Sức khoẻ
   Sai lầm cần tránh nếu không muốn trẻ tử vong vì sốt xuất huyết
 

Sai lầm cần tránh nếu không muốn trẻ tử vong vì sốt xuất huyết

Trẻ sốt xuất huyết bị tiêm vào cơ, truyền dịch tại nhà hoặc phòng mạch có nguy cơ chuyển nặng rất cao. Thậm chí, có trẻ đã nguy kịch phải hồi sức tích cực.

Không cắt lể, tự ý tiêm truyền

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm - Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi, ngụ Đồng Nai, bị sốt xuất huyết nguy kịch. 

Theo người nhà, vào ngày sốt thứ nhất, mẹ đưa bé đến khám tại phòng mạch tư, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ tại đây tiêm cho bé một mũi thuốc vào mông (không rõ thuốc gì). Một ngày sau, bé vẫn sốt cao nên đi tái khám và lại tiêm thêm một mũi thuốc.

Tuy nhiên, ngày thứ 3, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, tay chân lạnh nên gia đình chuyển lên TP.HCM, cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị sốc sốt xuất huyết, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực, tạm thời qua cơn nguy kịch.

Trẻ bị sốt xuất huyết nặng nhập viện đang có xu hướng tăng. Ảnh: BSCC

“Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không được tiêm vào cơ, kể cả thuốc bổ tại nhà hay tại phòng mạch", bác sĩ Việt cảnh báo. Ông cho biết, sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh. Nếu tiêm thuốc vào cơ có thể làm rách các mao mạch, gây chảy máu không cầm, nguy cơ tạo khối máu đông rất lớn.

Trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 từng gặp trường hợp trẻ bị sốt, nổi ban và bị người lớn cắt lể. Từ vị trí đó, trẻ chảy máu rất nhiều khi vào giai đoạn nặng, phải truyền bù máu. Còn hiện nay, ghi nhận hiện tượng một số phòng khám, bác sĩ vẫn tiêm thuốc, truyền dịch sớm cho trẻ sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định.

“Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm”, bác sĩ Đỗ Châu Việt nói. Phụ huynh cần biết dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đến bệnh viện, thay vì khi trẻ đã rơi vào sốc mới đưa đi cấp cứu. Mặc dù gần 90% các ca sốt xuất huyết tự hồi phục sau 7-10 ngày nhưng hiện nay, số ca mắc rất lớn, số ca nặng vì thế cũng tăng lên. 

Không nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh

Người bị sốt xuất huyết thường sốt cao, mệt mỏi, đau nhức trong vài ngày đầu.  Ngày thứ 3, nhiều người cắt sốt, cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn nguy hiểm vì tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. 

Triệu chứng có thể quan sát thấy như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa, sốc, trụy tim mạch… nếu không vào bệnh viện kịp. 

Với trẻ nhỏ, mối nguy hiểm cũng tương tự. Đặc biệt, tình hình tại TP.HCM cho thấy, tỷ lệ trẻ tử vong vì sốt xuất huyết nặng trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với mọi năm. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghi nhận 7 trường hợp. 


Sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm với trẻ em béo phì, dư cân, bệnh nền.

Biến chứng cũng thường xảy ra từ ngày thứ 3, trẻ đau bụng nhiều, liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết da và niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu ra máu… Với bé gái trong tuổi dậy thì, sẽ xuất huyết âm đạo. Trẻ có cảm giác buồn nôn hay nôn ói, nặng hơn trẻ có biểu hiện vật vã, lừ đừ, li bì. 

Ngay khi có những dấu hiệu trên, dù hết sốt, phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. 

Bên cạnh đó, nguy cơ có thể lớn hơn khi trẻ từng nhiễm hoặc đang nhiễm Covid-19. Mới đây, nam sinh 15 tuổi mắc sốt xuất huyết phải nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào ngày thứ 2 của bệnh.

Tại bệnh viện, em sốt cao liên tục, được truyền dịch điện giải nhưng nhanh chóng lơ mơ, ngủ gà, sốt cao khó hạ, mạch luôn nhanh nguy kịch. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển lên hồi sức.

Theo bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, các chỉ số viêm của bệnh nhân tăng rất cao. Em bị cơn bão cytokine bất ngờ tấn công mạnh và gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan thận, não, rối loạn đông máu nặng nề. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ để loại bỏ cơn bão cytokine và bệnh nhân phụ hồi sau đó.

Nguyên nhân là do bệnh nhân vừa bị sốt xuất huyết nặng, nhiễm trùng và phản ứng viêm hậu Covid-19. Các bác sĩ cảnh báo, với trẻ đã mắc Covid-19, hoặc cùng lúc nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết, nguy cơ trở nặng sẽ cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc điều trị 2 bệnh này đồng thời cũng khó hơn. 

Linh Giao

 Nguồn: https://vietnamnet.vn/benh-sot-xuat-huyet-co-2-sai-lam-can-tranh-neu-khong-muon-tu-vong-2030663.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nhiều phụ huynh chọn thể thao để rèn ý chí cho con (18/6)
 8 biến chứng thường gặp khi trẻ bị táo bón (16/6)
 Các biện pháp chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng (15/6)
 Con viêm gan cấp vì thực phẩm chức năng tăng chiều cao (14/6)
 Trẻ dễ viêm họng vào mùa hè, cách nào để phòng tránh? (14/6)
 Vitamin A: Thiếu, thừa đều gây hại (11/6)
 3 loại nước tắm giúp sạch rôm sảy cho bé (10/6)
 Loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở trẻ em (10/6)
 Nhận biết và điều trị chắp, lẹo mắt tránh nguy cơ tái phát (9/6)
 Cảm cúm mùa hè ở trẻ - Không nên bỏ qua những lưu ý này (9/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i