Nhiều cán bộ quản lý bậc học mầm non đề xuất, để duy trì kết quả phổ cập mầm non 5 tuổi, cần có phiếu chuyển đánh giá trẻ từ mầm non lên tiểu học.
Các hoạt động cắt dán, tô màu, vẽ tranh... đều chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ 5 tuổi thích ứng với môi trường tiểu học.
Trẻ mầm non 5 tuổi cần được chuẩn bị kỹ năng thích ứng với lớp 1
Giờ học khám phá khoa học Vòng tuần hoàn của nước, sau khi xem đoạn phim ngắn, các bé lớp Lớn 2 (Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cô giáo hướng dẫn chơi trò chơi. Mỗi bé được cô giáo phát cho một túi zip, một cây bút lông. Các bé tự vẽ ông mặt trời, đám mây, hạt mưa rơi xuống. Được tự tay đổ nước vào túi zip rồi phơi nắng cho nước bốc hơi lên. Vòng tuần hoàn của nước, với trẻ 5 tuổi, trở nên dễ nhớ hơn thông qua các trò chơi.
Trẻ lớp Lớn 2, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với giờ học Khám phá khoa học Vòng tuần hoàn của nước.
Theo bộ chuẩn trẻ mầm non 5 tuổi, trẻ mầm non sẽ được trang bị tốt các kỹ năng tiền học đường để cho trẻ tập tô, làm quen với chữ cái, tập đếm… thông qua các trò chơi. Hầu hết phụ huynh đều cho rằng, đọc thông, viết thạo, làm toán được là trẻ đủ hành trang để vào lớp Một.
Tuy nhiên, theo như nhận xét của cô Trương Thị Nhã Trúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng) thì trẻ mầm non 5 tuổi cần được chuẩn bị các kỹ năng như sự tập trung, khả năng tuân thủ kỷ luật của lớp học, khả năng hợp tác với giáo viên, bạn bè trong bài học. Những điều này rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả học tập của học sinh lớp Một”.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngoài các chuyên đề làm quen với Tiếng Việt, làm quen với Toán, tập tô… trẻ mầm non 5 tuổi còn được chuẩn bị các kỹ năng để sẵn sàng thích ứng với môi trường học tập mới ở tiểu học.
Trong tất cả kỹ năng học đường cần có thì khả năng tập trung của trẻ trong thời gian đầu của năm học lớp Một là khó nhất. Theo bà Cẩm Tú, những hoạt động như tập vẽ, cắt, xé, dán giấy, tô màu, tô chữ… ngoài rèn luyện cổ tay để chuẩn bị cho những tiết tập viết ở lớp Một, còn giúp làm gia tăng sự tập trung chú ý cho trẻ. Điều này rất có ích khi trẻ vào lớp Một.
Trẻ mầm non 5 tuổi học ghi nhớ chữ cái thông qua các trò chơi. Ảnh: Giờ hoạt động ngoài trời của lớp Lớn, Trường Mầm non Bình Minh.
Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng kể: “Trong thời gian trẻ tạm dừng đến trường vì Covid – 19, một số phụ huynh đã gửi con theo học dự thính lớp Một. Sau một thời gian ngắn khi mở cửa trường học trở lại, số trẻ 5 tuổi ra lớp có tăng dần. Theo tìm hiểu của phụ huynh thì trong hồ sơ nhập học lớp Một cần có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi”.
Qua phản ảnh của giáo viên phụ trách lớp Lớn, đa phần những trẻ có một thời gian theo học dự thính lớp 1, khi trở lại trường mầm non thường rất ngoan. Thế nhưng các em thường không có sự hào hứng khi tham gia các trò chơi. Chủ yếu chỉ làm theo các yêu cầu của cô giáo và ít khi chủ động hợp tác với các bạn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo như phân tích của cô Lai, có thể ở những lớp dự thính, các em chủ yếu chỉ tập viết, ghi nhớ các chữ cái, tập ghép vần chứ không phải học thông qua các trò chơi.
Phổ cập nhưng yếu về chế tài
Bà Đặng Thị Cẩm Tú thông tin rằng, có 2 thời điểm các trường mầm non công lập bị “hụt” sĩ số học sinh ở các lớp 5 tuổi. Đó là đầu năm học và sau Tết Nguyên đán. Nhiều phụ huynh đã cho con nghỉ học ở trường mẫu giáo để chỉ tập trung cho việc học chữ nhằm giúp con tự tin khi vào lớp Một.
Hầu hết các trường mầm non công lập đều thực hiện tốt quy định không dạy trước chương trình lớp Một cho trẻ mẫu giáo. Nhưng không ít trường tư thục “xé rào” dạy chữ cho trẻ 5 tuổi. Sự “cạnh tranh” giữa trường mầm non tư thục trong việc dạy chữ, cùng với các lớp dự thính nở rộ với mức học phí cũng chỉ tương đương với chi phí cho trẻ đi học mẫu giáo đã khiến phụ huynh cho con học trước chương trình lớp Một suốt một năm học.
Các hoạt động vui chơi, học tập của trẻ mầm non 5 tuổi đều tham gia hình thành kỹ năng thích ứng với môi trường Tiểu học.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú cho biết, có những trường tiểu học, khi nhận hồ sơ tuyển sinh lớp Một, đã không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mầm non. Hiện nay, các địa phương đều đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Thế nhưng, việc phổ cập cũng chỉ mang tính chất vận động trẻ ra lớp là chủ yếu và không có “chế tài” kèm theo, tối thiểu là giấy chứng hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi. Vì vậy, vẫn còn một tỉ lệ trẻ 5 tuổi ở ngoài trường mầm non, kể cả công lập và tư thục.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, các trường mầm non lâu nay đã tiến hành đánh giá trên từng trẻ.
“Việc đánh giá trẻ nhằm giúp giáo viên thấy được khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá sự phát triển của trẻ phải dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ” – cô Trâm chia sẻ.
Giáo viên đứng lớp sẽ đánh giá sự phát triển của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu. Kết quả đánh giá được sử dụng để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp. Giáo viên phải tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về hứng thú, cách thức và tốc độ học tập; chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
Hà Nguyên
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phieu-chuyen-tu-mam-non-len-tieu-hoc-giup-giao-vien-khong-phai-do-duong-post614694.html