Tâm lý
   Thể hiện sự tôn trọng trong giao tiếp
 

Giao tiếp - một trong những kỹ năng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày - không chỉ đơn thuần là hoạt động nghe và nói.

 

Trẻ cần tập nói những lời lễ phép và tự nhiên. Ảnh minh họa

Trong giao tiếp, trẻ cần thể hiện sự tôn trọng qua các khía cạnh như: Biết nói lời xin lỗi, cảm ơn; Không cướp lời, nói leo khi người khác nói.

Kỹ năng mang tính thực hành

Ở trẻ nhỏ, kỹ năng giao tiếp được phát triển theo từng giai đoạn khác nhau. Từ lúc sơ sinh, trẻ đã biết giao tiếp qua các cử động tay chân, tiếng khóc. Ở mốc 3 tuổi, trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ, thái độ, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp. Giao tiếp cũng được coi là “công cụ” để trẻ tồn tại và phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, nên dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ ngay từ nhỏ. Bởi, ở giai đoạn này, não bộ của trẻ đang phát triển và dễ dàng tiếp thu nhanh. Những trẻ giao tiếp tốt sẽ biết vận dụng ngôn ngữ linh hoạt, ứng xử lễ phép, thể hiện rõ quan điểm và cá tính. Nhờ đó, trẻ sẽ có nền tảng vững chắc hơn trong tương lai, tạo mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và dễ thành công hơn.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, giao tiếp là một trong những kỹ năng mang tính thực hành rất nhiều. Bởi, thực tế, những lời dạy lý thuyết không những không đem lại kết quả tốt, mà đôi khi còn phản tác dụng. Trẻ sẽ nhìn vào hành động của người lớn nhiều hơn nghe theo những gì được dạy.

Thực tế, cha mẹ cũng có những khó khăn và hạn chế về năng lực cũng như tính cách. Song, điều quan trọng là phụ huynh không nên che đậy, giấu hay đóng kịch trước mặt trẻ. Các em sẽ nhận ra điều này và không còn tin vào cha mẹ. Theo ông Lê Khanh, đó là điều nguy hiểm nhất. Điều quan trọng là cha mẹ cần giáo dục con bằng cả tấm lòng với sự trung thực. “Đôi khi, ngay cả với những ứng xử và ngôn ngữ vụng về của bố mẹ lại có tác động mạnh mẽ đến con, hơn là những hành vi và lời nói hoa mỹ ‘đúng chuẩn quốc tế’”, chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Khanh, phụ huynh nên tránh hoặc hạn chế tối đa những câu nói bóng gió, có ý nghĩa ẩn dụ. Ví dụ, nếu không muốn trẻ đi ra ngoài sân, cha mẹ cần nói thẳng: “Mẹ không muốn con ra ngoài sân lúc này”, thay vì: “Ừ có giỏi thì cứ đi đi”. Câu nói đó sẽ khiến trẻ hoang mang trước thái độ của cha mẹ. Dần dần, trẻ sẽ không muốn giao tiếp với cha mẹ nữa. Bởi, thực tế, trẻ không hiểu điều cha mẹ muốn.

“Ngoài ra, với trẻ nhỏ thì phạm vi giao tiếp còn rất hạn chế cũng như đơn giản. Thông thường, trẻ chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình. Nếu tiếp xúc với người lạ thì cũng có bố mẹ ở bên cạnh để ‘đỡ đòn’. Vì thế, không nhất thiết phải dạy trẻ quá nhiều thứ. Song, một trong những điều mà trẻ cần phải học và nhận biết đầy đủ, đó là tính tôn trọng”, ông Lê Khanh nhấn mạnh. Sự tôn trọng được thể hiện qua các khía cạnh như: Biết nói lời xin lỗi, cảm ơn; Không cướp lời, nói leo khi người khác nói. Không tự tiện lấy và sử dụng đồ dùng của người khác.

Theo chuyên gia này, trẻ sẽ được học cả ba kỹ năng đó một cách hiệu quả nhất qua sự làm gương của phụ huynh. Đó là khi cha mẹ cảm ơn và xin lỗi những người tiếp xúc trên đường phố, cũng như ở trong gia đình.

 

Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp thường xuyên sẽ giúp trẻ tự tin khi trò chuyện. Ảnh minh họa

Quy tắc giao tiếp

Ông Lê Khanh nhấn mạnh, ngay từ nhỏ, trẻ cũng cần phải biết những hạn chế về không gian và thời gian. Ví dụ, trẻ cần hiểu rằng, trong nhà, có những chỗ không thể chơi đùa, có khu vực con được chơi tự do. Trong việc ăn uống, vui chơi cũng có những mốc thời gian. Cụ thể, trẻ sẽ có những khoảng thời gian nhất định dành cho việc ăn uống, chơi đùa và học tập. Trẻ cũng cần có lịch hoạt động cho các công việc của mình từ sáng đến chiều. Nhờ đó, giúp trẻ có sự ổn định và hình thành tư duy logic. Trẻ sẽ biết cái gì xảy ra trước, cái gì sẽ đến. Nhờ đó, có được những chuẩn bị và đáp ứng thích hợp.

“Đối với người lớn, trẻ cần được tập nói những lời lễ phép và tự nhiên. Lời nói không quá màu mè và hình thức, nhưng cũng không được phép cộc lốc và suồng sã. Với điều này, trẻ sẽ học được hiệu quả thông qua cách giao tiếp và ứng xử của bố mẹ với người khác. Chúng ta sẽ không thể cấm trẻ nói thô lỗ nếu chính bố mẹ thích “xả rác bằng miệng”. Chúng ta cũng không thể buộc trẻ lễ phép khi bố mẹ không có những hành vi lịch sự tối thiểu”, ông Lê Khanh cho biết.

