Xã hội
   Thiếu giáo viên trầm trọng khắp nơi
 

Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã phê duyệt được 5 năm nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương và chưa có giải pháp nào để bù lấp

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, cũng là lần đầu môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, môn nghệ thuật (gồm 2 phân môn âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào là môn học tự chọn.

Nhiều môn của chương trình mới "trắng" giáo viên

Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên (GV) trầm trọng ở các môn trên đang diễn ra trên cả nước, không chỉ ở vùng khó khăn, nông thôn mà ngay cả các thành phố lớn cũng mỏi mắt kiếm GV. Nhiều trường THPT trên cả nước "trắng" GV dạy môn âm nhạc, mỹ thuật, dẫn đến tình trạng nhiều trường chưa thể triển khai dạy các môn học này ngay trong năm học tới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu nhiều GV tin học, tiếng Anh ở tiểu học, cấp THPT thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật. 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có GV các môn nghệ thuật. An Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thiếu 185 GV dạy tin học lớp 3, chưa có GV dạy các môn tích hợp là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Ở cấp THPT, địa phương này chưa có GV môn âm nhạc, mỹ thuật.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Gia Lai, để triển khai dạy tiếng Anh và tin học theo chương trình mới đối với lớp 3, toàn tỉnh cần bổ sung 132 GV cho 2 môn học này. Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, dù có nhiều cố gắng nhưng địa phương này không thể đáp ứng được nhu cầu GV ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Bên cạnh việc thiếu nhiều GV các môn tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tỉnh còn thiếu GV các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 ở cấp THPT. Hiện nay, chưa có trường THPT nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai có GV các môn học mới này.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết vẫn còn thiếu trên 1.200 biên chế cần bổ sung cho các năm học tiếp theo. Riêng năm học 2022-2023, tỉnh còn thiếu 281 GV, bao gồm các lĩnh vực: tin học, ngoại ngữ, nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc. "Ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang còn những khó khăn, bất cập như: Tình trạng vừa thừa vừa thiếu GV cục bộ, việc thực hiện chương trình phổ thông mới vẫn còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ, trong đó dự báo về tình trạng thiếu GV kỹ thuật, mỹ thuật khi triển khai sách giáo khoa lớp 10, tình trạng thiếu cơ sở vật chất khi thực hiện "Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020" - ông Bảo nói.

Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Ảnh: HOÀNG THANH

"Đau đầu" lên phương án tạm thời

Hiện phần lớn các trường THPT ở tỉnh Bình Định đều không có GV ở các bộ môn nghệ thuật, gồm âm nhạc và mỹ thuật. Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn (thị xã An Nhơn), hiện nhà trường chưa có GV 2 môn âm nhạc và mỹ thuật. Trong trường hợp có học sinh chọn các môn học này, trường sẽ tính đến phương án hợp đồng GV âm nhạc và mỹ thuật ở trường THCS.

Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho hay vừa qua sở đã triển khai hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023. Theo đó, mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (công nghệ, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích các trường triển khai dạy học các môn tự chọn khi có điều kiện về đội ngũ GV và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ông Trần Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết hiện tỉnh còn thiếu khoảng 100 GV dạy tin học trong năm học tới. "Sau khi thực hiện đề án rà soát, sắp xếp lại trường lớp, GV, ngành giáo dục tỉnh đã giải quyết tạm ổn vấn đề vừa thừa vừa thiếu GV cục bộ. Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy bắt buộc tiếng Anh, tin học cho học sinh lớp 3 nên còn thiếu khoảng 100 GV dạy tin học. Trong khi bộ môn này không thể tuyển GV vì không có biên chế, nên phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn GV dạy bộ môn này" - ông Dự cho biết.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng thiếu GV cũng diễn ra khá gay gắt trong thời gian qua khiến nhiều trường, nhiều địa phương đau đầu. Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi thiếu gần 2.000 GV. Để giải bài toán thiếu GV, đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi tuyển 1.169 chỉ tiêu GV ở các cấp học.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, dự kiến, trong năm học 2022-2023 số học sinh tăng cao, Bình Dương sẽ thiếu khoảng 3.000 GV. Trong khi đó, tại Bình Phước, năm học 2022-2023, qua thống kê tỉnh này thiếu khoảng 1.500 GV, riêng môn tin học và tiếng Anh còn thiếu 178 GV.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, lên phương án giải quyết kịp thời, bổ sung nhân sự đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho hay ở bậc học mầm non tỉnh này đang thiếu 90 GV, bậc tiểu học đang thiếu 482 GV, bậc THCS thiếu 75 GV bộ môn và bậc THPT thiếu 36 GV. Với tình hình trên, sở này đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tuyển dụng 295 GV, trong đó bậc mầm non là 43 GV, bậc tiểu học là 234 GV và bậc THPT là 18 GV cho năm học 2022-2023.

Để có thể bố trí đủ GV dạy học, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã phải tìm nhiều cách để bảo đảm việc học của học sinh. Trong đó, các giải pháp như phân công, bố trí, điều tiết GV trong vùng; dồn lại các điểm trường, sáp nhập các trường học để giảm số lớp và GV; tuyển GV hợp đồng với số chỉ tiêu biên chế còn thiếu...

Vừa qua, sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ đề nghị xem xét bổ sung biên chế GV cho ngành giáo dục Gia Lai. 

Phân công giảng dạy: Khó vô cùng!

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 GV ngoại ngữ và gần 7.300 GV tin học ở cấp tiểu học; ở cấp THPT cần trên 5.300 GV môn nghệ thuật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu GV cho chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy. Việc hầu hết các trường THPT chưa có GV dạy môn mỹ thuật và âm nhạc đã gây ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tổ hợp môn học lựa chọn.

 

Không để ảnh hưởng đến học sinh

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, các giải pháp đều đặt mục tiêu là không ảnh hưởng tới học sinh, không thể để dồn trường khiến học xa nhà mà các em phải bỏ học. Sở GD-ĐT đã tính tới việc thuê xe đưa đón học sinh tại các điểm thuận lợi. Các em học sinh xa quá thì thực hiện dạy 2 buổi/ngày để các em có thể sáng đi, chiều về. Các buổi trưa ở lại thì thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, tức là phụ huynh đóng góp thức ăn, chỗ ở trong khi chưa có kiều kiện xây chỗ bán trú cho học sinh.

Nguồn https://nld.com.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cách nào chống sốc cho học sinh đầu cấp? (8/6)
 Thêm một trường ĐH tư tại TP.HCM ‘lấn sân’ đào tạo ngành mầm non (7/6)
 Công bố kế hoạch tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 tại Hà Nội (6/6)
 Đến bao giờ nghề giáo được ưu tiên nhất, thầy cô sống được bằng lương? (6/6)
 Sửa chùm Thông tư 01-04: Nên bỏ quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp GV (3/6)
 Người trẻ chọn ngành giáo dục đặc biệt (2/6)
 Hà Nội yêu cầu các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè (30/5)
 Thận trọng khi truyền thông về trẻ em (27/5)
 Trường Mầm non 8-3: Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ (24/5)
 Đề xuất hỗ trợ giáo viên tư thục 3,7 triệu đồng/người: 'Một đồng cũng quý' (23/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i