Cha mẹ chọn cá có hàm lượng thuỷ ngân thấp, không cho trẻ ăn thực phẩm sống, ưu tiên luộc, hấp để bảo vệ sức khoẻ bé.
Cá là thực phẩm chứa nguồn chất béo tốt, giàu axit béo omega-3, 6, 9 và chứa rất ít cholesterol xấu... Omega-3 thấm qua màng tế bào, góp phần quan trọng vào quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào để có trái tim khỏe mạnh.
Axit béo omega-3 còn có lợi trong việc cải thiện thị lực, cấu tạo tế bào võng mạc mắt. Trẻ nhỏ hay những người thường xuyên làm việc với máy tính nên đưa cá vào thực đơn mỗi tuần để cho đôi mắt tinh anh, não bộ hoạt động tốt. Ngoài ra, thực phẩm có thể cung cấp sắt, canxi, kẽm và magiê. Một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi, cũng chứa vitamin D, rất quan trọng trong việc hấp thụ canxi.
Cá là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng vượt trội và tốt cho sức khỏe hơn so với những loại thực phẩm có nguồn gốc động vật khác. Thực phẩm giàu đạm, vitamin, khoáng chất, chứa nhiều axit béo DHA kích thích não bộ trẻ sản sinh ra chất xám. Thực phẩm giúp nâng cao khả năng nhạy bén, ghi nhớ và năng lực phán đoán của não bộ.
Cá chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Freepok
Cha mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn một số loại cá nấu chín từ khi trẻ 4-6 tháng tuổi. Thực tế, một số trẻ có thể dị ứng với thực phẩm, vì vậy cha mẹ cần trang bị kiến thức. Theo Đại học Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ (ACAAI), tỷ lệ dị ứng cá ước tính là dưới 2% ở trẻ em, dưới 5% ở người lớn. Các dấu hiệu dị ứng với cá bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, phát ban trên da, nổi mề đay, sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng cấp tính có thể gây khó thở, cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng.
FDA khuyến cáo, phụ huynh nên tránh cho trẻ nhỏ ăn cá mập, cá kiếm... vì hàm lượng thủy ngân cao. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng nên tránh những loại cá này.
Các loại cá có ít thủy ngân: cá ngừ đóng hộp (cá ngừ albacore có hàm lượng thủy ngân cao hơn), cá hồi, cá minh thái và cá da trơn. Cá ngừ giàu protein và chất béo. Một khẩu phần cá ngừ cung cấp từ 0,73 g - 1,28 g DHA và EPA. Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ tương đối cao, nhất là các loại cá ngừ lớn, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc trẻ nhỏ có hệ miễn dịch không tốt.
Khi chuẩn bị cá cho bé, cha mẹ chế biến loại bỏ xương đúng cách để tránh nguy cơ mắc nghẹn. Người lớn hạn chế cho trẻ ăn cá sống, chưa nấu chín kỹ. Gia đình có thể nấu cá theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, sở thích của bé.
Nếu tự chế biến, bạn cũng có thể trộn cá với trái cây hoặc rau củ bé yêu thích. Phụ huynh thử hấp, luộc, nướng thực phẩm. Thực tế, trẻ sơ sinh cần chất béo, vì vậy việc ướp cá với một ít dầu ô liu rất tốt. Cha mẹ lưu ý bỏ qua món cá chiên giòn vì có thể gây ra nguy cơ nghẹt thở do lớp vỏ giòn bên ngoài.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ăn cá bố mẹ nên ưu tiên chọn mua cá nhiều thịt, ít xương. Những loại cá này giúp tối giản quá trình sơ chế, chế biến, đồng thời giúp giảm nguy cơ bị hóc xương cá.
Lê Nguyễn (VNnexpress.net)