Lớp 1 là cột mốc quan trọng mà các phụ huynh và trẻ cùng nhau trải qua. Đó là khoảng thời gian thú vị giúp trẻ có cơ hội phát triển và học hỏi.
Trẻ cần có một số kỹ năng nhất định khi vào lớp Một.
Đó là khoảng thời gian thú vị giúp trẻ có cơ hội để phát triển và học hỏi. Song, cùng với đó cũng là nhiệm vụ chuẩn bị không hề dễ dàng.
Trẻ em được kỳ vọng sẽ có một số kỹ năng nhất định ở mọi giai đoạn của hành trình giáo dục. Nhiều phụ huynh có thể tự hỏi liệu con mình có các kỹ năng học tập và cảm xúc xã hội cần thiết để phát triển ở lớp Một hay không, cũng như trẻ sẽ học được gì.
Ở trường mẫu giáo, nhiều trẻ em có được cả kỹ năng học tập và xã hội thông qua các phương pháp như học tập dựa trên trò chơi. Khi bắt đầu bước vào giai đoạn tiểu học, trẻ sẽ phải làm quen với cấu trúc lớp học và lịch trình hoàn toàn khác.
Kỹ năng cơ bản trẻ cần biết khi vào lớp Một
Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp nhận ra đâu là những điều khác biệt khi trẻ bước vào lớp Một. Phát triển các kỹ năng xã hội cơ bản trong những năm đầu là điều cần thiết để thành công ở lớp Một. Trẻ sẽ phải biết cách tuân theo các quy tắc trò chuyện, như thay phiên nhau và lắng nghe người khác khi họ đang nói.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ phải biết một số kỹ năng học thuật cơ bản trong các lĩnh vực như toán và đọc viết. Một số trong đó bao gồm: Cộng và trừ các số lên đến 10; Đếm số lượng vật trong một nhóm; Nhận dạng người, địa điểm và sự vật trong ảnh; Trả lời câu hỏi về một đoạn văn hoặc câu chuyện từ giáo viên. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần viết và phân biệt chữ hoa với chữ thường trong bảng chữ cái.
Khi bước ra khỏi trường mẫu giáo và vào lớp Một, trẻ sẽ mang bên mình những kỹ năng và thu nhận các kiến thức nền tảng mới. Điều đó sẽ giúp trẻ tiến bộ và thành công ở lớp Hai. Khi đó, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể nghĩ rằng, trẻ chỉ đang thực hành các kỹ năng mà chúng đã học được ở trường mẫu giáo.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là các nhà giáo dục coi lớp Một là giai đoạn để giúp học sinh hiểu sâu hơn về nhiều khái niệm và thành thạo kỹ năng. Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng không quá quan tâm đến việc yêu cầu trẻ lặp lại ngay lập tức các kỹ năng.
Ví dụ, trẻ cần được hỗ trợ để có thể nắm chắc một số kiến thức khi kết thúc lớp Một, như: Biết phân biệt phải - trái; Đọc và viết các từ thông dụng; Làm việc độc lập trong thời gian ngắn; Viết và đánh vần các từ mới theo phiên âm. Trẻ cũng cần có khả năng đọc to, hiểu sách cấp một; Làm các bài toán cộng và trừ với số từ 0 - 20; Viết các câu đầy đủ với cách viết hoa và dấu câu chính xác; Đọc được thời gian trên đồng hồ kim và đồng hồ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trước đó, phụ huynh cần kiểm tra sự sẵn sàng của trẻ trước khi bước vào lớp Một. Các chuyên gia cho biết, phụ huynh hãy nhớ rằng, mọi đứa trẻ đều học khác nhau. Vì vậy, một số yếu tố có thể được coi là kim chỉ nam trong việc đặt mục tiêu học tập của trẻ.
Mặc dù, nhiều phụ huynh quan tâm đúng mức đến thành công trong học tập, nhưng cũng cần thừa nhận giá trị của việc học tập bằng cảm xúc xã hội. Trên thực tế, việc nuôi dưỡng những kỹ năng mềm này là một khía cạnh then chốt của chương trình học mẫu giáo. Từ chơi với những đứa trẻ khác đến chia sẻ và lắng nghe tích cực, các kỹ năng xã hội không chỉ hữu ích ở lớp học, mà còn cả trong cuộc sống.
Trẻ cần có khả năng tham gia các hoạt động nhóm, giải quyết xung đột bằng lời nói, hoặc yêu cầu sự giúp đỡ của người lớn khi cần thiết. Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con thích ứng với sự thay đổi, chơi, chia sẻ và làm việc với những người khác, cũng như tuân thủ các quy tắc, thói quen của lớp học…
Cha mẹ cần tham gia tích cực vào việc giáo dục con.
Chiến lược từ phụ huynh
Ở lớp Một, giáo viên của trẻ sẽ đề cập đến các loại chiến lược khác nhau để cộng và trừ số lên đến 20 (hoặc nhiều hơn). Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ học những kỹ năng bao gồm cách xem thời gian, trình tự và các phép đo. Để trang bị kỹ năng cho trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:
1. Làm quen với chương trình học lớp 1
Tiêu chuẩn học tập có thể thay đổi khá nhiều giữa các khu vực. Bên cạnh việc hướng dẫn trẻ một số kỹ năng quan trọng, cha mẹ có thể tìm hiểu thêm về chương trình giảng dạy lớp Một.
2. Tích cực tham gia vào việc giáo dục trẻ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tham gia của cha mẹ vào việc giáo dục con là chỉ số tốt nhất cho thành tích của học sinh. Sự tham gia của cha mẹ ở mỗi hộ gia đình có vẻ khác nhau.
Bên cạnh đó, loại hình tham gia cần thiết cũng sẽ khác nhau ở mỗi đứa trẻ. Không ít phụ huynh có lịch trình bận rộn. Điều đó khiến việc hỗ trợ trẻ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tùy vào lịch trình, cha mẹ có thể để lại những lời động viên trong hộp ăn trưa hoặc cặp sách của con. Hoặc, phụ huynh có thể giúp con làm các câu hỏi bài tập về nhà, hướng dẫn trẻ cách đi đúng hướng. Đồng thời, đảm bảo trẻ có quyền truy cập vào các tài nguyên và đủ công cụ học tập như: Thước kẻ, thiết bị di động, bút chì, sách và cặp sách.
3. Tranh thủ họp phụ huynh học sinh
Các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên là một cách tuyệt vời để kết nối với người giảng dạy của trẻ. Nhờ đó, cha mẹ cũng có thể xem xét sự tiến bộ của con mình.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về tình hình của trẻ, giáo viên sẽ có thể trả lời cho các cha mẹ. Nếu có bất kỳ lĩnh vực nào trẻ cần giúp đỡ, việc họp phụ huynh - giáo viên là một cách hoàn hảo để đưa ra kế hoạch phù hợp nhất. Giáo viên cũng sẽ đánh giá cao điều đó, vì thông tin phụ huynh cung cấp có thể giúp họ dạy trẻ hiệu quả hơn.
Kim Dung
Theo Prodigygame
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/trang-bi-cho-tre-khi-vao-lop-1-post607790.html