Tâm lý
   Cách dạy trẻ đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau
 

Làm thế nào để dạy trẻ biết cách đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau luôn là mối băn khoăn của các bậc cha mẹ. 

 

Một trong những yếu tố quan trọng để đoàn kết là biết yêu thương. Ảnh minh họa

Sự ích kỷ, sở hữu cao, dường như là bản tính tự nhiên của bất kỳ đứa trẻ nào. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ thường có suy nghĩ phải cố gắng giành lấy cho riêng mình, không chịu chia sẻ.

Cha mẹ có thể nói về những đức tính đơn giản để giúp trẻ dễ hình dung về sự đoàn kết. Thực tế, đoàn kết chính là tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ, hỗ trợ.

Giá trị nền tảng

“Ngày xưa, có một người nhà giàu sinh được 5 người con. Vì được nuông chiều, 5 người con sinh ra lười biếng, ích kỷ và ỷ lại. Khi đã trưởng thành, mỗi người đều có cơ ngơi riêng, nhưng luôn ganh tị lẫn nhau vì của cải mà cha mẹ cho. Người cha cố gắng khuyên can con, nhưng vô ích.

Ít lâu sau, người cha bị bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, một hôm, ông gọi 5 người con đến và bảo gia nhân đem ra một bó đũa. 5 người con ngơ ngác không hiểu cha có ý định gì. Người cha cầm lấy bó đũa và bảo từng người bẻ. Người con nào cũng gắng hết sức nhưng không sao bẻ nổi. Lúc đó, người cha lại bảo: “Các con hãy bẻ từng chiếc một xem sao”.

Lập tức, 5 người con bẻ một cách dễ dàng. Lúc đó, người cha nói: “Các con ạ, bó đũa ví như 5 anh em các con đó. Nếu mỗi người các con đều chung tay gánh vác một việc, thì không kẻ thù nào làm các con gục ngã. Song, nếu các con chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ trở nên lẻ loi và thất bại trong cuộc đời. Nếu các con đoàn kết và thương yêu lẫn nhau thì cha mới có thể yên tâm mà nhắm mắt”. Nghe xong, 5 anh em mới hiểu lời người cha dạy. Họ vô cùng hối hận về những việc đã làm”.

Câu chuyện được cho là lời nhắn nhủ sâu sắc về tình đoàn kết trong các mối quan hệ. Sống đoàn kết giúp chúng ta tạo dựng được mối quan hệ xã hội tốt, gắn bó giữa người với người hay anh em ruột thịt với nhau.

Bởi tầm quan trọng lớn của sự đoàn kết, Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 20/12 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại. Trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đoàn kết được xác định là một trong những giá trị nền tảng trong các quan hệ quốc tế ở thế kỷ XXI. Hơn nữa, những người phải chịu thiệt thòi nhất hoặc hưởng lợi ít nhất xứng đáng được hưởng sự giúp đỡ đặc quyền hơn. Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và đối mặt với những thách thức của sự bất bình đẳng, tăng cường đoàn kết quốc tế là điều đặc biệt cần thiết.

 

Nhiều trẻ có tính sở hữu cao, không muốn chia sẻ. Ảnh minh họa.

Đoàn kết là sức mạnh

Không ít phụ huynh ngày nay thường chú trọng tới việc học kiến thức và kỹ năng xã hội của trẻ. Đặc biệt, thành tích học tập tốt của trẻ luôn là điều tự hào của cha mẹ. Song, thực tế, đoàn kết cũng là một kỹ năng mà trẻ cần có. Nhật Bản là một trong những quốc gia được biết đến với cách giáo dục tinh thần đoàn kết cho trẻ vô cùng tuyệt vời.

Ngay từ những năm ở trường mầm non, trẻ em Nhật Bản đã bắt đầu được làm quen với phong cách sống tập thể, biết tôn trọng kỷ luật và pháp luật. Việc tham gia các câu lạc bộ ngay từ tuổi mầm non đã giúp người Nhật làm việc có hiệu quả cao hơn. Bởi, họ thường đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân. Đồng thời, họ sẵn sàng hợp tác, tương tự cách từng làm với đồng đội trong câu lạc bộ thời đi học. Tinh thần đồng đội này đã được hun đúc ngay từ bé và từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Vì vậy, trẻ em Nhật Bản biết giúp đỡ và hỗ trợ nhau từ khi còn rất nhỏ. Các bé luôn biết cách đoàn kết, giúp đỡ để cùng nhau hoàn thành. Từ những hoạt động của lớp, trường, cho đến những trò chơi tập thể, hay những công việc thường ngày, trẻ em đều đề cao tinh thần đoàn kết.

Có thể không phải tất cả các bé đều tham gia chơi và bày biện đồ đạc, nhưng khi dọn dẹp, tất cả sẽ cùng xắn tay vào làm. Không cần biết là ai bày, các bé chỉ quan tâm đến việc làm sao để lớp học được gọn gàng, sạch sẽ.

Một đặc điểm thường thấy nhất là bất kể trường học nào ở Nhật Bản, hằng tháng, hằng năm đều có những hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe và tinh thần đồng đội. Cha mẹ và nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện cho trẻ để bé không bỏ lỡ bất kỳ một hoạt động nào.

