Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng chỉ cần nắm lòng bàn tay con là sẽ đảm bảo an toàn cho bé, tuy nhiên khi trẻ nghịch ngợm thì đây lại là vị trí bé dễ vung tay ra, dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
Nắm tay con khi qua đường, đi chơi, đi học... đã trở thành thói quen của rất nhiều gia đình. Việc này không chỉ đảm bảo con luôn được an toàn và có bố mẹ bảo vệ mà còn là cách để thể hiện tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Tuy nhiên, hành động này trong một số trường hợp cần phải thay đổi, nếu không rất dễ dẫn tới các sự việc đáng tiếc.
Cụ thể, bàn tay của người lớn và trẻ con khi nắm vào nhau sẽ chỉ tạo ra sự tương đối, không hoàn toàn đảm bảo như nhiều người vẫn nghĩ. Dù có cầm chắc tới mức nào thì khi trẻ đùa nghịch, vui chơi, con có thể dễ dàng rút tay ra khỏi bàn tay mẹ mà không gặp cản trở. Việc đó có vẻ như bình thường, trừ khi nơi 2 mẹ con đang đứng là đường phố, nơi xe cộ qua lại...
Đã từng có rất nhiều vụ tai nạn nguy hiểm xảy ra với lý do phụ huynh chỉ nắm hờ bàn tay của con mình. Khi hai mẹ con đang đi qua đường, cậu bé nghịch ngợm bất ngờ rút tay mình ra khỏi tay mẹ, chạy bất ngờ về phía trước, đúng lúc chiếc ô tô đang qua đường... Một tình huống khác, em bé đang đi bộ với mẹ và muốn sang đường, mặc dù người mẹ đã nắm chặt tay con và qua tới bên kia đường an toàn nhưng em bé bất ngờ rút tay và chạy theo hướng ngược lại. Cùng lúc này, một chiếc xe tải đi tới đã không xử lý kịp và đâm vào em bé...
Bố mẹ tuyệt đối không nắm bàn tay con khi qua đường vì đó là vị trí trẻ dễ buông ra nhất, điều đơn giản nhưng 80% phụ huynh làm sai - Ảnh 1.
Nhiều người đổ lỗi cho bà mẹ quá vô tâm không coi sóc con kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là chị đã làm sai cách - người mẹ đã nắm bàn tay con không chặt - một phần nguyên nhân dẫn tới tai nạn. Nhiều vụ tai nạn khác xảy ra với lỗi tương tự. Khi đứa trẻ bất ngờ chạy thì sức của mẹ hay cha cũng không kịp phản ứng.
Đây là lý do mà nhiều người đã đưa ra lời cảnh báo, kèm một số nguyên tắc an toàn. Điều đầu tiên chính là khi dắt trẻ sang đường hoặc đi trên đường, phụ huynh tuyệt đối không nắm bàn tay trẻ mà phải nắm ở phần cổ tay. Chi tiết nhỏ này tạo nên sự khác biệt rất lớn vì khi nắm ở vị trí cổ tay, trẻ sẽ rất khó để giật tay ra. Trong khi, nắm lòng bàn tay hoặc để trẻ túm tay mình thì trẻ rất dễ vùng ra.
Đây chính xác là một bài học vô cùng đắt giá đối với mọi người làm cha, làm mẹ. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi thường rất hiếu động nhưng lại chưa ý thức nhiều đến sự nguy hiểm ở xung quanh nên rất dễ gặp tai nạn nếu cha mẹ không để mắt tới.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý những điều sau khi cùng trẻ đi trên đường:
Tuyệt đối tuân thủ tín hiệu đèn giao thông
Đây là điều quan trọng và vô cùng cần thiết khi đi trên đường, dù với bất kì phương tiện nào. Bởi chỉ vài giây cố chạy nhanh... nhiều người sẽ phải đánh đổi bằng cả đời. Thế nên, hãy chú ý quan sát, đi đúng làn đường, theo đúng tín hiệu giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Đặc biệt, bố mẹ cần làm gương để con cái noi theo.
Không để trẻ tự chơi trên đường
Nhiều gia đình ở mặt đường hoặc có bố mẹ bận rộn sẽ để trẻ tự chơi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 7 tuổi vẫn cần sự trông nom, nhắc nhở và quan sát trực tiếp từ người lớn. Chỉ một giây lơ đễnh cũng khiến con gặp nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ hiếu động thường chạy nhanh, lao ra đường lớn khiến người tham gia giao thông không có khả năng xử lý kịp thời.
Bố mẹ tuyệt đối không nắm bàn tay con khi qua đường vì đó là vị trí trẻ dễ buông ra nhất, điều đơn giản nhưng 80% phụ huynh làm sai - Ảnh 3.
Dù là những chiếc xe đang đậu cũng có thể gây nguy hiểm
Nhiều người cho rằng những chiếc xe đang đậu là rất an toàn nên để con tự chơi thoải mái ở đó. Tuy nhiên, do vóc dáng nhỏ bé, trẻ rất dễ đứng ở những "điểm mù" của xe. Đã có rất nhiều trường hợp bố mẹ không quan sát kỹ con, đến khi phát hiện thì đã muộn. Tốt nhất, người lớn cần trông chừng trẻ nhỏ trong bất cứ trường hợp nào để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Không cho trẻ thò tay, chân, đầu ra ngoài xe ô tô
Trẻ rất thích khám phá và hay nghịch ngợm bằng cách cho tay, chân, thậm chí là đầu ra ngoài xe ô tô để trải nghiệm cảm giác mới lạ. Nhưng đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, chỉ cần một chiếc xe nào chạy qua chở theo vật cồng kềnh... thì rất dễ gây nguy hiểm cho con. Bố mẹ nên chú ý khóa cửa xe, dạy trẻ ngồi trật tự, có thể sắm ghế ngồi ô tô cho những trẻ nhỏ và dặn con thắt dây an toàn với trẻ lớn.
Nguồn Phụ nữ Việt Nam