Dạy con sợ hãi những mối nguy hiểm có thể bảo vệ con tránh được vài vết trầy xước, bầm tím, nhưng cũng tước đi cơ hội tỏa sáng, thành công của con.
Steve Jobs từng nói có con giống như "trái tim chạy ra ngoài cơ thể bạn". Con cái mang lại cho chúng ta bao nhiêu niềm vui, cũng đi đôi với chừng ấy nỗi lo lắng.
Trên Tạp chí Tâm lý học tích cực năm 2021, các nhà tâm lý học Jeremy D. W. Clifton và Peter Meindl nói rằng 53% người được hỏi khẳng định họ có niềm tin rằng "thế giới nguy hiểm với con trẻ".
Điều đó đúng từ thời xa xưa, nhưng theo giáo sư Đại học Harvard Arthur Brooks, ngày nay các bậc cha mẹ thường phóng đại nỗi sợ hãi. Bị tấn công bởi những hình ảnh, tin tức về thế giới đầy khó khăn, phức tạp, cộng thêm sự lo lắng của thời đại, nhiều bậc cha mẹ hiện đại đã dạy con rằng thế giới là một nơi đáng sợ và nguy hiểm.
Dạy trẻ sợ hãi quá đáng sẽ tước đi cơ hội dám nói, dám làm của trẻ. Ảnh: Smartparents
Theo dữ liệu năm 2018 từ OnePoll and the Lice Clinics of America, cha mẹ dành trung bình 37 giờ mỗi tuần lo lắng cho con. Đứng ở vị trí số một là lo lắng về an toàn khi con đi học.
Một báo cáo năm 2015 từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy các bậc cha mẹ nói rằng trẻ từ 10 tuổi trở lên chỉ được chơi không có người giám sát ở sân nhà mình, 12 tuổi mới được ở nhà một mình trong một giờ và 14 tuổi được một mình tại công viên.
Giáo sư Brooks lập luận, phụ huynh tin làm vậy sẽ bảo vệ được con khỏi nguy hiểm, nhưng những việc đó sẽ khiến con bạn không được hạnh phúc và thành công. Trên thực tế, nỗi sợ hãi không giúp trẻ an toàn nhưng nó khiến chúng kém thành công.
Những đứa trẻ được dạy rằng thế giới là một nơi đáng sợ và nguy hiểm "kém lành mạnh hơn so với bạn bè cùng trang lứa, thường xuyên buồn, dễ bị trầm cảm và ít hài lòng hơn với cuộc sống của mình". "Chúng cũng có xu hướng không thích công việc của mình và làm việc kém hơn những người tích cực", Brooks nói.
Đó thậm chí không phải là tác hại duy nhất khi dạy con sợ hãi quá mức. Các nghiên cứu cho thấy càng sợ hãi thế giới, trẻ càng có nhiều khả năng thể hiện "thành kiến và sự thù địch đối với các nhóm người yếu thế, hay những người mà chúng coi là mối đe dọa đối với sự an toàn của mình".
Một loạt nghiên cứu khác cũng cho thấy việc chơi có chọn lọc đang làm tổn hại đến các kỹ năng xã hội và khả năng phục hồi của trẻ.
Nhưng có lẽ tệ nhất, nghiên cứu chỉ ra rằng nỗi sợ hãi này thậm chí không bảo vệ trẻ được an toàn. Những đứa trẻ luôn lo lắng thường đánh giá xem tình huống đó có nguy hiểm hay không kém hơn người khác.
Từ những kết quả này, Brooks gợi ý một cách để tránh gieo rắc quá nhiều nỗi sợ hãi cho con.
Chìa khóa để con vẫn an toàn trong khi vẫn cởi mở, sáng tạo và vui vẻ chính là giảm mức độ sợ hãi sao cho nó tương xứng với các mối đe dọa trên thực tế. "Một cách để xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta chỉ đơn giản là nhìn vào sự thật. Thống kê cho thấy vào năm 1935, cứ 100.000 trẻ em từ 1 đến 4 tuổi thì có gần 450 ca tử vong . Ngày nay, cứ 100.000 trẻ em ở độ tuổi đó thì có ít hơn 30 trường hợp tử vong - giảm hơn 10 lần. "Hãy sử dụng kiến thức này để chống lại sự tập trung không ngừng của giới truyền thông vào nỗi sợ hãi và nguy hiểm", ông viết.
Nếu bạn muốn đưa ra một lời cảnh báo cho trẻ để chúng chuẩn bị tốt hơn, hãy tập trung vào một mối nguy hiểm cụ thể mà chúng có thể gặp phải và cách đối phó. Thay vì nói "Sẽ có người cố gắng lợi dụng con ở trường đại học", hãy nói "Nếu ai đó đang cố gắng khiến con uống nhiều, hãy tránh người đó".
Thế giới cho cha mẹ lý do để sợ hãi, nhưng đừng để nỗi lo của bạn di căn thành sự cảnh giác với mọi thứ. Con cái có thể là trái tim nằm bên ngoài lồng ngực của bạn nhưng chúng vẫn cần được tự do chạy. Bao bọc chúng trong nỗi sợ có thể ngăn ngừa con khỏi trầy xước và bầm tím nhưng cũng sẽ ngăn con lớn lên hạnh phúc và thành công như con có thể.
Bảo Nhiên
(Theo Inc/Atlactic)
Nguồn: https://vnexpress.net/sai-lam-khi-day-con-so-ca-the-gioi-4527829.html