Trong khi đó, Do Thái cũng được biết đến là dân tộc có tinh thần hợp tác đoàn kết nhất trên thế giới. Tác phẩm kinh điển “Talmudh” chính là thành quả sáng tạo tập thể của người Do Thái. Khi đất nước Israel được khôi phục, ngoài người dân

Israel, những người Do Thái trên khắp thế giới đã quyên góp được số tiền mặt lớn để phục hưng đất nước. Chính bởi ý thức hợp tác đoàn kết và tinh thần chủ nghĩa tập thể, dù trải qua nhiều khó khăn, người Do Thái vẫn ngoan cường sống, chiến đấu và sinh tồn đến tận ngày nay.

Dù ở trường học hay ở nhà, người Do Thái đều rất coi trọng việc giáo dục tinh thần đoàn kết cho trẻ. Họ cho rằng, đoàn kết mang lại cho con người sức mạnh, giúp con người thành công.

Nhiều dân tộc khác trên thế giới vô cùng tò mò, không hiểu tại sao người Do Thái lại có một tinh thần tập thể và ý thức đoàn kết, hợp tác cao độ đến như thế. Người Do Thái đã trả lời rằng: “Chúng tôi không đoàn kết giúp đỡ nhau, lẽ nào đợi sự giúp đỡ của người khác sao? Nếu chúng tôi không đoàn kết, thì làm sao có thể tồn tại sau nhiều nguy nan và bức hại như vậy?”.

Cha mẹ Do Thái đã dạy con ngay từ khi còn rất nhỏ rằng, cần học cách hợp tác đoàn kết với người khác. Bởi, đoàn kết chính là sức mạnh. Vì vậy, họ hiểu được rằng, việc hợp tác, tương trợ lẫn nhau có thể tạo nên sức mạnh to lớn, giúp con người khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống.

 

Cha mẹ cần dạy trẻ biết đoàn kết. Ảnh minh họa.

Khuyến khích sự đoàn kết

Theo cô Trịnh Mai Chi – giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), việc dạy cho trẻ về tinh thần đoàn kết cả ở nhà và trường là vô cùng quan trọng.

“Đôi khi, đây có thể là một chủ đề khá trừu tượng. Vì vậy, cha mẹ có thể nói về những đức tính đơn giản hơn để giúp trẻ dễ hình dung về sự đoàn kết. Đó là tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc. Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rằng, chúng ta là một phần của xã hội rộng lớn, nhưng cũng có bản sắc của riêng mình”, cô Mai Chi chia sẻ.

Để giáo dục con trở thành người có tinh thần đoàn kết, nữ giáo viên này cho rằng, điều đầu tiên là phụ huynh cần trở thành tấm gương cho con noi theo. Bởi, thực tế, trẻ có xu hướng học và làm theo những hành động của cha mẹ. Vì vậy, khi cha mẹ có những hành vi tốt, trẻ sẽ tự học theo.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng phương pháp kể chuyện để giúp con hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết. Ví dụ, phụ huynh có thể sử dụng những câu chuyện về gia đình, truyền thuyết, truyện cổ tích, hoặc thậm chí là cho con xem một bộ phim về sự đoàn kết… Thông qua những câu chuyện, thước phim, trẻ sẽ hình dung rõ hơn về sự đoàn kết. Bên cạnh đó, theo cô Mai Chi, kể chuyện cũng là cách gắn kết các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, trong những gia đình có 2 con trở lên, không ít phụ huynh đau đầu vì tình trạng cãi nhau, tranh giành đồ ở trẻ. Nhiều phụ huynh than phiền và cho rằng, việc trở thành “quan tòa” bất đắc dĩ khiến các cha mẹ vô cùng mệt mỏi. Vì vậy, để trẻ biết đoàn kết hơn, theo cô Mai Chi, cha mẹ nên dạy con mình biết quan tâm đến nhau. Phụ huynh hãy khuyến khích các con chăm sóc lẫn nhau. Ví dụ, cha mẹ có thể yêu cầu con giúp đỡ mình chăm sóc anh/chị/em của bé.

Một sai lầm không ít cha mẹ mắc phải đó là khuyến khích sự ganh đua giữa các con trong gia đình. Thực tế, cô Mai Chi cho rằng, điều đó khiến trẻ luôn có sự cạnh tranh dù là người một nhà. Vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không khuyến khích sự ganh đua giữa các con. Bởi, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của trẻ.

“Ngoài ra, cha mẹ cũng tuyệt đối không thiên vị các con. Phụ huynh không nên “bênh” bé này và khiển trách bé khác. Hành động đó của cha mẹ sẽ tạo ra sự thù địch giữa các con và để lại tác động tiêu cực”, nữ giáo viên nhấn mạnh.


Vân Huyền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cach-day-tre-doan-ket-va-giup-do-lan-nhau-post608600.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 4 cách dạy con trở thành người có tư duy tốt (17/9)
 Nghiên cứu của MIT: Trò chuyện với trẻ giúp phát triển trí não nhanh nhất (15/9)
 Muốn cải thiện khả năng tập trung và say mê đọc sách ở trẻ cần 2 cách này (15/9)
 Trang bị cho trẻ khi vào lớp 1 (14/9)
 Hai giai đoạn trẻ dễ rơi vào khủng hoảng, cha mẹ không nên lơ là (12/9)
 Người lớn cần làm gì để giúp trẻ mầm non hứng thú học tập? (12/9)
 Cách khơi niềm đam mê học tập ở trẻ (12/9)
 Lời khuyên bất ngờ của chuyên gia giúp cha mẹ nuôi dạy con hạnh phúc (10/9)
 Cha mẹ làm gì khi con nổi nóng? (9/9)
 Làm gì để giúp trẻ biến việc học thành niềm vui? (9/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i