Giáo dục mầm non
   Tạo nguồn lực phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập
 

Những năm gần đây, giáo dục mầm non (GDMN) phát triển về quy mô, mạng lưới trường, lớp và chất lượng.

 

Giờ chơi của trẻ Trường Mầm non Eduplay Hà Nội.

Trong đó hệ thống các cơ sở GDMN ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp - chế xuất đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập. Tuy nhiên, để hệ thống này phát triển mạnh đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân cần có sự quan tâm nhiều hơn về chính sách và nguồn lực.

Những con số biết nói

Tính đến hết năm học 2021 - 2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non (bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non), trong đó có 15.385 cơ sở GDMN độc lập. Tổng số cơ sở GDMN trên toàn quốc là 30.786 (bao gồm trường mầm non và cơ sở GDMN độc lập); toàn quốc có 51,4% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, huy động khoảng 5,3 triệu trẻ em tới trường, lớp. Cả nước có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi. Để có được con số ấn tượng này, có phần đóng góp không nhỏ của hệ thống cơ sở GDMN ngoài công lập.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành Trung ương là một trong những tác nhân quan trọng đem đến thành công. Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa, trợ cấp trẻ em con công nhân và hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non (GVMN) cho các địa phương tăng dân số cơ học.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở GDMN ngoài công lập. Chủ động ban hành một số Thông tư của Bộ GD&ĐT nhằm tạo hành lang pháp lý giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về GDMN và tạo điều kiện thúc đẩy GDMN ngoài công lập hoạt động ổn định và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn cần nhiều hơn nữa chính sách để tạo nguồn lực cho GDMN ngoài công lập phát triển.

Hạn chế cần tháo gỡ

NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, chuyên gia GDMN độc lập, phân tích: Hiện, các cơ sở GDMN ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với các trường công lập trong điều kiện thiếu giáo viên và nơi học cho trẻ trong độ tuổi đến trường là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế để hệ thống này phát triển, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp chung.

 

Nuôi dạy chất lượng tại Cơ sở GDMN độc lập MerryStar, Hà Nội.

Như việc ban hành các chính sách về phát triển GDMN, đẩy mạnh xã hội hóa GDMN vẫn còn chậm. Phần lớn các địa phương chưa ban hành được các chính sách mạnh để thu hút nguồn lực phát triển GDMN tư thục. Đơn cử như thực hiện chính sách quy hoạch đất đai dành cho GDMN tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất còn bất cập.

Còn PGS.TS Nguyễn Bá Minh lại đưa ra dẫn chứng về tính thụ động của một số địa phương. Nghị định 105/2000/NĐ-CP hỗ trợ phát triển GDMN sau 2 năm ban hành vẫn còn 8 địa phương chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để triển khai các chính sách theo quy định của Chính phủ.

Chính sách cho các cơ sở GDMN, nhà giáo tại khu công nghiệp, khu chế xuất và trẻ con công nhân đến nay vẫn trong quá trình khảo sát, chưa đến được với đối tượng thụ hưởng. Cũng như vậy, chính sách đất đai, quy hoạch cho các cơ sở GDMN ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy nhiều nơi không còn quỹ đất để xây dựng trường mầm non.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cũng đánh giá: Phần lớn các địa phương chưa ban hành được chính sách mạnh để thu hút nguồn lực phát triển GDMN tư thục.

Ngân sách chi sự nghiệp chủ yếu là chi cho con người, nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ tối thiểu chi cho chuyên môn trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg (trước năm 2022) và tối thiểu 19% theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg. Chi cho các hoạt động giảng dạy và hoạt động GDMN chiếm tỷ lệ còn thấp. Thực trạng này đã tạo ra những khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục.

Kiến nghị từ cơ sở

Chỉ ra những hạn chế cần sớm xóa bỏ, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng: Đầu tư cho GDMN chưa thực sự công bằng khi nguồn ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống giáo dục công lập và dành cho trẻ em tại các cơ sở công lập; chưa có sự hỗ trợ thỏa đáng đối với trẻ em thuộc các gia đình khó khăn do các yếu tố khách quan không thể vào học tại trường công lập mà phải học tại các cơ sở ngoài công lập với chi phí cao. Như ở các khu công nghiệp, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phục vụ con công nhân có mô hình hoạt động linh hoạt, chi phí thấp phù hợp với công nhân nhưng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế do thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn cho trẻ.

Là một trong những địa phương có nhiều cơ sở GDMN độc lập tư thục đáp ứng yêu cầu gửi con em công nhân làm việc tại khu công nghiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phạm Khương Duy kiến nghị: Việc thực hiện quy định cho tổ chức, cá nhân thuê cơ sở vật chất hiện có của Nhà nước làm cơ sở GDMN ngoài công lập với mức phí ưu đãi; sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập (theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015) cần đẩy mạnh thực hiện. Có cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó cần tạo quỹ đất sạch giao cho các nhà đầu tư…

Từ thực tế quản lý và phát triển GDMN ngoài công lập trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, ông Vũ Đức Thọ cho rằng: Nên tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, gắn với khu nhà ở tại các KCN, KCX phục vụ con công nhân lao động. Đẩy mạnh các mô hình phù hợp với chủ trương xã hội hóa GDMN trong điều kiện hiện nay để huy động nguồn lực cho phát triển GDMN, đặc biệt là xây dựng trường cho con em công nhân…

 

Dĩ Hạ

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tao-nguon-luc-phat-trien-giao-duc-mam-non-ngoai-cong-lap-post615062.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phiếu chuyển từ mầm non lên tiểu học giúp giáo viên không phải 'dò đường' (11/11)
 Hội thảo Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn mới (10/11)
 Mở rộng đối tượng (10/11)
 'Luồng gió mới' cho giáo dục Mầm non Đồng bằng sông Cửu Long (9/11)
 Bồi dưỡng giáo viên mầm non: Sợi dây kết nối cộng đồng (3/11)
 'Lượm nhặt' những đổi thay (27/10)
 Vai trò lớn của ‘thuyền trưởng’ trong đổi mới giáo dục mầm non (24/10)
 Quảng Ngãi dự kiến chi hơn 16 tỷ đồng nâng trình độ chuẩn giáo viên (22/10)
 Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” (19/10)
 Rõ người, rõ việc trong kiểm tra giám sát bữa ăn bán trú (19/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i