Dạy thơ cho trẻ như thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết
Thơ ca là tinh hoa của ngôn ngữ, là kết tinh vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ, biết bao điều của cuộc sống được diễn đạt trong thơ một cách uyển chuyển, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh làm nảy sinh trong lòng người đọc những tình cảm thiết tha với cuộc đời, những ước mơ trong sáng về tương lai. Những câu thơ hay không chỉ gieo vần vào lòng chúng ta vẻ đẹp của tiếng nói dân tộc mà còn ánh lên vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam, thiên nhiên việt nam
Thơ ca và trẻ thơ có mối quan hệ mật thiết bởi chất thơ hồn nhiên, chân thực, trong sáng mà cả hai bên đều có. Khó có thể hình dung sự phát triển của trẻ mà thiếu vắng bóng những bài thơ hay cũng như người làm thơ lại thiếu đi sự hồn nhiên chân thực, trong sáng của tâm hồn. Trẻ nhỏ thường đến với thơ ca hồn nhiên như đến với chính mình vậy. Sớm cho trẻ tiếp xúc với thơ ca ngay từ khi còn nằm trong lòng mẹ là điều rất nên làm, vì thơ ca là nguồn dinh dưỡng tâm hồn trẻ em về nhiều mặt:
Trước hết thơ ca giúp trẻ tiếp nhận cái hay cái đẹp trong tiếng nói dân tộc
Ngay tử thuở lọt lòng, trẻ được nghe tiếng hát ru của mẹ cũng là lần đầu tiên trẻ nghe giọng nói của con người - tiếng mẹ đẻ. Tuy trẻ chưa hiểu được nội dung những câu thơ mẹ hát nhưng lại tiếp nhận nhạc điệu vần điệu của nó. Thật tuyệt khi trẻ bắt đầu học nói lại được tiếp xúc với thơ ca, ngày qua ngày âm hưởng của nó cứ thấm dần vào tâm hồn của trẻ. Lời đẹp ý hay của thơ ca sẽ giúp các cháu nói đúng, nói hay, được miễn dịch khỏi thói ăn bừa bãi thô lỗ, thói nói tục chửi bậy: giúp trẻ vươn tới cái đẹp của tiếng mẹ đẻ.
Thơ ca làm giàu cảm xúc trẻ
Thơ ca thể hiện thế giới nội tâm ở nhiều sắc thái cung bậc khác nhau. Có những câu thơ đọc lên nghe thật vui tai, thật sảng khoái. Ngược lại có những câu thơ nghe sao mà da diết, day dứt lòng người. Nhũng sắc thái cảm xúc đó khơi dậy ở trẻ tình cảm sâu đậm về con người, hun đúc ở trẻ một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động khi tiếp xúc với con người và cảnh vật xung quanh bồi bổ lòng nhân ái, lòng yêu quê hương gia đình.
Thơ ca phát triển trí tưởng tượng của trẻ
Sự phản ảnh thực hiện của thơ ca vừa thực lại vừa hư, điều đó giúp trẻ phát triển mãnh liệt trí tưởng tượng. Hơn nữa nghệ thuật nhân cách hóa trong thơ ca là sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu thương với trí tưởng tượng và đó chính là đặc điểm tâm lý nổi bật của trẻ nhỏ. Sự vật xung quanh trong mắt của trẻ thơ bao giờ cũng có hồn, nhuốm màu xúc cảm và bay bổng đến kì diệu. Bằng sức tưởng tượng thơ ca còn giúp trẻ có một tâm hồn giàu ước mơ, sớm hình thành tiền đề của hoạt động sáng tạo, hình dung ra những cái sẽ có và mong muốn làm nên những điều tốt lành.
Thơ ca còn giúp trẻ khám phá những điều mới lạ, trong thế giới xung quanh
Những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau, những thái độ thân thiện giữa con người với thiên nhiên đều là nội dung phong phú bồi bổ cho đời sống tinh thần của các cháu nhỏ. Nghe thơ đọc thơ còn giúp cháu khám phá , những quy luật đối nhân xử thế, những vẻ đẹp trong thiên nhiên và trong cuộc sống con người, giúp trẻ có cách sống cách nghĩ, cách nhìn hồn nhiên trong sáng đối với thế giới xung quanh, nhạy cảm trước cái đẹp, do đó dễ tiếp nhận với điều hay lẽ phải.
Cho trẻ tiếp xúc với thơ ca là việc nên làm, và làm càng sớm càng tốt. Nhưng dạy thơ cho trẻ như thế nào là một vấn đề nên bàn luận để hiệu quả giáo dục được nhân lên? Đó là câu hỏi đặt ra cho người lớn, đặt biệt cho những cô giáo mầm non cần tìm cách giải quyết để đáp ứng nhu cầu phát triển của các cháu nhỏ
Bản thân những lời hát ru của mẹ, những giọng ngâm thơ của bà, đã là những bài học quý giá thấm sâu vào lòng con trẻ của biết bao thế hệ người việt nam. Ở lứa tuổi mẫu giáo khi nhu cầu về cái đẹp đang phát triển thì việc dạy thơ ca còn mang một ý nghĩa đặt biệt, có nhiều tác động mạnh mẽ và nhiều mặt đối với đời sống của các cháu, về ngôn ngữ, về tình cảm, về suy nghĩ, về tưởng tượng, về cách sống đẹp.. Do đó có thể khẳng định rằng thơ ca là một loại hình nghệ thuật giàu sức gợi cảm, dạy thơ cho trẻ là hình thức giáo dục mang tính tích hợp cao, có khả năng hình thành ở trẻ một tâm hồn giàu lòng yêu thương, giàu ước mơ trong sáng và lành mạnh.
