảm kịch tương tự khiến hơn 100 người tử vong.
Thống kê từ một nghiên cứu cho thấy, từ năm 1980 - 2007, có khoảng 215 sự cố đám đông, dẫn đến hơn 7.000 người chết và 14.000 trường hợp bị thương. Nhiều người cho rằng, các trường hợp tử vong trong thảm họa đám đông chèn ép là do bị giẫm đạp. Từ đó, dẫn đến thương tích nặng.
Thực tế, theo các chuyên gia, tình trạng thiếu oxy mới là nguyên nhân phổ biến của vấn đề này. Cụ thể, đám đông có thể tác động lên vùng ngực và khiến nạn nhân khó thở theo 2 hướng. Trước hết là từ những người phía sau đang đẩy về phía trước.
Một hướng khác là từ những người phía trước đang cố tìm đường thoát hoặc gồng mình đứng lại giữa đoàn người di chuyển, hay đang cố đi ngược chiều dòng người để trở ra.
Điều này không chỉ gây chấn thương đầu và cổ, mà còn có thể dẫn đến tình trạng ngạt thở do lực nén (compressive asphyxia - thuật ngữ mô tả quá trình hô hấp bị ngăn cản bởi áp lực bên ngoài lên cơ thể). Nghĩa là, cơ thể có nguy cơ bị chèn ép chặt đến mức lồng ngực không còn không gian để phổi nở ra thực hiện chức năng hô hấp như bình thường.
Nghiên cứu cho thấy, sau khoảng 6 phút bị đè ép chặt, cơ thể sẽ bị ngạt thở do lực nén. Hơn nữa, nếu không giữ bình tĩnh mà liên tục la hét, sợ hãi, hoảng loạn, lượng oxy trong cơ thể sẽ ngày càng ít, khiến tình trạng ngạt thở trầm trọng hơn. Không những thế, những người có chiều cao khiêm tốn khi bị mắc kẹt trong đám đông sẽ dễ bị thiếu oxy hơn.
Một nguyên nhân khác cũng có thể gây tử vong khi mắc kẹt trong đám đông là hít phải các chất trong dạ dày. Áp lực từ cả hai phía của đoàn người có thể khiến các chất trong dạ dày trào lên, lọt vào đường thở gây chết ngạt.
Ngoài ra, các ca tử vong cũng có thể xảy ra sau khi thoát khỏi đám đông giẫm đạp nhưng không thể chống chọi nổi với vết thương do giẫm đạp, chèn ép gây ra. Những tổn thương cơ khi mắc kẹt trong đám đông có thể dẫn đến tình trạng đe dọa tính mạng khi các mô cơ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, gây hại cho tim hoặc thận.
Tình trạng tổn thương nội tạng, đặc biệt là phổi và tim, cũng như xuất huyết nội, gãy xương, chấn thương tủy sống, chấn thương ở đầu, chấn thương vùng ngực, bụng... cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong.
Cân nhắc khi đưa trẻ tới sự kiện đông người
Chị Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - chia sẻ, sẽ có những lần các phụ huynh đưa con tham gia lễ hội đông người. Vì vậy, cha mẹ có thể tham khảo một số mẹo để giữ bản thân và trẻ an toàn hơn.
Tuy nhiên, an toàn nhất là các phụ huynh nên cân nhắc cẩn thận xem có nên cho trẻ đến những sự kiện quá đông hay không. Trước hết, để ngăn ngừa thương tích, phụ huynh cần dạy trẻ tìm hiểu về lối ra/ lối thoát khi bắt đầu đến. Đồng thời, cân nhắc rời đi nếu đám đông có dấu hiệu trở nên mất kiểm soát. Lưu ý không mặc quần áo rộng hoặc phụ kiện gây vướng. Bởi, những thứ như vậy có thể khiến chúng ta bị kéo đi.
Cha mẹ cũng nên nhắc trẻ đi giày bít mũi và buộc dây để tránh bị vấp ngã. Tránh đứng trên hoặc gần các công trình mới dựng phục vụ sự kiện có thể sụp đổ (giàn sân khấu, giàn để loa...). Trẻ cũng cần biết rằng, nên đi xung quanh thay vì xô đẩy đám đông. Ngoài ra, gia đình có thể về sớm hoặc muộn hơn để tránh vội vàng khi sự kiện kết thúc.
"Nếu bị kẹt trong một đám đông đang di chuyển, hãy đi ngang hoặc chéo qua đám đông đó để tìm cách thoát ra. Mang theo một chai nước để tránh mất nước. Khi di chuyển, hãy để tay trước ngực", chị Phan Hồ Điệp khuyến cáo.
Bên cạnh đó, những sự kiện trong đám đông cũng là nơi thuận lợi cho những kẻ gian thực hiện hành vi trộm, cắp. Do đó, để ngăn ngừa bị lấy trộm, móc túi, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chỉ mang theo một giấy tờ tùy thân, tiền mặt và một thẻ tín dụng. Để các vật dụng quan trọng trong túi trước. Đồng thời, quấn dây chun quanh ví để khó lấy ra khỏi túi hơn. Chọn một chiếc túi có khóa kéo, nút hoặc khóa cài và dây đeo ngang người.