Ngoài bố mẹ, trẻ có thể bắt chước các hành vi và ngôn ngữ không thích hợp ở họ hàng, những người giúp việc hay thậm chí cả hàng xóm. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý đến những nguồn có khả năng gây ảnh hưởng tới lời nói và hành động của trẻ.

 

Cha mẹ cần hỗ trợ trẻ phát triển các “kỹ năng tiền ngôn ngữ” trong giao tiếp. Ảnh minh họa

Kỹ năng tiền ngôn ngữ

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), ngôn ngữ là một quá trình, kỹ năng phức tạp kết hợp khả năng suy nghĩ và phối hợp. Để đạt điều đó, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ phát triển các “kỹ năng tiền ngôn ngữ” trong giao tiếp. Trước hết, một trong những kỹ năng tiền ngôn ngữ là tiếp xúc mắt. Đây là hành động được dùng để yêu cầu, chào hỏi hoặc chú ý trực tiếp. Đồng thời, là một trong những phương tiện giao tiếp sớm nhất.

Cha mẹ có thể ngồi đối diện, đặt trẻ trên ghế cao. Hoặc, đặt trẻ trên ghế và cha mẹ ngồi dưới sàn. Sau đó, đưa đồ chơi ngang tầm mắt của cha mẹ và trẻ. Đây là điều quan trọng trong bước đầu thiết lập tiếp xúc mắt mà cha mẹ cần chú ý. Tương tự khi trẻ có nhu cầu đòi đồ vật hoặc đồ chơi, cha mẹ cần ngồi ngang bằng chiều cao của con. Sau đó, cầm đồ vật hoặc đồ chơi, đưa gần ngang tầm mắt của cha mẹ và trẻ. Tiếp tục để trẻ nhìn, gọi tên món đồ. Khi chơi cùng trẻ, cha mẹ cũng đưa đồ chơi lên, gọi tên món đồ. Sau khi trẻ nhìn, cha mẹ đưa món đồ cho con. Phụ huynh có thể thực hiện lặp lại nhiều lần với đồ chơi khác nhau.

Bên cạnh đó, chơi ú òa cũng là một phương pháp hiệu quả trong việc rèn cho trẻ các kỹ năng tiền ngôn ngữ. Cha mẹ có thể sờ mũi trẻ và bản thân. Sau khi trẻ nhìn, dù trong thời gian rất ngắn, cha mẹ hãy khen bé: “Con nhìn giỏi”. Phụ huynh có thể thực hiện tương tự khi sờ vào má, trán… của trẻ. Khi trẻ tăng tiếp xúc mắt với cha mẹ, hãy gợi ý bằng lời “Nhìn”. Khi trẻ nhìn cha mẹ, phụ huynh cũng hãy nhìn lại con.

“Chỉ ngón trỏ là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Là cách trẻ chỉ để thể hiện sự tò mò về thế giới xung quanh. Đó cũng là cách trẻ thể hiện nhu cầu bản thân cho chúng ta biết bé đang muốn gì. Đồng thời, giúp ta hiểu về khả năng nhận thức hiện tại của trẻ”, chuyên gia cho biết.

Để dạy trẻ chỉ ngón trỏ, cha mẹ có thể chỉ vào một vật ở gần. Hãy ngồi trên ghế ngang với trẻ, đưa một đồ vật mà trẻ thích lên, ví dụ như xe. Hỏi trẻ: “Con muốn gì?”. Sau đó, nắm tay trẻ định hình thành ngón trỏ chỉ vào bánh và đưa xe cho trẻ. Cha mẹ có thể vỗ tay hoan hô con. Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con chỉ vào một vật ở gần trẻ thích. Cha mẹ cần ngồi ngang tầm với trẻ, đưa vật bé thích và không thích, hỏi “Con muốn gì?”. Sau đó, nắm tay trẻ định hình ngón trỏ, chỉ vào vật bé thích. Cha mẹ hãy đưa vật trẻ thích cho con. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ chỉ vào đồ vật đặt ở trên cao, hoặc chỉ vào vật mà không gợi ý bằng lời nói.

Chơi luân phiên cũng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả để dạy trẻ các kỹ năng tiền ngôn ngữ. Chơi luân phiên là kỹ năng bắt đầu lúc chơi cũng như tập trung chú ý và tương tác. Chơi luân phiên giúp trẻ học cách cho và nhận. Cha mẹ hãy cho trẻ chơi món đồ chơi yêu thích, trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, cha mẹ cho trẻ đồ chơi khác và yêu cầu con đưa cho mình món đồ trước đó.


Vân Huyền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/the-hien-su-ton-trong-trong-giao-tiep-post612785.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Sợi dây kết nối (28/10)
 Sai lầm khi dạy con sợ cả thế giới (26/10)
 Chuyên gia tâm lý Mỹ tiết lộ 3 điều giúp trẻ tự tin trong thời gian ngắn (22/10)
 Cách bố mẹ giúp con hứng thú làm việc nhà (21/10)
 4 nguyên tắc dạy con kinh điển của người nổi tiếng trên thế giới (14/10)
 5 tác hại khi cha mẹ yêu con không đúng cách (13/10)
 5 lý do cha mẹ cần dạy con giữ vững lập trường (12/10)
 Đừng nhầm giữa tự trọng và tự ái ở trẻ (11/10)
 'Chìa khoá' xây dựng lòng tự trọng ở trẻ (11/10)
 9 cách cha mẹ cần làm để con trẻ cảm thấy an toàn (7/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i