Từ phân tích trên, xin nêu một số việc cần làm khi cho trẻ tiếp xúc với bài thơ để bàn luận với các cô giáo mầm non, hy vọng sẽ tìm được cách dạy thơ cho trẻ một cách hiệu quả. Đó có thể là một số việc làm sau đây:
Trước hết cần chọn bài thơ hay, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của trẻ, rồi đọc diễn cảm một cách tự nhiên, rõ vần điệu, nhạc điệu cho trẻ nghe, nhấn mạnh các hình tượng trong bài thơ, giúp trẻ cảm nhận vẽ đẹp ngôn ngữ trong bài thơ đó
Ấn tượng những câu chữ mang hình tượng đẹp, những ý hay gần gũi với trẻ để giúp trẻ cảm nhận những tình cảm tha thiết, những ý nghĩ tốt đẹp đối với con người và cảnh vật xung quanh
Cho trẻ đọc theo từng đọan, cả lớp đọc rồi từng cháu đọc cho đến lúc thuộc. Khuyến khích những trẻ đọc hay, đọc đúng, thể hiện cử chỉ, nét mặt, nhất là giọng điệu phù hợp với bài thơ một cách hồn nhiên
Nếu dạy bài thơ được phổ nhạc thì dạy trẻ hát bài đó thêm phần sinh động, nếu lại được múa theo bài hát thì càng làm cho trẻ vui thích.
Khêu gợi ở trẻ những cảm xúc, nhũng ý tưởng và khuyến khích trẻ kể lại những điều mà trẻ cảm nhận được và hình dung ra khi đọc bài thơ
Có thể tổ chức cho trẻ tạo hình (vẽ nặn, cắt, dán…) nhũng hình ảnh biểu hiện cảm xúc của mình đối với con người và cảnh vật hoặc những gì trẻ cảm nhận ở bài thơ theo cách cảm, các nghĩ, theo trí tưởng tượng của chúng. Sau khi trẻ vẽ theo cảm xúc và sự hình thành chân dung thật sự của mình về bài thơ, cô giáo có thể đưa cho trẻ xem một vài bức vẽ có giá trị của các họa sĩ phù hợp với bài thơ đó giúp trẻ cảm nhạn bài thơ sâu sắc hơn
Cách làm này có thể tiến hành đối với việc dạy bất cứ bài thơ nào cho trẻ, riêng bài thơ “hạt gạo làng ta”là bài thơ hay của Trần Đăng Khoa viết khi còn là một cậu bé nghĩ về hạt gạo mà mình được ăn hàng ngày. Vần điệu, nhạc điệu trong bài thơ thật là hay, thật uyển chuyển, hình ảnh thật gợi cảm, dễ gây xúc động cho người học lại làm cho trẻ đễ hình dung cảnh vật theo trí tưởng tượng của mình. Qua bài thơ cô giáo có thể đưa cho trẻ xem một vài bức vẽ có giá trị của các họa sĩ phù hợp với bài thơ giúp trẻ cảm nhận bài thơ một cách sâu sắc hơn.
Qua bài thơ cô giáo cần giúp trẻ thấy được cái đẹp, cái hay trong tiếng dân tộc bằng nhũng vần điệu, nhạc điệu, hình ảnh gợi cảm, khêu gợi được bức xúc của các cháu đối với những người đã chịu thương chịu khó, chị đựng cả bão tháng bảy, cả mưa tháng ba…đẻ làm ra hạt gạo, gợi mở trẻ có thể hình dung ra những cảnh: những trưa tháng sáu, nước như ai nấu , chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy… sự cảm nhận ấy sẽ đem lại những ấn tượng sâu đạm trong tâm hồn mỗi đứa trẻ và nếu chúng lại thể hiện cách nghĩ, cách cảm nhận của mình vào bức tranh tự vẽ thì thật là tuyệt.
Dạy trẻ một bài thơ không chỉ dạy trong một buổi mà thường diễn ra trong cả tuần, cả tháng hoặc lâu hơn nữa, người dạy thơ cho trẻ không cứ phải là cô giáo mà có thể là ông bà, cha mẹ , anh chị.. có như thế mới thấm dần cái hay, cái đẹp của bài thơ. Đó cũng chính là cái vốn thơ ca vô cùng quý giá mà trẻ tích lũy được trong thơ ấu để rồi sau đó mỗi người trong từng bước trưởng thành, thậm chí trong cuộc đời.
Tạp chí Giáo Dục Mầm Non