Việc trẻ bị lạc trong đám đông là điều bất kỳ cha mẹ nào cũng lo sợ. Vì vậy, theo giảng viên Phan Hồ Điệp, cha mẹ cần thực sự để mắt đến con. Ngoài ra, phụ huynh nên mặc cho con quần áo sáng màu hoặc họa tiết độc đáo. Trước khi ra khỏi nhà, cha mẹ hãy chụp ảnh con. Giả sử có tình huống không may là con bị lạc, phụ huynh sẽ có ảnh cập nhật của trẻ, cũng như những gì bé đang mặc để trình báo.
Cha mẹ cũng nên chọn một địa điểm để hẹn với con trong trường hợp bị lạc. Nhắc con tránh người lạ và hướng dẫn trẻ về nhân viên, những người trợ giúp mà bé có thể tìm. Phụ huynh cũng nên đặt số điện thoại của mình trong túi con. Đồng thời, sạc pin điện thoại trước khi tới sự kiện đông người.
Nữ giảng viên chia sẻ, sau thảm họa giẫm đạp xảy ra ở Iteawon, khi nhắn tin với con trai, lòng chị bỗng dấy lên những lo âu. Bởi, là một phụ huynh, chị biết rằng, tuổi trẻ, sẽ có nhiều lần các con muốn tham gia những sự kiện đông người, náo nhiệt.
Song, chị Phan Hồ Điệp luôn nhắc con một điều để áp dụng bất cứ khi nào đó là: Đừng hoảng loạn. Điều quan trọng là phụ huynh cũng cần nói điều đó để tự nhắc mình mỗi khi gặp khó khăn, ngay cả không ở trong đám đông.
Trẻ cần được trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân trong đám đông. Ảnh minh họa.
Đối phó khi bị ngã
Trong khi đó, chị Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cho rằng, việc dạy trẻ biết cách tránh, phòng trước mối nguy hiểm vẫn tốt hơn là để con rơi vào tình huống đó và không biết cách đối phó. Do đó, cha mẹ phải hướng dẫn trẻ một số mẹo cần thiết.
Đặc biệt, khi đến địa điểm giải trí, đông người nào đó, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ quan sát, lưu ý tất cả các lối thoát ngay khi vừa tới. Làm quen với môi trường xung quanh và xác định các lối ra thay thế. Nhờ vậy, trẻ sẽ nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm khi đã biết lối thoát nằm ở đâu.
Trẻ cũng cần nhận biết địa hình nơi mình đang đứng. Bởi, khi đám đông di chuyển trên mặt đất ẩm ướt, mấp mô hoặc trơn trượt, gần ao hồ... sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta bị ngã, rơi.
"Các phụ huynh hãy dạy trẻ nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, chúng ta nên xem xét rời khỏi đó. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy tiếc nuối nếu phải rời sự kiện. Bởi, có thể các con đã phải đi một quãng đường dài hoặc chờ rất lâu để tham gia sự kiện đó. Tuy nhiên, trẻ nên nhớ, chỉ một vài giây thôi cũng đủ tạo ra sự khác biệt", giáo viên Mai Chi chia sẻ.
Tuy nhiên, nữ giáo viên khuyến cáo, cha mẹ không nên cho trẻ tới những sự kiện, khu vực có quá đông người. Bởi, người già, phụ nữ và trẻ em luôn là những nhóm dễ bị tổn thương nhất khi tình huống bất trắc xảy ra.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ về nguyên lý di chuyển của đám đông. Nguyên lý đó giống như một làn sóng nên bao giờ cũng có thời gian tạm lắng. Đó chính là cơ hội để di chuyển. Cách di chuyển là theo đường chéo và luôn luôn có khoảng không gian mở giữa người với người nên phải chớp thời cơ, tận dụng để di chuyển sang bên, dần tiến ra ngoài. Lưu ý, trẻ nên để tay trước ngực giống như một võ sĩ quyền anh để bảo vệ ngực và dễ dàng di chuyển hơn.
"Trong trường hợp bị ngã, trẻ cần nhanh chóng đứng dậy. Nếu không thể đứng dậy, trẻ cần di chuyển bằng cách bò cùng hướng với đám đông. Nếu không làm được, con có thể nằm cuộn tròn người lại theo tư thế thai nhi.
Theo hướng dẫn trong cuốn "Để sống sót trong tình huống khắc nghiệt nhất" của tác giả David Borgenicht và Molly Smith, tư thế đó được mô tả là vòng tay qua đầu, gập đầu gối vào sát ngực", giáo viên Mai Chi cho biết.
"Các phụ huynh cần dạy trẻ rằng, nếu chẳng may ở trong đám đông di chuyển thì không nên chống lại, không cố gắng đi ngược chiều, không đứng im hoặc ngồi xuống. Bởi, như thế sẽ bị xô ngã và bị giẫm đạp. Trẻ không nên cố chạy thật nhanh để thoát ra, làm như thế càng dễ có nguy cơ bị xô đẩy và ngã", chị Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đưa ra lưu ý.
Theo giaoducthoidai.vn